Mời bạn tiếp tục đọc trích đoạn quyển sách Phải Trái Đúng Sai. Sách là 1 trong 5 tựa đầu tiên của tủ sách Cánh cửa mở rộng - Tủ sách hợp tác giữa giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt và NXB Trẻ
Ba phương pháp tiếp cận công lý
Câu hỏi một xã hội có công bằng không chính là hỏi cách phân phối những điều chúng ta được thưởng – thu nhập và sự giàu có, trách nhiệm và quyền lợi, quyền lực và cơ hội, chức vụ và danh dự. Một xã hội công bằng phân phối những thứ này đúng cách, mỗi người nhận đúng phần mình đáng được hưởng. Nhưng câu hỏi khó khăn là ai xứng đáng được hưởng gì, và vì sao.
Chúng ta đã bắt đầu vật lộn với những câu hỏi này. Khi suy ngẫm về sự đúng sai của giá cắt cổ, tiêu chuẩn của huân chương Tử Tâm và gói cứu trợ, chúng ta đã xác định ba cách phân phối: phúc lợi, tự do, và đạo đức. Mỗi cách đưa ra một cách suy nghĩ về công lý khác nhau.
Một số cuộc tranh luận của chúng ta phản ánh sự bất đồng về
ý nghĩa của việc tối đa hóa phúc lợi xã hội hoặc tôn trọng
tự do hay khuyến khích đạo đức. Những cuộc tranh luận khác liên quan đến
bất đồng về việc phải làm gì khi xảy ra các cuộc xung đột về lý tưởng. Triết
học chính trị không thể giải quyết triệt để các bất đồng này nhưng có thể
định hình các lập luận của chúng ta, và cung cấp cho chúng ta – với tư
cách công dân của một xã hội dân chủ – những lựa chọn rõ ràng về
mặt đạo đức cho các giải pháp chúng ta đưa ra.
Cuốn sách này khám phá ưu, nhược điểm của ba cách suy nghĩ về công lý. Chúng ta bắt đầu với ý tưởng về tối đa hóa phúc lợi. Đối với các xã hội theo cơ chế thị trường, ý tưởng này là khởi điểm rất tự nhiên. Nhiều cuộc tranh luận chính trị hiện đại là về việc làm thế nào để thúc đẩy sự thịnh vượng, hoặc cải thiện tiêu chuẩn sống của con người, hoặc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại sao chúng ta quan tâm đến những thứ này? Câu trả lời rõ ràng nhất là chúng ta nghĩ rằng sự thịnh vượng làm cho chúng ta – từng cá nhân hay toàn xã hội – khấm khá hơn. Nói cách khác, thịnh vượng quan trọng vì nó đóng góp vào phúc lợi của chúng ta. Để tìm hiểu ý tưởng này, chúng ta nói về thuyết vị lợi, một học thuyết lý giải sâu sắc nhất việc tại sao và bằng cách nào chúng ta nên tối đa hóa phúc lợi, hay tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất (theo lời các triết gia theo thuyết vị lợi).
Tiếp theo, chúng ta xét một loạt học thuyết kết nối công lý với tự do. Hầu hết các học thuyết này nhấn mạnh phải tôn trọng các quyền cá nhân, mặc dù chúng vẫn bất đồng với nhau về quyền nào được coi là quan trọng nhất. Trong các nền chính trị hiện đại, ý tưởng công lý có nghĩa là tôn trọng tự do và các quyền cá nhân ít nhất cũng quen thuộc như ý tưởng tối đa hóa phúc lợi của thuyết vị lợi. Ví dụ, Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ (US Bill of Rights) đưa ra một số quyền tự do – bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, mà ngay cả số đông cũng không được vi phạm. Và trên thế giới, tư tưởng công lý có nghĩa là tôn trọng một số quyền phổ quát của con người ngày càng được chấp nhận rộng rãi (về lý thuyết là thế, mặc dù thực tế không phải luôn luôn được như thế).
Cách tiếp cận công lý bắt đầu từ tự do là một trường phái lớn. Trên thực tế, một trong những lập luận khó nhằn nhất trong thời đại của chúng ta nằm lưng chừng giữa hai phía đối nghịch, phái tự do kinh tế[1] và phái công bằng. Cầm đầu phái tự do kinh tế là những người tự do theo thuyết thị trường mở – những người tin rằng công lý là phải tôn trọng và bảo vệ những lựa chọn tự nguyện của những người tán thành đủ tuổi thành niên. Phái công bằng gồm các nhà lý thuyết theo khuynh hướng quân bình[2]. Họ cho rằng thị trường tự do không công bằng cũng chẳng tự do. Theo quan điểm của họ, công lý đòi hỏi các chính sách điều chỉnh những khuyết tật xã hội và kinh tế để tất cả mọi người có cơ hội thành công bằng nhau.
Cuối cùng, chúng ta xét học thuyết coi công lý gắn với đạo đức và lối sống tốt đẹp. Trong chính trị đương đại, các thuyết đạo đức thường được coi là của những người bảo thủ văn hóa và bảo vệ thần quyền. Ý tưởng đặt ra luật về đạo đức là điều đáng nguyền rủa với nhiều công dân trong các xã hội tự do, vì điều này dẫn đến nguy cơ thiếu khoan dung và cưỡng chế. Nhưng nhiều phong trào chính trị – trên rất nhiều ý thức hệ – đã lấy niềm cảm hứng từ khái niệm một xã hội công bằng phải khẳng định một vài đức tính và quan niệm về lối sống tốt đẹp. Không chỉ phong trào Taliban, mà những người theo chủ nghĩa bãi nô và mục sư Martin Luther King đã đưa ra quan điểm của mình về công lý từ các lý tưởng đạo đức và tôn giáo.
