Ở tuổi 58, sau một thời gian sống ở nước ngoài, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học John Steinbeck quyết định tái khám phá đất nước mình. Ông lái một chiếc xe bán tải có cabin trên thùng xe, cùng con chó Charley rong ruổi khắp nước Mỹ. Đó là một hành trình gần mười ngàn dặm mà John Steinbeck gọi là hành trình “đi tìm nước Mỹ”. John Steinbeck đối diện với nhiều hoàn cảnh, sự kiện, con người trong suốt chuyến đi. Ông tìm thấy sự đa dạng của người Mỹ và phong cảnh nước Mỹ, nhưng cũng tìm cách khái quát nên những nét chung. Ông cũng phải đối diện với nhiều vấn đề của bản thân, chủ yếu là nỗi cô đơn và vấn đề sức khỏe. Nhà văn đã luôn đứng về phía những người lao động, đã thấy tổ quốc mình tồn tại không phải ở các địa danh mà trước hết, và quan trọng nhất, ở những con người đã lựa chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống và, dù khác nhau, đều chỉ đang cố gắng thực hiện một hành trình tồn tại xứng đáng nhất. Mời bạn đọc qua các trích đoạn sách

Có những tập quán, thái độ, truyền thuyết. Cùng với những chỉ dẫn, những thay đổi, chúng có vẻ như là một phần cấu trúc của nước Mỹ. Và tôi xin đề nghị chúng ta hãy thảo luận về chúng vì chúng là những thứ đầu tiên khiến tôi chú ý. Trong khi các thảo luận này diễn ra, bạn hãy hình dung ra cái cảnh tôi đang lom khom đi trên con đường nhỏ hoặc ngoi lên từ sau một chiếc cầu, hoặc đang nấu hạt đậu lima[1] và thịt lợn muối trong một chiếc nồi lớn. Và một trong những cảnh đầu tiên sẽ liên quan đến chuyện săn bắn. Tôi có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi chuyện săn bắn nếu trong lòng đã muốn, vì mùa săn luôn làm cho mùa thu thêm lung linh. Chúng ta đã thừa hưởng nhiều hành vi từ các tổ tiên gần đây của mình, những người đã vật lộn với lục địa này giống như Jacob vật lộn với thiên thần[2], và những người tiên phong đã chiến thắng. Chính từ họ, chúng ta mang niềm tin rằng mọi người Mỹ đều là những thợ săn bẩm sinh. Và cứ đến mỗi mùa thu, ta lại thấy rất nhiều người đàn ông lên đường để chứng tỏ rằng nếu không có tài năng, sự khổ luyện, kiến thức, sự thành thạo thì họ sẽ bị bắn chết bởi súng trường hay súng săn. Kết cục thật là tàn nhẫn. Từ lúc tôi rời cảng Sag Harbor, các khẩu súng của tôi đã từng nã vào những con vịt di cư, và khi tôi lái xe ở Maine, những phát súng trường bắn vào rừng của tôi là nhằm dọa nạt những kẻ xấu trước khi chúng kịp biết chuyện gì xảy ra. Điều này chắc chắn làm hoen ố ít nhiều thanh danh nhà thể thao của tôi, nhưng tôi xin nói ngay rằng tôi không hề chống đối gì việc sát hại động vật. Đằng nào chúng cũng chết vì một thứ gì đó, tôi nghĩ vậy. Hồi còn trẻ, tôi thường trườn sấp hàng dặm đường, vượt qua những cơn gió lạnh cóng chỉ thuần túy vì sự vinh quang được nã đạn vào một con gà gô mà dù có ngâm trong nước muối cũng chẳng ngon lành gì để mà ăn. Tôi không quan tâm lắm đến thịt nai, thịt gấu, thịt hươu ngoại trừ gan của chúng. Với những công thức nấu nướng, rau thơm, rượu, sự pha chế để có một món thịt nai ngon, người ta cũng có thể biến một chiếc giày cũ thành một món ăn tuyệt hảo. Nếu đói, tôi sẽ chẳng ngại ngần săn bắt bất cứ con vật nào biết chạy, biết bò hay biết bay, và tôi sẽ dùng răng để xé xác chúng ra. Nhưng không phải là cái đói đã đẩy hàng triệu người đàn ông Mỹ vũ trang đi đến các khu rừng và ngọn đồi vào mỗi mùa thu, như tỉ lệ người bị bệnh tim cao trong số những người đi săn đã chứng minh. Theo một cách nào đó, việc săn bắn có liên quan đến nam tính, nhưng tôi không rõ là cách nào. Tôi biết một số tay săn giỏi và hiệu quả. Họ biết mình đang làm gì. Nhưng một số đông hơn hẳn là những quý ông béo phì, sặc sụa mùi whisky và vũ trang bằng những khẩu súng trường cực mạnh. Họ nã đạn vào bất cứ vật gì di động hoặc có vẻ như di động, và sự thành công của họ trong việc giết chóc lẫn nhau rất có thể đã góp phần vào việc ngăn ngừa bùng nổ dân số. Nếu những vật bị giết chỉ giới hạn trong số những người cùng một duộc với họ thì cũng chẳng có vấn đề gì, nhưng sự tàn sát bò, lợn, nông dân, chó và các biển hiệu đường sá làm cho mùa thu trở thành một mùa nguy hiểm để đi du lịch. Một chủ trang trại ở phía bắc bang New York đã dùng sơn đen kẻ chữ “bò” rất lớn lên cả hai bên lườn con bò mộng trắng của ông ta, nhưng các tay săn vẫn cứ bắn nó. Ở Wisconsin, lúc tôi đi ngang qua, một tay săn đã bắn vào giữa hai bả vai người hướng dẫn của mình. Nhân viên điều tra hỏi gã thợ săn tài ba này: “Ông nghĩ anh ta là con hươu à?”
