Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc
Update Date: 04/19/2012

Bình Nguyên Lộc (bút danh của tác giả Tô Văn Tuấn) là một nhà văn lớn của Việt Nam, thuộc vào ba nhà văn đã sáng tác nhiều nhất của cả nước. Nguiễn Ngu Í (trong Sống và viết với..., Nxb Ngèi Xanh, 1966) gọi ông là một trong tam kiệt bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương. Với một sự nghiệp sáng tác đồ sộ mà theo tác giả tiết lộ chỉ riêng thể loại truyện ngắn đã hơn 1000 tác phẩm, hầu hết đều mang đậm phong vị Nam bộ với bối cảnh và nhân vật là những tiền nhân trên đường mở nước vào Nam.

Có người cho rằng, nhà văn đã lấy tên của quê hương mình làm bút danh: Bình nguyên là đồng bằng, cái bằng phẳng phì nhiêu hiền hòa của quê hương. Lộc là Nai, tên một loại thú hiền lành đẹp đẽ. Và hình ảnh của ông trong kí ức bao người thân quen là người có mái tóc với đường ngôi rẽ giữa muôn thuở và nhất là cặp mắt rất hiền mà tinh nghịch sau cặp kính gọng vàng biểu tỏ một vẻ trí thức mà giản dị. Văn Bình Nguyên Lộc cũng mang một nét riêng rất gần gũi và an nhiên như vậy. Ông làm Nai hiền trong cuộc rong chơi chữ nghĩa. Ông sáng tác nhiều thể loại và có một văn phong vừa sâu sắc, vừa giản dị; giản dị đối với những ai chỉ đọc để giải khuây, nhưng sẽ rất sâu sắc nếu độc giả bỏ công suy nghĩ.

Theo Sơn Nam, đọc sách Bình Nguyên Lộc không phải đọc một hơi, một giờ, một ngày… mà đọc lai rai tháng này qua năm nọ mới thấy được cái hồn sâu lắng mang hương vị quen thân ngỡ đã lãng quên. Sơn Nam từng thú nhận ông đã mua một cuốn sách của Bình Nguyên Lộc với giá đắt gấp 33 lần không chỉ vì mến mộ tác giả mà còn để tìm vài phút lâng lâng sảng khoái khi đọc được những câu “ca dao” bằng văn xuôi kết tinh từ nỗi thiết tha đối với quê hương, đất đai mà ông ôm ấp trọn cả cuộc đời. Sức hấp dẫn với Sơn Nam ấy theo lý giải của Thụy Khê là do tác giả đã lắng nghe và ghi lại tiếng động những thực thể xung quanh bằng đôi tai trẻ thơ lần đầu chạm vào âm thanh và cái nhìn khôi nguyên của một nhà thơ vừa khám phá ra vũ trụ. Cho nên ông để ý đến hành động cỏn con của một thằng bé năm tuổi muốn “nhốt gió”, đến tiếng “trở mình của lá chết”, tiếng "đất hả họng khát nước”, tiếng phổ ky hát “Vách bên trái cà phê không đậm, nhớ lược bằng vợt mới nghe không?”, “Người nầy ba muỗng đường, người kia một muỗng rưỡi thôi” v.v...