Trước khi cố gắng xét các học thuyết về công lý, thật đáng đặt câu hỏi: các lập luận triết học diễn tiến như thế nào – đặc biệt trong lĩnh vực dễ gây tranh cãi như triết học đạo đức và chính trị. Thường chúng bắt đầu từ những tình huống cụ thể. Như chúng ta thấy trong cuộc thảo luận trước về giá cắt cổ, huân chương Tử Tâm và gói cứu trợ, các nhận xét về chính trị và đạo đức thường đối nghịch nhau. Thường thì bất đồng nảy sinh giữa phe ủng hộ và chống đối trong công luận. Đôi khi bất đồng phát sinh giữa cá nhân chúng ta, khi thấy chính mình bị giằng xé hoặc mâu thuẫn về một vấn đề đạo đức khó khăn.
Nhưng chính xác là làm thế nào chúng ta có thể lý giải quá trình đi từ những phán xét đối với tình huống cụ thể đến những nguyên tắc công lý mà chúng ta tin rằng nên áp dụng cho tất cả mọi tình huống? Tóm lại, lý giải đạo đức bao gồm những điều gì?
Để xem lý giải đạo đức diễn tiến như thế nào, chúng ta xét hai tình huống – một tình huống là câu chuyện mang tính giả định xuất hiện trong nhiều cuộc thảo luận của các triết gia; tình huống còn lại là một câu chuyện có thật về một bi kịch đạo đức vô cùng đau đớn.
Hãy cùng xét tình huống giả thiết triết học trước. Giống như tất cả những câu chuyện cùng loại, nó bao gồm một kịch bản được lược bớt sự phức tạp trong thực tế để chúng ta có thể tập trung vào vấn đề triết học.
Xe điện đứt phanh
Giả sử bạn là người điều khiển xe điện lao trên đường ray với tốc độ 96km/h. Ở phía trước, bạn thấy năm công nhân đang làm việc trên đường ray. Bạn cố gắng dừng xe, nhưng không được. Phanh không ăn. Bạn cảm thấy tuyệt vọng, vì bạn biết nếu tai nạn xảy ra, năm công nhân sẽ chết (giả sử bạn biết chắc điều đó).
Đột nhiên, bạn nhìn thấy đường rẽ bên phải, trên đó có đúng một công nhân đang làm việc trên đường ray. Bạn nhận ra mình có thể bẻ lái xe điện sang phải, chỉ giết chết đúng một công nhân, nhưng cứu được năm mạng sống khác. Vậy bạn sẽ làm gì? Hầu hết mọi người sẽ nói: “Bẻ lái. Mặc dù chết một người vô tội thật bi kịch, nhưng sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu để năm người chết”. Hy sinh một mạng người để cứu năm mạng có vẻ là việc đúng phải làm.
Bây giờ xét phiên bản câu chuyện xe điện khác. Lần này, bạn không lái xe mà là người đứng trên cầu theo dõi (Lần này, không có đường nhánh rẽ phải.) Xe điện đang lao bon bon trên đường, cuối đường vẫn là năm công nhân. Giống ở trên, phanh không ăn. Xe điện sắp đâm vào năm công nhân. Bạn cảm thấy bất lực vì không thể ngăn chặn thảm họa này – cho đến khi bạn thấy một người đàn ông rất to béo đứng cạnh bạn trên cầu. Bạn có thể đẩy ông béo từ trên cầu xuống đường ray mà xe điện đang lao tới. Ông béo chết, nhưng năm công nhân sẽ được cứu (bạn có thể tự mình nhảy từ cầu xuống, nhưng bạn quá gầy để chặn được xe điện).
Liệu việc đẩy ông béo có phải việc đúng nên làm không? Hầu hết mọi người sẽ nói “Tất nhiên là không. Đẩy người xuống đường ray là cực kỳ sai trái”.
Đẩy ai đó từ trên cầu xuống và làm người đó chết có vẻ là một điều khủng khiếp, ngay cả nếu hành vi này cứu năm mạng sống khác. Nhưng điều này đưa ra một câu đố về đạo đức: Tại sao nguyên tắc dường như đúng trong trường hợp đầu tiên – hy sinh một người để cứu năm người – dường như không đúng trong trường hợp thứ hai?
Nếu số lượng là quan trọng, như phản ứng của chúng ta trong trường hợp đầu tiên cho thấy – nghĩa là cứu sống năm mạng người tốt hơn một – thì tại sao chúng ta không áp dụng nguyên tắc này trong trường hợp thứ hai và đẩy ông béo? Có vẻ tàn nhẫn khi làm chết ông béo, ngay cả khi có lý do chính đáng. Nhưng đâm (cán) chết một người bằng chiếc xe điện có ít tàn nhẫn hơn không?
Có lẽ lý do làm cho việc đẩy chết người là sai trái vì đã sử dụng người đàn ông trên cầu trái với ý chí của người đó. Xét cho cùng ông ta không lựa chọn can dự vào. Ông ta chỉ đứng ở đó.