“Vâng, thưa ông”.
“Nhưng ông có chắc anh ta là con hươu không?”
“Không, tôi nghĩ là không”.
Với những vụ nổ súng nhộn nhịp đang diễn ra ở Maine, dĩ nhiên tôi phải lo cho bản thân. Bốn chiếc xe hơi đã bị trúng đạn ngay giữa ban ngày. Nhưng chủ yếu là tôi lo cho Charley. Tôi biết rằng, đối với một trong các tay săn đó, con chó xù trông rất giống con hươu đực, cho nên tôi phải tìm ra cách nào đó để bảo vệ nó. Trong Rocinante có một chiếc hộp đựng khăn giấy Kleenex mà ai đó đã tặng tôi làm quà. Tôi dùng khăn giấy Kleenex đỏ bọc đuôi của Charley và lấy giây thun cột lại. Mỗi buổi sáng, tôi thay mới ngọn cờ này và Charley đã mang nó suốt chặng đường đi về phía tây giữa tiếng đạn réo rít quanh chúng tôi. Việc này không phải làm cho vui. Nhà đài cảnh báo rằng không nên cầm khăn tay trắng. Có quá nhiều tay săn thoáng thấy màu trắng là tưởng ngay đó là đuôi một con hươu đang chạy và bèn chữa cơn nghiện của mình bằng một phát súng.
Nhưng di sản này của người đi mở cõi không phải là điều gì mới lạ. Khi tôi còn bé và sống ở một trang trại gần Salinas, California, gia đình tôi có một người đầu bếp Trung Hoa, anh ta thường xuyên tận dụng được di sản này để làm một điều tốt đẹp nho nhỏ. Bên lề một dải đất hẹp của ngọn đồi gần đó có một cây ngô đồng bị đổ, nằm gối lên hai chiếc cành gãy của nó. Lee để ý thấy có một vết lõm màu nâu vàng trên vỏ cây do một viên đạn xuyên vào. Ông ta bèn lấy một cặp sừng, đóng đinh vào một bên đầu cây rồi rút về căn buồng của ông ta nằm khoèo cho đến khi mùa săn hươu qua đi. Sau đó, ông ta đã thu hoạch được mẻ chì của mình từ khúc cây già kia. Vào một số mùa săn, ông ta gom được đến hăm lăm, ba chục ký đạn. Đó không phải là một gia tài nhưng đó cũng là tiền. Sau vài năm, khúc cây bị bắn nát bét. Lee bèn thay nó bằng bốn bao cát rồi gắn lại cặp sừng cũ. Việc thu hoạch của ông ta lại càng dễ dàng hơn nữa. Nếu ông ta bố trí chừng năm chục mục tiêu như thế thì ông ta sẽ có cả một gia tài, nhưng Lee lại là một người đàn ông khiêm tốn, không hề quan tâm đến việc sản xuất hàng loạt.
