Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6: Sức cuốn hút từ hiện thực và lịch sử
Update Date: 10/02/2018

Cuộc thi Văn học tuổi 20 (VHT20) lần 6 đang đi đến giai đoạn cuối cùng trước khi xướng danh những tác phẩm xuất sắc. Đầu tháng 9 năm nay, Ban tổ chức đã công bố 20 tác phẩm vào vòng chung khảo, mang đến những tín hiệu đáng mừng về một thế hệ viết trẻ.

Bên cạnh đề tài hiện thực, rất nhiều tác giả đã tìm đến các đề tài mới lạ, trong đó có lịch sử – vốn là đề tài không dễ khai thác ngay cả với những nhà văn lâu năm. Nhờ đó, đã mang đến cuộc thi những tác phẩm độc đáo và hấp dẫn, mà bốn tác phẩm được giới thiệu dưới đây là một minh chứng.

Sau những ngày mưa

 

Chọn VHT20 làm nơi bắt đầu cho tình yêu văn chương của mình, Phạm Thu Hà (sinh viên khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội) mang đến cuộc thi truyện dài “Sau những ngày mưa” đầy ám ảnh. Nhân vật chính của tác phẩm là Huyên, một cô gái 21 tuổi, đang cùng mẹ theo chân đoàn hội chợ rong ruổi qua các vùng miền của đất nước. Câu chuyện được mở ra khi đoàn dừng chân tại thị trấn Thọoc Phưa, cũng chính là nơi đoàn đã đến cách đây 4 năm.

Huyên của hiện tại đã không còn là một cô gái bình thường như những cô gái khác, bởi lòng cô đang trĩu nặng những ưu phiền và thương tổn. Thoảng đôi lần, cô không ngừng tự vấn mình: “Tại sao mọi chuyện lại đến với tôi, tại sao tôi không thể bình an, yên ấm vào cái tuổi ấy? Lòng tôi cào về những ước mơ, những suy nghĩ ngây ngô của mình ngày mười bảy”.

Vào lứa tuổi mười bảy, Huyên cũng trong sáng, cũng lạc quan yêu đời, cũng tha thiết đắm say mà sống. Nhưng tất cả vụt qua như một cái chớp mắt kể từ khi em trai mất rồi cha mẹ li hôn, tiếp theo là chuỗi ngày trôi dạt vô định. Sử dụng lối viết dịu dàng, đượm tình có lẽ cũng là cách mà Phạm Thu Hà đứng về phía nhân vật của mình. Những yên ấm đã không còn nữa; theo thời gian, Huyên trở nên xơ cứng, trơ lì nhưng với tình yêu dành cho nhân vật, Thu Hà đã mở ra cho Huyên một lối thoát, đó chính là tha thứ cho mình và những người xung quanh để bắt đầu một cuộc đời mới. Vốn dĩ, sau những ngày mưa vẫn luôn là những ngày nắng ấm, tươi đẹp. Đó cũng là niềm tin mà Thu Hà trao gửi cho nhân vật của mình, cũng như những độc giả đang dõi theo hành trình của Huyên.

Tự nhiên say

 

Vài năm trở lại đây, Phát Dương (sinh năm 1995, hiện đang là sinh viên năm 4 Trường Đại học Cần Thơ) xuất hiện khá thường xuyên trên trang truyện ngắn các báo của trung ương và địa phương. Nhưng có lẽ, chỉ đến “Tự nhiên say”, Phát Dương mới thực sự để lại dấu ấn với độc giả yêu văn chương. Lựa chọn ngôn từ cùng lối viết dung dị, mộc mạc, không hoa mỹ; có thể xem đây là lựa chọn phù hợp nhất khi khai thác những thân phận đến từ miền Tây sông nước. Qua những trang viết của Phát Dương, các nhân vật như cô Xuân, cô Thương, cô Típ, Huệ, Thái… hiện lên chân chất và gần gũi. Họ trải qua những biến động, những hỉ nộ ái ố như bất kì mọi kiếp người nhưng ở họ vẫn luôn lấp lánh tình người.

Trong khi đó, truyện ngắn “Nhà máy” lại ghi nhận sự nỗ lực của Phát Dương khi thử nghiệm với thể loại giả tưởng nhưng vẫn tiệm cận với các vấn đề của cuộc sống đương đại. Truyện giống như một lời cảnh tỉnh về sự phi nhân tính của con người trước những ham muốn về danh vọng, địa vị, tiền bạc.

Phát Dương cũng cho thấy sự duyên dáng của mình khi khai thác những đề tài gần gũi, đặc biệt là tình cảm dành cho vùng đất mà mình đang sống qua sự tôn vinh một cách khéo léo về ẩm thực trong hai truyện ngắn “Chè đắng” và “Bún thương”. Thế mới hay, văn chương không ở đâu xa xôi, mà chính ở những gì gần gũi, ăn sâu trong tiềm thức của mình!