Nhưng người công nhân làm việc trên đường ray phụ cũng có lý do tương tự. Người này cũng không lựa chọn can dự vào. Anh ta chỉ ở đó làm công việc của mình, không tình nguyện hy sinh mạng sống trong trường hợp xe điện mất phanh. Có thể lập luận rằng công nhân đường sắt sẵn sàng chịu nguy cơ hơn một người qua đường. Nhưng chúng ta hãy giả định rằng sẵn sàng chết trong trường hợp khẩn cấp để cứu mạng sống của những người khác không thuộc phạm trù công việc và giống như người qua đường đứng trên cầu, các công nhân cũng không nhất trí hiến dâng mạng sống của mình.
Có lẽ sự khác biệt về mặt đạo đức không nằm trong hậu quả mà nạn nhân gánh chịu – trong cả hai trường hợp nạn nhân đều chết – nhưng nằm trong chủ ý của người ra quyết định. Là người điều khiển xe điện, bạn có thể bảo vệ quyết định chuyển hướng xe điện của mình bằng cách chỉ ra bạn không cố ý gây nên cái chết của người công nhân trên đường ray phụ, mặc dù điều này đã được thấy trước; mục đích của bạn vẫn sẽ đạt được, bởi nếu thần may mắn mỉm cười, năm công nhân được cứu và có thể người thứ sáu cũng vẫn còn sống.
Nhưng điều tương tự cũng đúng trong trường hợp đẩy. Mục đích thực sự của bạn không phải là cái chết của ông béo. Tất cả những gì ông béo cần làm là chặn cái xe điện lại, nếu ông béo có thể làm như vậy và bằng cách nào đó còn sống, bạn sẽ rất vui mừng.
Hoặc có lẽ, khi suy ngẫm lại, hai trường hợp này bị cùng một nguyên tắc chi phối. Cả hai liên quan đến một lựa chọn có chủ tâm lấy đi mạng sống một người vô tội để cứu mạng sống nhiều người khác.
Có lẽ sự miễn cưỡng của bạn khi đẩy ông béo trên cầu chỉ đơn thuần là sự do dự, sự ngập ngừng mà bạn nên vượt qua. Đẩy chết một người bằng chính tay của bạn có vẻ độc ác hơn nhiều so với bẻ lái xe điện. Nhưng làm điều đúng không phải luôn luôn dễ dàng.
Chúng ta có thể kiểm tra ý tưởng này bằng cách thay đổi câu chuyện một chút. Giả sử bạn – người đứng xem – có thể khiến ông béo đứng cạnh rơi xuống mà không phải đẩy; tưởng tượng ông ta đang đứng trên một cửa sập mà bạn có thể mở bằng cách bẻ tay lái. Không phải đẩy mà vẫn đạt cùng kết quả. Khi đó thì bẻ tay lái có phải là việc đúng phải làm không? Liệu về mặt đạo đức, điều này có tệ hơn việc bẻ lái xe điện sang phải không?
Thật không dễ giải thích sự khác biệt về mặt đạo đức giữa những trường hợp này, tại sao bẻ lái có vẻ đúng, nhưng đẩy người trên cầu xuống là sai. Chúng ta cảm thấy thật áp lực khi phải đưa ra lý giải thuyết phục về cách phân biệt chúng; và nếu không thể, khi phải xem xét sự phán xét của chúng ta về việc đúng cần làm trong từng trường hợp. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng lý luận đạo đức là cách thuyết phục người khác. Nhưng đó cũng là cách phân loại các niềm tin đạo đức của chính chúng ta, để hiểu ra điều chúng ta tin tưởng và lý do tại sao.
Một số tình huống đạo đức khó xử phát sinh từ các nguyên tắc đạo đức mâu thuẫn nhau. Ví dụ, một trong những nguyên tắc trong câu chuyện xe điện là chúng ta nên cứu càng nhiều mạng sống càng tốt, nhưng một nguyên tắc khác lại nói giết một người vô tội là sai trái, ngay cả khi có lý do chính đáng. Đứng trước tình huống mà việc cứu được nhiều mạng sống lại phụ thuộc vào việc có giết một người vô tội không, chúng ta phải đối mặt với một tình thế khó xử. Chúng ta cố gắng tìm ra nguyên tắc có tính ưu tiên hoặc thích hợp với hoàn cảnh hơn.
Các tình huống khó xử về đạo đức khác phát sinh bởi chúng ta không chắc chắn các sự kiện sẽ diễn ra như thế nào. Ví dụ câu chuyện chiếc xe điện mang tính giả định đã được lược đi tính bất định giữa các lựa chọn mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống thực. Chúng giả định rằng chúng ta biết chắc chắn bao nhiêu người sẽ chết nếu chúng ta không bẻ lái – hoặc không đẩy người. Điều này làm cho những câu chuyện như vậy trở thành những định hướng hành động không hoàn hảo. Nhưng chúng cũng là các công cụ hữu ích cho việc phân tích đạo đức. Bằng cách bỏ qua các yếu tố ngẫu nhiên – “Điều gì xảy ra nếu công nhân nhìn thấy xe điện và nhảy tránh kịp thời?” – các ví dụ mang tính giả thuyết giúp chúng ta cô lập những nguyên tắc đạo đức đang xét và kiểm tra ảnh hưởng của chúng.
