Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là sự kiện tiêu dùng nổi bật nhất năm qua, bên cạnh đó còn có những sự kiện về tiêu dùng văn hoá - giải trí như nhà văn khuấy động thị trường giải trí (Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư), Uyên Linh và cơn sốt Việt Nam idol...
1. Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
Theo báo cáo của bộ Công thương, trong thời gian triển khai cuộc vận động, sở công thương các tỉnh, thành đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4.793.000 lượt khách tham quan, mua sắm và đạt doanh thu bán hàng là 1.499 tỉ đồng…
Về phía người tiêu dùng, cuộc vận động đã giúp nâng cao nhận thức về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt
Theo kết quả điều tra của công ty TV Plus thì một năm sau khi triển khai chương trình, đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt, trong khi con số này trước đó chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% (theo thống kê của tập đoàn Grey – Hoa Kỳ). Ngoài ra, số liệu của công ty tư vấn và nghiên cứu FTA Việt Nam cho thấy, 71% người tiêu dùng tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
2. Lạm phát hai số, người tiêu dùng có xu hướng thu hẹp chi tiêu
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12.2009, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao (không quá 7%). CPI tăng cao trong ba tháng đầu năm (tháng 1: 1,36%, tháng 2: 1,96%, tháng 3: 0,75%) và chậm lại từ tháng 4 đến tháng 8 và tăng cao trở lại từ tháng 9 đến tháng 12. CPI năm 2010 cao có phần do tác động tăng giá chung của nguyên vật liệu, hàng hoá trên thị trường thế giới, do thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung… nhưng chủ yếu do tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói kích thích kinh tế năm 2009; việc Nhà nước ba lần điều chỉnh tỷ giá trong năm 2010 làm giá nhiều loại hàng hoá, nguyên vật liệu… nhập khẩu phải tăng giá theo. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa được các chuyên gia kinh tế cho là: cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, hiệu quả đầu tư thấp, thâm hụt cán cân thanh toán lớn, gây sức ép lên tỷ giá, chính sách tiền tệ. Tổng cục Thống kê nhận định, CPI năm nay tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư.
3. Vụ Vedan gây ô nhiễm, người tiêu dùng bắt đầu xài quyền lực của mình
Năm 2010, người tiêu dùng đã tẩy chay sản phẩm của Vedan để tiếp sức cho nông dân TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai trên hành trình đi tìm công lý: yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản do hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường sông Thị Vải. Sự kiện này là giọt nước tràn ly thái độ ứng xử của Vedan: chấp nhận bồi thường. Nếu không diễn ra, không biết bao giờ sự cố môi trường mang tên Vedan, dưới khía cạnh quyền lợi người dân mới có hồi kết, khi mà trước đó các cơ quan quản lý nhà nước lẫn pháp luật đều đã vào cuộc. Lần đầu tiên, người tiêu dùng xài quyền tối thượng của mình một cách tương đối tập trung và đã thu được kết quả. Bảo vệ môi trường, bảo vệ người nông dân cũng là bảo vệ chính mình trong một thế giới các mối quan hệ không thể tách rời. Từ đây, khơi mào một văn hoá tiêu dùng mới, người mua không chỉ quan tâm đến thương hiệu ở góc độ chất lượng, giá mà còn đòi hỏi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường, với cộng đồng.
Thực tế này minh chứng thái độ của người tiêu dùng có thể quyết định thái độ ứng xử của doanh nghiệp.
Để không chỉ là “giọt nước”, người tiêu dùng cần được tổ chức lại, trưởng thành hơn trong sức mạnh tập thể chứ không thể lẻ mẻ, tự phát.
Tẩy chay Vedan là một cuộc tập dợt, nhưng cũng là lời cảnh báo với các doanh nghiệp khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
4. Giá vàng tăng và số vàng Việt
Chưa bao giờ vàng ám ảnh vào bữa ăn giấc ngủ của người dân như năm nay, từ kẻ có nhiều tiền đến người tích cóp từ đồng lương công nhật.
Với giá tăng 35% trong năm, vàng lên ngôi, khi mà chứng khoán gặp hạn, tiết kiệm đụng lạm phát hai con số, nhà đất đóng băng và kinh doanh làm ăn không dễ dàng mấy với lãi suất 20%.
Việc đổ xô tích luỹ và kiếm lời bằng vàng đã khiến thị trường vàng rung lắc mạnh. Chỉ trong buổi sáng 9.11, vàng lên giá kỷ lục 38,2 triệu đồng/lượng. Trong túi người dân Việt Nam có khoảng 1.000 tấn vàng, tương đương 45 tỉ USD, theo một tổ chức quốc tế. Người đứng đầu ngân hàng Nhà nước từng bình luận: nếu vậy thì dân ta giàu quá.
5. Nhà văn khuấy động thị trường giải trí
Đó là Nguyễn Ngọc Tư với phim Cánh đồng bất tận và kịch Nửa đời ngơ ngác, Nguyễn Nhật Ánh với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Hai nhà văn có những tác phẩm có số lượng phát hành kỷ lục và cả tạo luồng khán giả người Việt đối với phim Việt.
Tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với 17.000 bản đã được bán hết chỉ trong ngày đầu phát hành với đơn đặt hàng “trọn gói” từ các công ty phát hành. Ngay lập tức, hôm sau, nhà xuất bản Trẻ đã nhận được thêm hàng loạt đơn đặt hàng khác số lượng in tiếp 10.000 bản.
Sau đó, sân khấu cũng nhanh chân với các tác phẩm Nửa đời ngơ ngác chuyển thể từ Chiều vắng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh cháy vé cho đến tết âm lịch. Tập truyện ngắn Khói trời lộng lẫy ra mắt bạn đọc đúng vào dịp chiếu phim Cánh đồng bất tận cũng được tái bản ngay sau khi phát hành.
6. Uyên Linh và cơn sốt idol
Sau rất nhiều scandal, cuộc thi Việt Nam Idol 2010 tưởng chừng như đã trở thành món ăn quá tệ sau hai lần đến với công chúng. Thị trường âm nhạc càng trở nên nhạt nhẽo hơn, dù bên cạnh đó cuộc thi Sao Mai –Điểm hẹn cũng nỗ lực tìm kiếm tài năng âm nhạc.
Cuối cùng Việt Nam Idol đã khuấy động những ngày cuối tháng 12 nhờ các fan cuồng nhiệt bầu chọn cho thí sinh Nguyễn Trần Uyên Linh. Lần đầu tiên sau nhiều năm các cuộc thi âm nhạc tổ chức, một cái tên được từ trẻ đến già truyền miệng “Hãy bình chọn cho Uyên Linh”, chương trình Việt Nam Idol 2010 đang buồn tẻ bỗng trở thành chương trình được nhiều người trông đợi, mong ngóng, lượng người xem tăng vọt, quảng cáo cũng tăng vọt và đỉnh điểm là đêm cuối cùng không bán vé nhưng chợ đen vẫn có vé bán đến 1 triệu đồng/vé.
Không chỉ thế, sự thành công của gương mặt mới này khiến cho người ta mơ tưởng đến một trào lưu mới của lớp ca sĩ trẻ rất quyết liệt để tạo nên làn gió mới cho nền công nghệ giải trí đang manh nha hình thành.
7. Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp
Thị trường nhà đất năm 2010 ghi dấu ấn khá đậm với chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp. Công ty Vinaconex Xuân Mai đã đưa ra thị trường với giá 8,8 triệu đồng/m2 và gây cơn sốt nhà cho người thu nhập thấp.
Việc “tiếp cận” căn hộ cho người thu nhập thấp vẫn còn khó khăn, xa vời đến với người nghèo đô thị bởi lẽ các doanh nghiệp chưa mặn mà với các dự án này. Sự kiện một hàng dài ôtô xếp hàng chen mua nhà dành cho người thu nhập thấp đã gây tranh cãi trong dư luận về tính hiệu quả của chính sách này.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng giá nhà bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội đều không theo giá thị trường.
8. Nông sản một năm được giá
Năm 2010 đánh dấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục, ước 19,15 tỉ USD, tăng gần 22,6% so với năm cùng kỳ. Có ba mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD là thuỷ sản, đồ gỗ và gạo; một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD (cao su) và hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (càphê và hạt điều).
Do chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng chưa nhiều nên yếu tố làm tăng giá trị kim ngạch, chủ yếu đến từ sự biến động giá trên thị trường thế giới. Năm 2010, năm bội thu giá nông sản xuất khẩu, nhưng nghịch lý là không đưa đến nhiều lợi nhuận cao cho đại bộ phận người nông dân – đối tượng trực tiếp làm ra sản phẩm.
9. iPhone và nỗi oan một tỉ USD
Ngày 26.3.2010, người dùng trong nước có trải nghiệm về xếp hàng chờ mua iPhone khi điện thoại mang biểu tượng trái táo cắn dở này được phân phối chính thức tại Việt
10. Hình thành thị trường bản quyền truyền hình
Giữa tháng 7, VSTV với thương hiệu K+, tuyên bố độc quyền phát sóng các trận đá banh thuộc giải ngoại hạng Anh vào ngày chủ nhật, cùng các giải hấp dẫn như Ý (Serie A), Tây Ban Nha (La Liga), C1 (Champions League), Europa League, Pháp (Ligue 1) và Mỹ (Major League Soccer). Người tiêu dùng, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phản ứng nhưng không có ngoại lệ bởi có mua bản quyền mới được phát sóng.
Không chỉ có các sự kiện thể thao nước ngoài, mới đây, công ty nghe nhìn Toàn Cầu (thuộc nhóm đầu tư An Viên – AVG) tuyên bố mua bản quyền phát sóng các trận đấu của V-League trong vòng 20 năm. Nhà đài, các công ty dịch vụ truyền hình, ngay cả đài truyền hình VTV muốn phát sóng, phải mua lại bản quyền từ AVG.
Hai sự kiện này đủ để các nhà đài từ analog tới cáp và người tiêu dùng nhận diện thị trường bản quyền mới hình thành tuy có chút hoang dã.
(Nguồn: SGTT)