Ông thường nói “văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp với quê hương và xuất phát từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó”. Những cái nắm níu không dứt lìa được nơi tâm khảm người thôn dã đầy ứ mùi, vị, sắc hương khiến người đọc có thể ngửi, thấy, nếm, nghe tràn ngập trên trang sách Bình Nguyên Lộc. Đó là mùi đất xông lên sau đám mưa đầu mùa, mùi nước mắm của một trách cá kho, mùi khói đống un lá chết, mùi thơm thảo thụ của lửa, mùi bông bưởi bông sao, mùi củi cây rù rì… Đó là hình ảnh những sợi khói trắng mỏng, ngọn lửa màu xanh của củi bắp phơi khô, là ruộng, là rơm, là rạ, là trâu bò, là phân chuồng, là cấy gặt để rồi sẽ lại thấy cây, thấy cỏ, thấy mùa.... mùa ve kêu, mùa lá rụng, mùa cá hội, mùa đuổi chim… Nhắc đến quê là vui rạo rực, là quí vô cùng, là thương không biết để đâu cho hết, là nhớ da diết không nguôi được. Lửa reo trong bếp thì vui, nước mưa tràn đồng thì vui; xa đất thấy thèm mùi đất; xa xứ bắt được mùi nước mắm, mùi hương hành kho cá thì xao xuyến cả tâm tình v.v... Những con người ấy đã buộc kết hồn nhiên vào những thói quen, nếp sống hằng ngày nơi làng mạc như cuống rún không thể rời lòng mẹ. Chỉ thương những kẻ dân quê ra chợ mà không “tự nhuộm được màu chợ” nên thương nhớ khôn nguôi chơn trời cũ. Nhưng càng nếm trải nỗi mất mát bao nhiêu càng thúc đẩy con người ta ý thức giữ gìn - giữ làng, giữ đất, giữ nếp nhà bấy nhiêu.

Và phải chăng việc lưu giữ hình ảnh con người và những giá trị văn hoá vùng đồng bằng miền Nam chính là nguồn mạch văn chương đó. Nhà văn tìm lại bản lai diện mục của Sài Gòn, thành phố sinh ra từ một dòng sông, chưa kịp có dĩ vãng qua Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc. “Con sông con thân mật, đứng bờ bên này hú một tiếng là bên kia nghe liền... Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thuỷ Chân Lạp hoang vu… Con sông đặc biệt Á đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.” (Sông Ông Lãnh). Sài Gòn của Bình Nguyên Lộc là Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi. Sài Gòn cà phê bít tất. Sài Gòn “thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ”. Thân thiết đến độ “những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông đúc những khuôn mặt thân yêu, tha hồ mà trò chuyện cho ấm lòng”. Đó là vùng mộ huyệt chôn người. Chôn diều là nghĩa địa treo chằng chịt dây điện. Chôn những bầy chim dại dột là lưới giăng trên bãi rác. Sài Gòn qua lăng kính của Bình Nguyên Lộc, âm thanh sự sống vang lên không chỉ giữa phố xá đô hội nhộn nhịp mà còn len lỏi mãnh liệt ở những lãnh địa ngỡ như không dành cho sự sống. Xin trích lại lời nói đầu in trong bản Thịnh Ký (1966) mà có lẽ do chính Bình Nguyên Lộc viết rất ngắn, nhưng đầy đủ thông tin về văn bản:

Nhà văn Bình Nguyên Lộc có viết một thiên điều tra phóng sự dài, nhan là "Thám hiểm đô thành", gồm nhiều bài ngắn và chia ra làm hai phần.

Phần thứ nhứt, cho đăng báo hằng ngày, kể những chuyện lạ của Sài Gòn mà chưa báo nào nói đến, chẳng hạn như những bài "Ma máy đá", tả cái viện cơ thể học đầy dẫy xác chết ngâm thuốc của trường Y khoa Ðại học, chẳng hạn bài "Người chuột cống" theo dõi những người phu của ty vệ sinh đô thành họ chun xuống hệ thống cống tối thui và chằng chịt như mạng nhện để vét bùn đất cho thông cống.

Phần thứ nhứt ấy, tác giả không muốn in thành sách.

Ðây là phần thứ hai mà tác giả đã cho đăng riêng ở các tạp chí (Nhân Loại, Thời Trân, Sáng Tạo, v.v..) không có tính cách xã hội, hoặc "giựt gân" như các bài của phần thứ nhứt mà chỉ nên thơ hoặc đượm một tý triết lý vụn vặt nào đó thôi.

Và một Bình Nguyên Lộc nếu còn lưu lại được trong lòng người đọc phải chăng là ở phong-cách lục-tỉnh bình dị và cởi mở, không làm dáng, ráng làm vui, xuề xòa, không lý thuyết như có lần ông đã tâm sự với nhà văn Nguiễn Ngu Í.

NXB Trẻ
Other News