Người chăn dê Afghanistan
Bây giờ xét tình huống đạo đức khó xử có thực, mặc dù hao hao câu chuyện giả định về xe điện, nhưng phức tạp do không chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế nào. Tháng Sáu năm 2005 tại Afghanistan, một đội đặc nhiệm gồm hạ sĩ quan hải quân Marcus Luttrell và ba lính biệt kích hải quân khác thực hiện nhiệm vụ bí mật trinh sát một vùng gần biên giới Pakistan để tìm kiếm một thủ lĩnh Taliban có quan hệ mật thiết với Osama bin Laden. Theo tin tình báo, gã thủ lĩnh này chỉ huy 140-150 tay súng trang bị hỏa lực mạnh và đang ở trong một ngôi làng miền núi khó tiếp cận.
Ngay sau khi đội đặc nhiệm chiếm được vị trí trên một triền núi nhìn xuống ngôi làng, bỗng nhiên xuất hiện hai nông dân Afghanistan, trong đó có một cậu bé khoảng 14 tuổi cùng khoảng một trăm con dê. Những người Afghanistan này không mang vũ khí. Các binh sĩ Mỹ chĩa súng và ra hiệu cho họ ngồi bệt xuống đất, sau đó tranh luận tiếp theo nên làm gì. Một mặt, hai người chăn dê dường như là thường dân không vũ trang. Mặt khác, nếu được thả, có nguy cơ họ sẽ thông báo về sự hiện diện của binh sĩ Mỹ cho Taliban.
Khi bốn binh sĩ tính toán cách xử lý, họ nhận ra mình không có dây thừng, vì vậy không thể trói nhóm người Afghanistan để có thời gian đi tìm một nơi ẩn náu mới. Sự lựa chọn duy nhất là giết hoặc thả họ đi.
Một trong những đồng đội của Luttrell lập luận cho việc hạ sát: “Chúng ta đang thừa lệnh các chỉ huy cao cấp hoạt động trong vùng địch hậu. Chúng ta có toàn quyền làm mọi thứ để cứu mạng sống chính mình. Mệnh lệnh quân sự rất rõ ràng. Không tuân thủ là sai lầm”. Luttrell bị giằng xé “Thực tâm tôi biết anh ta đúng”, ông viết trong hồi ký. “Có lẽ chúng tôi không thể thả họ đi. Nhưng vấn đề của tôi là tôi có một linh hồn khác, một linh hồn Cơ đốc giáo. Và linh hồn này chiếm trọn tâm trí tôi. Có cái gì đó cứ thì thầm trong đầu tôi rằng hành quyết người không vũ trang là sai lầm lớn”. Luttrell không giải thích linh hồn Cơ đốc giáo của ông nghĩa là gì, nhưng cuối cùng, lương tâm không cho phép ông giết những người chăn dê.
Ông bỏ lá phiếu mang tính quyết định về việc thả họ đi. (Một trong ba đồng đội của ông bỏ phiếu trắng). Đó là một điều ông sẽ phải hối tiếc.
Khoảng một tiếng rưỡi sau khi thả người, bốn binh sĩ phát hiện mình bị một nhóm 80 đến 100 chiến binh Taliban trang bị AK–47 và súng phóng lựu bao vây. Trong cuộc đọ súng ác liệt sau đó, cả ba đồng đội của Luttrell thiệt mạng. Các tay súng Taliban cũng bắn hạ một máy bay trực thăng Mỹ tìm cách giải cứu đội đặc nhiệm, làm thiệt mạng tất cả mười sáu binh sĩ trên máy bay.
Luttrell – bị thương nặng – may mắn sống sót do lăn mình xuống sườn núi và bò tới một ngôi làng của bộ tộc Pashtun cách đó hơn 11km, được người dân bảo vệ trước Taliban cho đến khi được cứu. Trong hồi ký, Luttrell lên án lá phiếu không giết những người chăn cừu của mình. Ông viết về trải nghiệm này trong một quyển sách: “Đó là quyết định ngu xuẩn nhất đời tôi. Tôi hẳn đã mất trí. Tôi đã thực sự bỏ lá phiếu mà tôi biết đó là hành vi ký vào bản án tử hình của chúng tôi. Ít nhất, đó là cách tôi nhìn lại khoảnh khắc đó hiện nay. Lá phiếu của tôi có tính quyết định, và điều này sẽ còn ám ảnh tôi cho đến chết”.
Điều tạo nên thế khó xử của người lính là sự không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra nếu họ thả người. Liệu họ chỉ đi chăn cừu tiếp hay sẽ đi báo cho Taliban? Nhưng giả sử nếu Luttrell biết thả những người chăn cừu sẽ dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu khiến 19 đồng đội bỏ mạng, bản thân bị thương nặng, và nhiệm vụ thất bại? Liệu ông có quyết định khác không?
Khi Luttrell nhìn lại, câu trả lời thật rõ ràng: ông nên giết hai người chăn cừu. Với hậu quả thảm khốc sau đó, thật khó không đồng ý. Từ góc độ về số lượng, sự lựa chọn của Luttrell tương tự trường hợp xe điện. Giết chết hai người Afghanistan sẽ cứu mạng sống ba đồng đội và mười sáu binh sĩ khác đã cố gắng giải cứu họ.