Trăng trong cõi

 

Là tác giả trẻ nhất VHT20 lần 6, nhưng Phạm Thúy Quỳnh (sinh năm 1997) lại khiến không ít người bất ngờ bởi sự táo bạo và mạnh dạn khi khai thác về cuộc đời Lê Long Đĩnh – vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê, người bị “đóng đinh” bởi những lời lẽ không mấy tốt đẹp: dâm đãng, tàn bạo, độc ác; thậm chí còn bị gọi là Lê Ngọa Triều.

Theo chân cô phóng viên trẻ tên Lâm về vùng đất Viên Mai – một nơi chìm lẫn trong hư hư thực thực với những con người lạ lùng, và khi đó cánh cửa quá khứ cũng được mở ra. Sử dụng thủ pháp đồng hiện, Phạm Thúy Quỳnh dẫn dắt người đọc dự phần vào câu chuyện trong hiện tại của Lâm, của Phương với một nhiệm vụ và trọng trách đầy cao cả. Bên cạnh đó là câu chuyện trong quá khứ về một cuộc đời đầy biến động của Bá Đa Lộc. Có thể nói, “Trăng trong cõi” góp thêm một cái nhìn mới mẻ và thú vị về lịch sử.

Phạm Thúy Quỳnh cho thấy một sự chuẩn bị nghiêm túc để có thể bước dài trên con đường văn chương qua sự đọc. Trong tác phẩm, Thúy Quỳnh nhắc đến những tên tuổi gạo cội như Goethe, Nikos Kazantzaki, Cao Hành Kiện, Philippe Claudel, Đới Tư Kiệt, “Kinh thánh”… Để có thể đi được đường dài, không có gì tốt hơn bằng việc đọc. Ngay bản thân tác phẩm này, như chia sẻ của tác giả cũng được khởi phát từ việc đọc “Đại Việt sử ký toàn thư”. Trước đó Phạm Thúy Quỳnh từng xuất bản hai tập truyện ngắn: “Nhện, Trịnh và thiên thu” và “Sợi chỉ đỏ kết nối”. Điều này cho phép độc giả có thể kỳ vọng và chờ đợi ở Thúy Quỳnh những tác phẩm tiếp theo.

Nhân gian nằm nghiêng

 

Cũng chọn “Đại Việt sử ký toàn thư” làm chất liệu cho tác phẩm, nhưng “Nhân gian nằm nghiêng” lại cho thấy trí tưởng tượng thực sự phong phú và rộng mở từ tác giả Đặng Hằng (sinh viên năm cuối, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội).

Trong một lần chèo thuyền trên sông Hồng, con thuyền của Huỳnh và Bùi Phóng bất ngờ rơi vào dòng nước xoáy rồi đưa cả hai cùng đến thời Tân Tỵ, Thiệu Bảo năm thứ ba. Đó là năm 1281, cách thời cả hai đang sống hơn 700 năm. Tuy nhiên, khi đến đó, Huỳnh và Bùi Phóng bị lạc nhau. Từ Lạng Sơn, Huỳnh được giải về Thăng Long; ở đó, cô gặp những người đã, đang và sẽ làm nên lịch sử như Trần Khâm, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu…

Những tiền nhân sẽ đón nhận Huỳnh (và Bùi Phóng) hay từ chối? Sự can dự của Huỳnh, một cô gái đương độ 20 của thế kỷ 21 liệu có làm thay đổi lịch sử vốn đã được các sử gia thảo ra từ trước? Huỳnh (và Bùi Phóng) sẽ phải làm gì để có thể quay về với thời đại của mình? Những câu hỏi đó thực sự là thách thức đối với một người viết trẻ như Đặng Hằng, nhưng đồng thời chúng cũng là những điều lôi cuốn độc giả tìm đọc cuốn tiểu thuyết mang tính dã sử này.

Sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ nằm ở câu chuyện thoạt tiên có vẻ rất lạ, mang yếu tố “xuyên không” mà còn nằm ở sự kỳ công của tác giả khi đã tạo dựng và tái hiện không gian, bối cảnh lẫn văn hóa của nước Việt dưới thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông.

Bên cạnh những giải thưởng chính thức, cuộc thi VHT20 lần 6 còn tổ chức cuộc bình chọn tác phẩm yêu thích từ 20 tác phẩm vào chung khảo dành cho bạn đọc, tại fanpage “Văn học tuổi 20” với hai hạng mục: Giải cho 3 bạn đọc có bài bình luận hay nhất, mỗi phần thưởng là 5 cuốn sách do bạn đọc bình chọn và Giải cho tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất, trị giá 20 triệu đồng, độc lập với kết quả xét giải của Ban giám khảo. Các giải thưởng này sẽ được công bố trong buổi lễ trao giải và tổng kết vào tháng 1 năm 2019. 

Minh Tú

 

Other News