Maine có vẻ như trải dài đến bất tận. Tôi cảm nhận được tâm trạng của Peary[3] khi ông ta đến gần cái nơi mà ông ta cứ tưởng là Bắc cực. Nhưng tôi muốn đến hạt Aroostock, một hạt lớn phía bắc Maine. Có ba khu vực lớn trồng khoai tây là Idaho, hạt Suffolk ở Long Island và hạt Aroostock ở Maine. Tôi đã nghe nhiều người kể về Aroostock, nhưng chưa ai trong số họ từng đến đó. Người ta bảo rằng mùa màng tại đây được thu hoạch bởi người Canucks đến từ Canada. Những người này kéo qua biên giới đông nghịt vào mùa thu hoạch. Đường tôi đi kéo dài bất tận qua những cánh rừng và ao hồ còn chưa đóng băng. Tôi cố chọn những con đường nhỏ băng rừng, vốn không thuận lợi lắm cho tốc độ. Nhiệt độ dâng cao và trời mưa không ngừng nghỉ khiến các khu rừng ướt sũng. Charley lúc nào cũng nhớp nháp, chỉ thiếu điều phát mốc. Bầu trời mang một màu nhôm xám ẩm ướt và không có dấu hiệu nào của một tấm màn trong mờ, nơi mặt trời có thể đang trú ngụ. Vì vậy tôi không thể định được hướng đi. Qua một đoạn đường cong, tôi có thể đang đi về hướng đông hoặc hướng nam hoặc hướng tây, chứ không phải là hướng bắc như tôi muốn. Hồi tôi còn là một cậu bé Hướng đạo sinh, tôi cũng từng bị lừa bởi chuyện huyễn hoặc là những đám rêu mọc ở mặt bắc của cây cối. Thật ra rêu mọc ở mặt râm, và mặt này có thể là bất cứ nơi đâu. Tôi quyết chí mua một chiếc la bàn, nhưng trên con đường tôi đang đi làm gì có thị trấn kế tiếp nào. Màn đêm từ từ trườn xuống, mưa đánh trống trên chiếc mui xe bằng thép và các cần gạt kính chắn gió đánh những vòng cung sụt sùi. Những cây cao u tối chen chân trên đá sỏi dọc ven đường. Có vẻ như nhiều giờ đã qua đi kể từ khi tôi băng qua một chiếc xe, một ngôi nhà, một cửa hiệu, vì đi theo lối này thì đường quê đã hóa thành đường rừng mất rồi. Một nỗi cô đơn u uất bỗng xâm chiếm lấy tôi, hầu như là một nỗi cô đơn khủng khiếp. Charley, ướt mèm và lẩy bẩy, nằm co tròn trong góc cái ghế của nó và không chia sẻ gì. Tôi tấp xe vào phía sau lối vào một cây cầu bê-tông, nhưng không thể tìm được một nơi bằng phẳng bên lề đường dốc tuột.
Ngay cả trong ca-bin cũng ảm đạm và ẩm ướt. Tôi vặn cao chiếc đèn măng-sông đốt bằng gas, thắp ngọn đèn dầu, rồi bật hai chiếc bếp lò để xua đi nỗi cô đơn. Mưa vẫn đánh trống trên chiếc nóc kim loại. Không có món gì trong kho thực phẩm của tôi là trông có thể nuốt nổi. Màn đêm buông xuống và các ngọn cây cũng sát vào nhau hơn. Giữa tiếng mưa đánh trống, tôi nghe đâu có những giọng nói, như thể một đám người đang thì thào, đang lầm bầm từ phía sau hậu trường. Charley liên tục ngọ nguậy. Nó không sủa để báo động, nhưng nó cứ gầm gừ và rên rỉ một cách khó chịu và điều này không giống nó chút nào. Nó không ăn bữa tối và nước uống cũng chẳng thèm đụng tới. Mà đó là một con chó vốn uống hàng chậu nước mỗi ngày và cần phải như thế vì sự bài tiết nữa. Tôi kháng cự quyết liệt nỗi cô đơn, làm hai phần sandwich bơ đậu phộng, rồi leo lên giường viết thư về nhà, cố xua đi sự đơn độc của mình. Rồi mưa bỗng ngừng rơi, nước trên cây nhỏ giọt, và tôi đã tưởng tượng ra cả một rừng những hiểm họa bí ẩn. Ồ, chúng ta có thể quy cho màn đêm những nỗi kinh hoàng, cho dù ta nghĩ mình có học hành và điều gì cũng biết, cho dù ta tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể đo và đếm. Dù tôi vẫn biết chắc rằng những điều đen tối đang tích tụ trong tôi hoặc là không tồn tại hoặc là không nguy hiểm, thế nhưng tôi vẫn cứ sờ sợ. Tôi nghĩ màn đêm hẳn là rất khủng khiếp vào thời mà người ta biết có những thứ nguy hiểm chết người đang ở đó. Nhưng không, sai rồi. Nếu tôi biết chúng ở đó, tôi sẽ dùng vũ khí chống lại chúng, dùng bùa, dùng lời cầu nguyện, dùng một dạng thức nào đó để liên kết với những thế lực mạnh ngang bằng nhưng đứng về phía tôi. Việc biết rằng chúng không có ở đó làm cho tôi trở nên không phòng bị và có lẽ càng thêm phần sợ hãi.