Nhưng tình huống này giống phiên bản câu chuyện xe điện nào? Liệu giết người chăn cừu giống việc bẻ lái xe điện hơn hay giống việc đẩy ông béo từ trên cầu xuống hơn? Việc trên thực tế Luttrell dự đoán được hiểm họa mà vẫn không thể khiến mình hạ sát thường dân không mang vũ khí cho thấy tình huống này giống phiên bản đẩy hơn.
Và trường hợp hạ sát người chăn cừu dường như có lý do mạnh hơn so với trường hợp đẩy ông béo từ trên cầu xuống. Điều này có thể bởi vì chúng ta nghi ngờ rằng – xét đến hậu quả – những người chăn cừu không phải là người ngoài cuộc vô tội mà là cảm tình viên của Taliban. Xét câu chuyện tương tự sau: Nếu chúng ta có lý do để tin rằng ông béo trên cầu chịu trách nhiệm làm hỏng hệ thống phanh của xe điện với mục đích giết chết các công nhân trên đường ray (hãy giả định rằng họ là kẻ thù của ông béo), lý lẽ đạo đức của việc đẩy ông béo xuống đường ray sẽ có vẻ mạnh mẽ hơn. Chúng ta vẫn cần biết thêm kẻ thù của ông béo là ai, và tại sao ông ta muốn giết họ. Nếu chúng ta biết được các công nhân trên đường ray là quân kháng chiến Pháp và ông béo là một tên phát xít Đức tìm cách giết họ bằng cách làm hỏng phanh xe điện, khi đó đẩy ông béo để cứu họ sẽ trở nên thuyết phục về mặt đạo đức.
Tất nhiên có thể những người chăn dê Afghanistan không có thiện cảm với Taliban mà là người trung lập trong xung đột, hoặc thậm chí là kẻ thù của Taliban, nhưng bị Taliban buộc phải tiết lộ sự hiện diện của binh lính Mỹ. Giả sử Luttrell và đồng đội biết chắc chắn những người chăn cừu không gây hại, nhưng sẽ bị Taliban tra tấn và để lộ vị trí của họ. Người Mỹ có thể hạ sát nhóm người chăn dê để hoàn thành nhiệm vụ và bảo vệ bản thân mình. Nhưng quyết định làm vậy sẽ gây nhiều đau khổ hơn (và về mặt đạo đức cũng gây nhiều tranh cãi hơn) là nếu họ biết hai người chăn dê là gián điệp Taliban.
Tình huống đạo đức khó xử
Rất ít người trong chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt như tình huống mà những binh sĩ trên núi hay người chứng kiến xe điện mất phanh phải đối mặt. Tuy nhiên, quá trình vật lộn với tình huống khó xử của họ làm sáng tỏ cách vận dụng lập luận đạo đức, kể cả trong cuộc sống cá nhân của chúng ta hay trước công luận.
Cuộc sống trong các xã hội dân chủ đầy rẫy bất đồng về đúng và sai, công lý và bất công. Một số người ủng hộ quyền phá thai và những người khác coi phá thai là giết người. Một số tin rằng công bằng đòi hỏi phải đánh thuế người giàu, giúp đỡ người nghèo, trong khi những người khác tin rằng đánh thuế những người nỗ lực hết mình để kiếm tiền là bất công. Một số bảo vệ chính sách bình đẳng cơ hội tuyển dụng trong tuyển sinh đại học như cách sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, trong khi những người khác coi đó là một hình thức kỳ thị ngược không công bằng, gây bất lợi cho những người xứng đáng được nhận vào do chính thành tích của họ. Một số người phản đối việc tra tấn nghi phạm khủng bố vì đó là hành vi đạo đức đáng khinh không xứng đáng với một xã hội tự do, trong khi những người khác chấp nhận vì đó là phương sách cuối cùng để ngăn chặn khủng bố tấn công.
Kết quả bầu cử phụ thuộc vào các bất đồng này. Người ta đấu tranh với nhau trên các bất đồng này trong cái gọi là chiến tranh văn hóa. Xét đến niềm đam mê và cường độ của các cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức ở quy mô đại chúng của chúng ta, chúng ta dễ nghĩ rằng niềm tin đạo đức của mình luôn luôn cố định, bởi sự giáo dục hay đức tin của chúng ta – những thứ nằm ngoài tầm với của lý trí.
Nhưng nếu điều này đúng thì niềm tin đạo đức là không thể thuyết phục được, và những điều chúng ta tranh cãi trước đại chúng về công lý và quyền sẽ chẳng khác gì là một chuỗi các xác nhận mang tính giáo điều, một cuộc chiến ý thức hệ.
Tồi tệ nhất là nền chính trị của chúng ta đã đến gần với tình trạng này. Nhưng không nhất thiết phải vậy. Đôi khi, một lý lẽ có thể thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Sau đó làm thế nào mà chúng ta có thể tìm ra con đường của mình qua vùng đất các mặt đối lập: công lý và bất công, bình đẳng và bất bình đẳng, quyền cá nhân và công ích?
