Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Yêu thích muộn màng
Update Date: 08/14/2013

Tôi còn nhớ như in, ngày đó tôi đi nhà sách với chị tôi. Lúc đó nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa phát hành tác phẩm Đảo mộng mơ. Chị tôi rất yêu thích bác Ánh, chị nhiệt tình giới thiệu tôi những tác phẩm của bác, nhưng lúc đó hình ảnh của bác hoàn toàn mờ nhạt trong đầu tôi

Tôi có thói quen đánh giá sách qua vẻ bề ngoài. Khi nhìn những nhan đề và bìa sách của bác, tôi không mấy thích thú cho lắm. Đối với tôi, sách của bác toàn dành cho trẻ con, mà tôi thì chẳng thích những loại sách con nít như thế. Ngay cả khi lũ bạn rối rít đón nhận và ủng hộ những tác phẩm của bác, tôi cũng chẳng để tâm. Cho dù  hôm đó không mua được quyển sách nào hay, tôi vẫn không buồn xem qua sách của bác.

 

Rồi một hôm, bà ngoại thấy tôi đang đọc sách. Bà bảo tôi tìm sách của Nguyễn Nhật Ánh mà đọc. Tôi dạ vâng, nhưng lời dặn vào tai này qua tai kia, rồi tôi làm lơ luôn. Thấy vậy, bà lục lọi trong đống sách chị tôi để lại, và lôi ra một cuốn sách dày màu xanh lá mạ - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – giúi vào tay tôi.

 

Ban đầu, tôi thử xem qua vài trang, rồi tay tôi cứ liên tục lật hết trang này đến trang khác, cứ như có một sức hút diệu kì hấp dẫn tôi, đưa tôi vào câu chuyện. Từ hôm đó, tôi ôm quyển sách ngồi đọc ngấu nghiến. Tôi hình dung ra khuôn mặt thanh tú hồn nhiên của Tường, tôi thấy được tính hẹp hòi, ích kỉ của Thiều. Tôi cảm giác đang xem một bộ phim. Một bộ phim được thu bằng mắt và được chiếu bằng trí tưởng tượng của tôi. Đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh, nhiều lúc tôi cười thỏa mãn, nhiều lúc tôi than vãn, trách móc. Chả hiểu sao lúc đó tôi thấy mình cứ như đang từng bước đi lùi về thời thơ ấu, đến một vùng quê giản dị nhưng đầy yêu thương.Tôi lại cứ ngỡ mình là một đứa trẻ, đang sống trong chính cuốn truyện mình đang đọc. Đến đoạn kết, tôi lại thấy trước mắt tôi là cánh đồng cỏ xanh mướt, trên đó có những bông hoa vàng li ti, trông thật thơ mộng.

 

Từ lần đó, tôi lục lọi cả buổi chiều trong kho sách của chị để tìm cho ra những tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh. Mồ hôi ướt đầm đìa, tay chân rã rời, nhưng lòng tôi lại vô cùng thích thú khi tìm được cuốn sách khác của Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bêtô, để rồi tiếp tục đọc mê say.

 

Một cảm giác hoàn toàn mới lạ. Khi tôi đọc trang đầu tiên của Tôi là Bêtô, tôi mới được biết những suy nghĩ của loài chó. Tôi chợt thấy loài chó suy nghĩ cũng chẳng khác gì con người, cũng biết yêu thương, cũng có sự ngây thơ như những đứa trẻ, hay sự cảm nhận tinh tế của những triết gia. Đặc biệt có một câu hòi của cún Binô làm tôi phải dừng lại suy nghĩ : “Sống trên đời này, điều gì là thú vị nhất?’’. Câu hỏi có vẻ dễ nhưng để tìm ra câu trả lời thì thật khó! Tôi cũng tự hỏi mình câu ấy. Có lẽ mỗi người đều có những điều thú vị cho riêng mình. Như tôi, thú vị nhất là khi được cuộn mình vào lớp chăn ấm áp mỗi khi trời giá rét, hay được ngồi trong nhà nhìn ngắm những giọt mưa rơi, hoặc đơn giản chỉ là vừa nhâm nhi gói bánh vừa đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh. Quả thật là nếu không nhờ câu hỏi ấy, tôi cũng chẳng nhận ra cuộc sống có nhiều điều thú vị đến vậy! Tôi rất thích những câu triết lí của chú cún Binô, nó mang đến cho tôi cách suy nghĩ trưởng thành hơn. Đọc truyện này, tôi lại thấy cuộc sống của một chú cún sao mà vui vẻ và thảnh thơi đến thế. Trong đầu tôi lại xuất hiện một câu hỏi: “Làm thế nào mà Nguyễn Nhật Ánh lại có thể đặt mình vào vị trí một chú cún, hiểu được một chú cún muốn gì, để làm nên một tác phẩm hay như vậy? Có phải chăng khi ta yêu thương một thứ gì đó, ta có thể hiểu được thứ đó rất dễ dàng?’’.

 

Đọc hết cuốn sách Tôi là Bêtô, tôi lại tiếp tục háo hức đọc Đảo mộng mơ. Tôi nhớ cái ngày chị tôi giới thiệu quyển sách này cho tôi và tôi đã hờ hững như thế nào. Đọc cuốn này, tôi hoàn toàn cảm nhận được mình là một đứa trẻ với trí tưởng tượng và sự ngây thơ rất dễ thương. Tôi sẽ không thể tưởng tượng ra một hòn đảo nhỏ khi nhìn thấy một đống cát, cũng chẳng biết định nghĩa “đảo hoang’’ là đảo như thế nào. Nhưng nếu nhìn nhận mọi thứ qua đôi mắt của trẻ con thì đảo hoang đơn giản chỉ là hòn đảo mà ngoài mình ra thì chẳng còn ai khác. Tôi hoàn toàn trở thành một đứa trẻ khi cảm nhận được sự hạnh phúc khi ở trên hòn đảo nhỏ - nơi mà lũ trẻ xem như là một chốn thiên đường.Tôi cũng cảm nhận được sự tiếc nuối khi bố Tin sắp dùng đống cát đó để xây nhà, và hơn hết, tôi cứ ngỡ có  một phép nhiệm màu giúp hòn đảo của Tin vẫn còn nguyên vẹn sau khi Tin đi học về. Phải, chỉ nhờ một cuốn sách, mà tôi nhanh chóng nhảy ù về thời thơ ấu của mình.