Rất lâu trước đây, tôi từng sở hữu một trang trại nho nhỏ ở núi Santa Cruz tại California. Ở một chỗ nọ, khu rừng những cây madrone khổng lồ phủ tán lên một hồ trên núi thực thụ, một hồ nước đen nháy. Nếu như có một địa điểm ma ám nào đó thì đích thị là nơi này. Vẻ ma quái của nó đến từ ánh sáng leo lét lọt qua những khóm lá và nhiều khung cảnh rợn người. Có một người Philippin làm việc cho tôi, một người miền núi thấp, đen và lặng lẽ, hình như thuộc tộc người Maori. Có lần, do nghĩ rằng ông ta hẳn phải thuộc về một hệ thống bộ tộc vốn xem những thứ vô hình như một phần của thực tại, tôi bèn hỏi xem ông ta có sợ cái nơi ma ám đó không, đặc biệt là vào ban đêm. Ông ta nói là không sợ vì nhiều năm trước đây có một thầy phù thủy đã cho ông ta một món bùa để chống lại ma quỷ.
“Ông cho tôi xem món bùa đó đi”, tôi thỉnh cầu.
“Nó là bằng lời”, ông ta nói. “Nó thuộc dạng bùa chú”.
“Ông đọc nó cho tôi nghe được không?”
“Được chứ”, ông ta nói rồi bắt đầu lẩm bẩm. “In nomine Patris et Filii et Spriritus Sancti”,
“Nó có nghĩa là gì vậy?” tôi hỏi.
Ông ta nhún vai. “Tôi không biết”, ông ta nói. “Đó là bùa chú để xua ma quỷ nhờ vậy mà tôi không sợ chúng”.
Tôi đã dặm vào câu chuyện này những từ ngữ nghe như tiếng Tây Ban Nha giả cầy, nhưng nói tóm lại thì đó là món bùa của ông ta và nó linh nghiệm đối với ông ta.
Nằm trên giường trong màn đêm thổn thức, tôi cố tập trung vào việc đọc sách để giữ cho đầu óc khỏi u sầu, nhưng trong khi đôi mắt vẫn lướt qua các dòng chữ, đôi tai tôi vẫn lắng nghe màn đêm. Vừa lúc sắp thiếp đi, một âm thanh mới khiến tôi bừng tỉnh. Đó là tiếng bước chân rón rén đi trên sỏi, tôi đoán thế. Cạnh giường tôi có một đèn pin dài sáu mươi phân, dùng cho việc săn mèo rừng. Nó phát ra một chùm sáng cực mạnh, rọi xa đến ít nhất một cây số sáu. Tôi bật dậy khỏi giường, nhấc khẩu súng các-bin 30/30 treo trên vách rồi dỏng tai nghe qua cánh cửa của Rocinante. Và tôi nghe thấy tiếng chân đến gần hơn. Đến phiên Charley gầm lên lời răn đe của nó. Tôi mở cửa ra và lia ánh sáng vào màn đêm. Đó là một người đàn ông mang giày ống và khoác tấm vải bạt màu vàng. Ánh sáng làm ông ta khựng lại.
“Ông muốn gì?” tôi hỏi.
Ông ta có vẻ như sững sờ. Phải mất một lúc, ông ta mới trả lời. “Tôi muốn về nhà. Tôi sống ở bên đường phía trên kia”.
Tôi chợt nhận ra toàn bộ cái sự tình xuẩn ngốc, những mẫu hình lố bịch đã lớp lớp chồng chất lên. “Ông thích uống cà phê không, hay chút rượu cũng được?”
“Không, trễ lắm rồi. Xin ông đừng rọi cây đèn đó vào mặt tôi nữa, tôi sẽ đi khỏi ngay”.
Tôi tắt đèn và ông ta cũng biến mất, nhưng khi đi qua, giọng ông ta vọng lại, “Tò mò một chút, ông làm gì ở đây vậy?”
“Cắm trại”, tôi nói, “chỉ là ở qua đêm”. Rồi tôi leo lên giường và lập tức ngủ say.
[1] Hạt đậu có nguồn gốc từ Nam Mỹ.
[2] Đây là một điển tích trong Kinh Thánh. Jacob là giáo trưởng thứ ba của người Hebrew và được xem là ông tổ của người Israel.
[3] Nhà thám hiểm người Mỹ Robert Edward Peary.