Cuốn sách này cố gắng trả lời câu hỏi trên. Một cách bắt đầu là chú ý đến cách niềm tin đạo đức xuất hiện một cách tự nhiên khi ai đó đối mặt với một vấn đề đạo đức khó khăn. Chúng ta bắt đầu từ một ý kiến, hoặc phán xét về điều đúng phải làm: “Bẻ lái xe điện vào đường ray phụ”. Sau đó chúng ta trình bày các lý do cho phán xét của mình, để xác định nguyên tắc nền tảng nằm bên dưới: “Thà hy sinh một mạng để cứu sống nhiều mạng hơn”. Sau đó, khi đối mặt với tình huống mâu thuẫn với nguyên tắc đó, chúng ta rơi vào tình trạng ngờ vực: “Tôi nghĩ cứu càng nhiều người càng tốt là điều luôn luôn đúng, nhưng việc đẩy ông béo từ trên cầu xuống (hoặc hạ sát những người chăn cừu không vũ trang) có vẻ là sai trái”. Cảm nhận sức mạnh của những ngờ vực đó và áp lực để sắp xếp lại suy nghĩ là động lực của triết học.
Đối mặt với sự căng thẳng này, chúng ta có thể thay đổi ý kiến của mình về việc đúng phải làm, hoặc xét lại những nguyên tắc ban đầu chúng ta tán thành. Khi gặp phải tình huống mới, chúng ta trở tới trở lui giữa các phán xét và nguyên tắc của mình, xem lại từng thứ trong mối tương quan. Sự biến đổi của tâm trí – từ thế giới hành động sang địa hạt của sự suy lý và quay ngược lại – là mục đích của suy ngẫm đạo đức. Cách thai nghén các lập luận đạo đức như vậy – cách biện chứng giữa phán xét của chúng ta về tình huống cụ thể và các các nguyên tắc suy nghĩ của chúng ta – đã có một truyền thống lâu đời.
Nó khởi nguồn từ các cuộc đối thoại của Socrates và triết lý đạo đức của Aristotle. Nhưng bất kể truyền thống cổ xưa, nó vẫn mở ra cho những thách thức sau:
Nếu mục tiêu của suy ngẫm đạo đức là tìm kiếm một sự phù hợp giữa phán xét chúng ta đưa ra và những nguyên tắc chúng ta khẳng định, thế thì làm cách nào mà suy ngẫm đạo đức có thể dẫn chúng ta đến công lý, hay chân lý đạo đức? Ngay cả nếu chúng ta thành công trong cuộc đời trong việc khớp trực giác đạo đức với nguyên tắc của mình thì liệu chúng ta có thể tự tin kết quả không phải là một mớ các thành kiến nhất quán với nhau?
Câu trả lời là suy ngẫm đạo đức không phải là nỗ lực theo đuổi đơn độc, mà là cố gắng của đại chúng. Nó cần có một người đối thoại – có thể là bạn, hàng xóm, đồng chí, đồng bào. Đôi khi cuộc đối thoại mang tính tưởng tượng hơn thực tế, khi chúng ta tranh luận với chính mình. Nhưng chúng ta không thể khám phá ý nghĩa của công lý hoặc cách sống tốt nhất chỉ thông qua việc tự xem xét nội tâm.
Trong tác phẩm Cộng hòa (Republic)của Plato, Socrates so sánh các công dân bình thường với một nhóm tù nhân bị giam giữ trong hang động. Tất cả những gì họ nhìn thấy chỉ là những cái bóng nhảy múa trên tường, một sự phản ánh của các đối tượng mà họ không bao giờ có thể nắm bắt được. Trong tác phẩm này, chỉ các triết gia mới có thể trèo lên khỏi hang động để ra ánh nắng ban ngày, ở đó anh ta nhìn thấy mọi thứ đúng như bản chất của chúng. Socrates cho rằng, nhờ nhìn thấy ánh mặt trời, chỉ triết gia mới phù hợp với việc dẫn dắt các cư dân hang động, nếu bằng cách nào đó triết gia bị ném trở lại bóng tối nơi họ sinh sống.
Quan điểm của Plato là để nắm bắt ý nghĩa công lý và bản chất của lối sống tốt đẹp, chúng ta phải vượt lên những thành kiến và thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Ông đúng, tôi nghĩ vậy, nhưng chỉ một phần. Những tuyên bố về hang động chỉ đúng phần nào. Nếu suy ngẫm đạo đức có tính biện chứng và dịch chuyển tới lui giữa phán xét chúng ta đưa ra trong các tình huống cụ thể và những nguyên tắc hình thành nên những phán xét, nó cần ý kiến và niềm tin, dù là cục bộ và thô sơ, để làm sáng tỏ vấn đề. Một triết lý không bị bóng tối trên tường tác động chỉ có thể có trong một môi trường vô trùng không tưởng.
Khi suy ngẫm đạo đức biến thành chính trị, khi phải xác định những luật lệ nào điều chỉnh cuộc sống chung của chúng ta thì nó sẽ cần các cuộc tranh luận ồn ào, với những lập luận và rắc rối khuấy động tâm trí công chúng. Cuộc tranh luận về cứu trợ tài chính và giá cắt cổ, sự bất bình đẳng thu nhập và chính sách bình đẳng tuyển dụng, nghĩa vụ quân sự và hôn nhân đồng tính đều là chất liệu cho triết học chính trị. Chúng nhắc chúng ta kết nối và biện minh các phán xét đạo đức và chính trị của mình, không chỉ trong gia đình và bạn bè mà còn trong các đoàn thể quần chúng.