 

Tôi tiếp tục vào nhà sách tìm mua tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi biết rằng mình sẽ phải còn tìm đọc nhiều tác phẩm lắm bởi sự yêu thích bác quá muộn màng. Và tôi chộp lấy hai cuốn: Cô gái đến từ hôm quaChuyện cổ tích dành cho người lớn.

 

Tôi rất thích cách nói chuyện dí dỏm và hài hước của Nguyễn Nhật Ánh trong quyển Chuyện cổ tích dành cho người lớn. Qua tác phẩm này, tôi lại thấy hình ảnh của bố mẹ mình. Lâu lâu cãi nhau vì những chuyện không đâu, nhiều lúc lại làm chúng tôi quay như chong chóng vì những cái gọi là “luật người lớn’’. Người lớn thường có những suy nghĩ rất “cá nhân’’, nhưng đôi khi chúng lại góp phần làm cho cuộc sống không nhàm chán, không buồn tẻ. Tôi phải phì cười trước bức thư người vợ gửi chồng, cũng như “bó tay’’ với cách nói rất ư là “người lớn’’ của ông bố với đứa con trai đang chơi cờ. Gia đình quả thật đôi khi có những bất đồng, xung khắc, nhưng Nguyễn Nhật Ánh biết cách đem những chuyện lục đục trong đời sống gia đình vào tác phẩm, biến chúng trở thành những câu chuyện khôi hài, song chứa đựng bên trong những kinh nghiệm quý báu giúp chúng ta vượt qua những sóng gió một cách nhẹ nhàng.

 

Cô gái đến từ hôm qua đối với tôi là một tác phẩm rất đặc biệt. Ban đầu tôi có hơi ngạc nhiên về cách viết song song giữa quá khứ và hiện tại, nhưng tôi nghĩ đơn giản chắc tác giả muốn so sánh giữa con gái hiền lành, dễ dãi khi còn nhỏ với sự khó tính khi lớn lên. Nhưng đoạn kết lại khiến tôi (và có lẽ những độc giả khác cũng thế) rất bất ngờ. Trong một khoảnh khắc, người con gái thời quá khứ lại là người đang đứng trước mặt nhân vật ‘’tôi’’. Như cái kiểu tuy hai mà là một. Làm tôi thật mãn nguyện.

 

Có lẽ đặc biệt nhất trong số những tác phẩm mà tôi đã đọc đó là Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Đặc biệt với tôi không phải ở tựa đề bắt mắt, không phải cái kết thích đáng cho giáo sư Chuột Cống béo ục ịch, mà ở tình bạn và tình yêu trong truyện. Tình bạn là gì? Tình bạn đâu có phân biệt, không quan tâm bạn là trai hay gái, nhỏ hay lớn, hoặc thậm chí bạn là mèo hay chuột. Tình bạn đơn giản chỉ cần một chút cảm thông, một chút quan tâm chia sẻ. Đâu phải con mèo nào cũng thích ăn chuột, thích vồ vập những miếng ăn béo bở. Đâu phải con chuột nào cũng thích chọc phá mèo, hay coi mèo như kẻ thù không đội trời chung. Tình bạn đẹp là thế, khi mèo Gấu đọc những vần thơ tràn đầy tâm sự, còn chuột Tí Hon ngồi chăm chú lắng nghe. Tình bạn đẹp là khi mèo Gấu tặng Tí Hon lương thực, tặng những bài thơ. Tình bạn đẹp là khi Tí Hon cặm cụi vẽ tranh tặng mèo Gấu. Tình yêu là gì? Tình yêu phải chăng là sự nhớ nhung ngày đêm của mèo Gấu, phải chăng chính tình yêu đã khiến mèo Gấu làm ra những câu thơ tràn đầy cảm xúc. Tình yêu không những có ở con người, mà đến cả loài mèo, loài chuột cũng biết yêu. Mèo Gấu cứ đứng mãi một chỗ, chờ nàng Áo Hoa trở về. Một cái kết thúc buồn, ba câu thơ cuối cùng như một dư âm còn đọng lại trong cả câu chuyện:

 

Tình yêu có gì?

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ

Một con ngồi yên một con đổi chỗ

 

Đọc sách của bác, tôi như từng bước trở về với cái thời còn non nớt, còn trẻ con của mình. Bây giờ tôi vẫn thế, vẫn là một đứa con nít, vẫn có những suy nghĩ rất trẻ con. Nhưng sau mỗi chuyến hành trình đi vào những câu chuyện thần tiên của bác, tôi lại thấy hãnh diện vì ít ra, tôi vẫn chưa quên tuổi thơ của mình. Chưa một lần tôi đọc sách Nguyễn Nhật Ánh mà tôi thấy thất vọng. Có chăng chỉ là thất vọng vì mình đã không thích chúng sớm hơn. Thời gian tiếp theo, với niềm đam mê và khả năng có hạn của một cô bé 14 tuổi, tôi vẫn sẽ cố gắng để chứng minh mình là một người yêu thích nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

 TRƯƠNG GIA PHƯƠNG

(TPHCM) 

Other News