Đọc tập bản thảo Sài Gòn - Dậy mà đi[1] của Lê Văn Nuôi, tôi bồi hồi. Tác giả không “bình” nhiều, chỉ thuật và thuật khá vắn tắt một số chuyện do tác giả hoặc là nhân vật, hoặc chứng kiến trong thời gian bảy năm - 1968-1975. Tức từ lúc Lê Văn Nuôi còn học trường trung học Kỹ thuật Cao Thắng đến được giải phóng khỏi Côn Đảo.

Một đoàn viên rồi một đảng viên rất trẻ, bước trưởng thành của Lê Văn Nuôi giống bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam, hôm trước còn ngơ ngác trước thời cuộc, vào trận rồi thì hôm sau đã cao lớn... Đó là bảy năm trui rèn của một học sinh bình thường. Chính Lê Văn Nuôi tự rèn luyện trong một lò rèn luyện lớn - phong trào sinh viên học sinh và phong trào cách mạng thành phố Sài Gòn. Cậu học sinh 16 tuổi đi vào cách mạng trong khí thế của Tấn công Mậu Thân. Đôi khi có người lớn tuổi trong chúng ta ngỡ rằng hoàn cảnh vào cách mạng khá sớm của thanh niên là hiện tượng không phổ biến, nhưng tôi biết không chỉ có trường hợp Lê Văn Nuôi.
Tác giả từng là Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh vào những năm đầu 1970, (...)
Sài Gòn - Dậy mà đi như phác thảo với vài nét chấm phá. Một tập hợp bài viết mà! Lại đúng ngày kỷ niệm 9-1 - nửa thế kỷ Ngày Học sinh Sinh viên Việt Nam - tính từ phong trào Trần Văn Ơn - đã cận kề.
Ghi chép của Lê Văn Nuôi chân thật. Đây là thời gian tôi phụ trách công tác ở thành phố, những gì Lê Văn Nuôi nhắc tôi đều nhớ, những tên người Lê Văn Nuôi kể, tôi biết hầu hết, gặp hầu hết, tất nhiên, trừ số đông các “bà má phong trào” - những con người vĩ đại. Cái chân thật, hồn nhiên ấy không che những ấu trĩ. Lê Văn Nuôi chưa nói hết có thể vì chưa biết, cương vị của Nuôi trong phong trào thấp, còn các bậc đàn anh của Lê Văn Nuôi thì tới bây giờ, mỗi khi thuật lại, cười với nhau rôm rả. Cách mạng là thế đấy. Cần chi nói xa, từ 1975 đến nay, bao nhiêu là chuyện cười.
Ghi chép của Lê Văn Nuôi, do chân thật, rất xúc động. Ưu điểm của tập ký là tác giả không đóng vai “ông cố đạo” giảng giáo lý mà tường trình sự việc đã xảy ra - với thái độ thừa nhận đó là lẽ phải, phải làm. Thật đáng quý thái độ sòng phẳng như vậy.
Toàn tập sách toát lên tinh thần bao quát trong câu cuối của câu chuyện cuối - “Côn Đảo, tuổi hai mươi của chúng tôi”. Ra đón Lê Văn Nuôi ở bến tàu - Nuôi từ Côn Đảo được đưa về sau ngày toàn thắng 30-4-1975 - là “người mẹ già tàn tật - đã chống gậy tìm con khắp nơi suốt 15 ngày qua, cứ tưởng tôi đã chết vì không thấy trở về - và một người con gái trong chiếc áo dài trắng đôn hậu...”.
Ký của Lê Văn Nuôi đôn hậu. Có lẽ thành công của tập ký nằm ở chỗ đó...
[1] Lời tác giả: Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc về sự dìu dắt, hướng dẫn của chú Trần Bạch Đằng đối với tôi - Lê Văn Nuôi - trong bước đường tham gia cách mạng trước 1975 và làm báo sau năm 1975; tác giả Lê Văn Nuôi xin phép được trích đăng lại “Lời giới thiệu” do nhà cách mạng, nhà báo Trần Bạch Đằng (ông đã qua đời ngày 16-4-2007) đã viết và đăng trong tập sách Sài Gòn dậy mà đi của tác giả Lê Văn Nuôi - do Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2000)