Đòi hỏi cao hơn vẫn là các triết gia chính trị, cả thời cổ đại lẫn hiện đại, những người suy nghĩ thông qua những ý tưởng thổi sinh khí vào cuộc sống công dân: công lý và các quyền, nghĩa vụ và sự đồng ý, danh dự và sự tôn vinh, đạo đức và pháp luật – đôi khi bằng những cách cực đoan và đáng ngạc nhiên. Aristotle, Immanuel Kant, John Stuart Mill và John Rawls sẽ xuất hiện trong quyển sách này. Nhưng thứ tự họ xuất hiện không phải theo thời gian. Cuốn sách này không phải giới thiệu lịch sử tư tưởng mà là cuộc hành trình suy ngẫm đạo đức và chính trị. Quyển sách không cố gắng chứng minh triết gia nào ảnh hưởng tới triết gia nào trong lịch sử tư tưởng chính trị, mục tiêu của quyển sách là mời gọi độc giả xem xét cẩn trọng quan điểm về công lý và sự xem xét mang tính phê bình của mình, để xác định mình nghĩ gì, và tại sao lại vậy.
[1] Laissez–faire: là lý thuyết trong kinh tế học chủ trương chính phủ phải để cho kỹ nghệ trong nước được tự do hoạt động, không có những phương thức kiềm chế kinh tế như thuế má hoặc có những cơ sở độc quyền của chính phủ. Từ ngữ này trong tiếng Pháp có nghĩa là “để tự nhiên” hoặc “để tự do”. Lý thuyết này ngược lại với lý thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa.
[2] Egalitarian: người có niềm tin rằng mọi người đều quan trọng như nhau và do đó, nên có quyền lợi và cơ hội giống nhau
Người Mỹ khó chịu với sự thất bại hơn là lòng tham. Trong xã hội do thị trường dẫn dắt, những người giàu tham vọng được kỳ vọng sẽ theo đuổi mạnh mẽ quyền lợi của mình, và ranh giới giữa lợi ích cá nhân và sự tham lam thường mờ nhạt. Nhưng ranh giới giữa thành công và thất bại lại rõ ràng hơn nhiều. Và ý tưởng người thành công xứng đáng được tưởng thưởng là ý niệm cốt lõi của giấc mơ Mỹ.
Không đề cập đến lòng tham, Tổng thống Obama hiểu rằng tưởng thưởng sự thất bại mới là nguồn gốc sâu xa của bất mãn và phẫn nộ. Trong thông báo giới hạn mức lương của nhân viên điều hành tại các công ty nhận gói cứu trợ, Obama nêu lên nguồn gốc sự giận dữ:
Đây là nước Mỹ. Chúng ta không coi rẻ của cải. Chúng ta không ghen ghét ai đó thành công. Và chúng ta tin chắc rằng thành công phải được khen thưởng. Nhưng điều làm người dân khó chịu – và hoàn toàn chính đáng – là các nhân viên điều hành được khen thưởng vì đã thất bại, đặc biệt khi tiền thưởng lấy từ tiền đóng thuế của dân.
Một trong những tuyên bố kỳ lạ nhất về gói cứu trợ là của Thượng nghị sĩ Charles Grassley (tiểu bang Iowa), một người theo trường phái bảo thủ tài chính[1]. Khi nỗi tức giận đang ở cao trào, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Iowa, Grassley nói điều làm ông cảm thấy phiền lòng nhất là việc các vị giám đốc điều hành từ chối nhận bất kỳ trách nhiệm nào vì thất bại. Ông “sẽ nghĩ về họ tốt hơn một chút nếu họ bắt chước người Nhật, đến trước người dân Mỹ cúi đầu nói ‘Tôi xin lỗi’, rồi sau đó từ chức hoặc đi tự tử”.
Grassley sau đó giải thích mình không kêu gọi các vị giám đốc tự tử. Nhưng ông thực sự muốn họ nhận trách nhiệm về thất bại, phải cảm thấy ăn năn, và xin lỗi công chúng. “Tôi đã không nghe thấy các vị giám đốc làm điều này, và điều này khiến cử tri trong quận của tôi khó lòng chi thêm tiền cứu trợ”.
Ý kiến của Grassley khẳng định linh cảm của tôi: sự giận dữ đối với gói giải cứu không phải chủ yếu chĩa vào lòng tham, những gì xúc phạm ý thức công lý của người Mỹ là tiền thuế của họ được sử dụng để thưởng cho sự thất bại. Nếu điều này đúng, vẫn còn đó câu hỏi liệu quan điểm về gói cứu trợ có hợp lý không. Liệu giám đốc điều hành và quan chức cao cấp của các ngân hàng và công ty đầu tư lớn có bị đổ lỗi gây ra cuộc khủng hoảng tài chính không? Nhiều người đã không nghĩ như vậy. Điều trần trước ủy ban quốc hội điều tra cuộc khủng hoảng tài chính, họ khẳng định mình đã làm tất cả những gì có thể với thông tin có được. Cựu tổng giám đốc điều hành Bear Stearns – một công ty đầu tư tại Phố Wall sụp đổ trong năm 2008 – cho biết ông đã suy nghĩ rất nhiều về việc mình có thể làm bất cứ điều gì khác đi không. Ông kết luận mình đã làm tất cả những gì có thể. “Đơn giản là tôi không thể làm bất cứ điều gì... có thể thay đổi tình hình mà chúng ta phải đối mặt”.
Tổng giám đốc các công ty thua lỗ khác cũng đồng ý như vậy, khẳng định họ là nạn nhân “của một cơn sóng thần tài chính” mà họ không thể kiểm soát nổi. Một thái độ tương tự như thế với các nhân viên trẻ tuổi – những người đã có một thời kỳ khó khăn trước cơn giận dữ của công chúng về tiền thưởng của họ. “Không có bất kỳ ai thông cảm cho chúng tôi”, một người buôn bán chứng khoán ở Phố Wall nói với phóng viên tạp chí Vanity Fair. “Cứ như thể chúng tôi không làm việc chăm chỉ”.
Ẩn dụ sóng thần trở thành tiếng lóng của gói cứu trợ, đặc biệt trong giới tài chính. Nếu các vị giám đốc điều hành đã đúng khi nói rằng sự thất bại của các công ty là do tác động kinh tế lớn gây ra chứ không phải do quyết định của họ, thì điều này sẽ giải thích tại sao họ không thể hiện sự hối hận mà Thượng nghị sĩ Grassley muốn nghe.
Nhưng nó cũng đặt ra một câu hỏi sâu sắc về sự thất bại, thành công và công lý.
Nếu tác động kinh tế mang tính hủy diệt chịu trách nhiệm gây ra thảm họa tài chính những năm 2008 và 2009, có thể cho rằng chính tác động này cũng đã tạo ra khoản lãi ngoạn mục trong những năm trước đó? Nếu mất mùa là do thời tiết xấu, thì ở thời kỳ hưng thịnh tại sao trí tuệ, tài năng, và lao động cực nhọc của nhân viên ngân hàng, người buôn bán chứng khoán, và các vị giám đốc điều hành ở Phố Wall lại đem các khoản lợi nhuận kếch xù?
Đối mặt với sự phẫn nộ của công chúng về việc chi tiền thưởng cho sự thất bại, các giám đốc cho rằng các khoản tiền này không hoàn toàn do chính họ quyết định, mà còn là sản phẩm của những tác động ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ có thể đúng. Nhưng nếu điều này đúng, có lý do chính đáng đặt câu hỏi cho lập luận của họ về những khoản lương thưởng khổng lồ trong thời kỳ hưng thịnh. Chắc chắn khi chiến tranh lạnh kết thúc, quá trình toàn cầu hóa thị trường thương mại và thị trường vốn, sự bùng nổ máy tính cá nhân và Internet và hàng loạt các yếu tố khác giúp giải thích sự thành công của ngành công nghiệp tài chính trong thời kỳ hưng thịnh vào thập niên 1990 và trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Năm 2007, lương tổng giám đốc tại các tập đoàn lớn của Mỹ nhiều gấp 344 lần lương của người lao động bình thường. Vậy thì dựa trên căn cứ nào – nếu có – mà các vị giám đốc xứng đáng nhận lương nhiều hơn nhân viên của mình? Hầu hết họ làm việc chăm chỉ và cống hiến tài năng trong công việc của mình. Nhưng hãy xét điều này: Năm 1980, lương giám đốc chỉ nhiều hơn lương công nhân 42 lần. Có phải giám đốc thời 1980 kém tài và lười hơn giám đốc thời nay chăng?
Hay phải chăng lương phản ánh điều gì đó ngẫu nhiên không liên quan đến tài năng và kỹ năng? Hoặc so sánh mức lương giám đốc ở Hoa Kỳ và với các quốc gia khác. Ở Mỹ, giám đốc các công ty hàng đầu kiếm được trung bình 13,3 triệu đô la một năm (dữ liệu 2004-2006), ở châu Âu là 6,6 triệu đô la và ở Nhật là 1,5 triệu đô la. Giám đốc Hoa Kỳ có lương gấp hai lần giám đốc châu Âu, gấp chín lần giám đốc Nhật? Phải chăng những khác biệt này cũng phản ánh các yếu tố không liên quan đến nỗ lực và tài năng mà các vị giám đốc đem vào công việc của họ?
Sự tức giận đối với gói giải cứu lan tỏa khắp Hoa Kỳ vào đầu năm 2009 chứng tỏ quan điểm phổ biến rằng những kẻ phá nát các công ty mình điều hành bằng các quyết định đầu tư mạo hiểm không xứng đáng được thưởng hàng triệu đô la. Nhưng các lập luận về tiền thưởng đặt ra câu hỏi ai xứng đáng những gì vào thời kỳ thịnh vượng. Phải chăng những người thành công xứng đáng với tiền thưởng mà thị trường tưởng thưởng cho họ, hay tiền thưởng phụ thuộc vào các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của họ? Và có những ngụ ý nào về nghĩa vụ tương hỗ của công dân – trong thời kỳ thuận lợi và khó khăn? Người ta sẽ thấy cuộc khủng hoảng tài chính sẽ vẫn còn nhắc nhở công chúng tranh luận về những câu hỏi lớn hơn này.[1] Fiscal conservatism: chủ trương tránh bội chi, giảm chi tiêu công và nợ quốc gia; ủng hộ cắt giảm thuế và tự do thương mại.