TS Đoàn Cầm Thi: Người Pháp hân hoan “tìm lại” Yersin
Update Date:
11/28/2013
Nhà xuất bản Trẻ vừa cho phát hành tiểu thuyết Yersin: dịch hạch & thổ tả (tác giả Patrick Deville, dịch giả Ðặng Thế Linh, hiệu đính Ðoàn Cầm Thi và Hồ Thanh Vân). Ðây là tác phẩm đầu tiên được dịch sang tiếng Việt của một trong những nhà văn hàng đầu nước Pháp hiện na
Cuốn sách được xuất bản trong khuôn khổ "Năm Pháp - VN", 70 năm ngày mất của Yersin, 120 năm hình thành thành phố Ðà Lạt - miền đất được chính Yersin khám phá. Dịp này, chúng tôi có bài phỏng vấn TS, dịch giả văn học Ðoàn Cầm Thi - người hiệu đính và viết lời bạt cho cuốn sách này. TS Ðoàn Cầm Thi hiện đang sống và làm việc tại Paris, Pháp.
* Sau những tác giả cổ điển, tới những nhà văn từng giành giải Nobel, có một làn sóng mới hơn cả trong văn học Pháp đã được dịch ở VN: Houellebecq, Littell, Beigbeder... và bây giờ là Patrick Deville, với tác phẩm Yersin: dịch hạch & thổ tả - giải Femina 2012, chị có thể nói thêm đôi chút về nhà văn và giải thưởng này?
- Sinh năm 1957, Patrick Deville bắt đầu cầm bút vào những năm 1985-1986. Thuộc thế hệ thứ hai, Deville và một số nhà văn cùng thời thường được dán những cái mác sành điệu như "hậu - tiểu thuyết mới", "trường phái tối giản", "tiểu thuyết phi biểu cảm". Năm 2012, ông nhận giải Femina - một trong những giải lớn nhất của văn học Pháp.
Nhưng dán mác là việc của các nhà phê bình. Trao giải là việc của các ban giám khảo, và đương nhiên là cuộc tranh đua của các tập đoàn xuất bản. Ở Pháp, sách đã trở thành hàng hóa. Tình trạng thương mại hóa văn chương trầm trọng đến nỗi giới chuyên môn chúng tôi bây giờ mắc bệnh thờ ơ mỗi khi mùa trao giải ùa đến. Có lẽ thời gian gần đây, rất ít tiểu thuyết được giải có giá trị thật sự, ngoài Bản đồ và vùng đất của Houellebecq và tác phẩm này của Deville.
* Dịch hạch & thổ tả, mới nghe qua có người sẽ liên tưởng đây là một kiểu giễu nhại Camus và Marquez, nhưng hình như không phải? Chị có thể nói thêm về văn phong của tác phẩm này?
- Kể về một nhân vật có thật, Deville đã chọn một lối viết độc đáo. Cuộc đời khổ hạnh của nhà khoa học Yersin hiện lên qua ngòi bút của ông đầy chất thơ, hài hước và ngông cuồng. Deville thường vứt bỏ các nhãn mác người ta gán cho tác phẩm của ông: tiểu sử, du hành, phiêu lưu, lịch sử. Tuy phi hư cấu, tác phẩm trước hết là một tiểu thuyết. Nói cách khác, sáng tạo nghệ thuật là ý đồ lớn nhất của tác giả. Deville ví công việc của mình như thao tác của một nhạc sĩ: nếu nguyên tắc chung là tôn trọng cái đã có, thì nhà văn và nhạc sĩ lại tuyệt đối tự do trong việc diễn giải. Giống như cùng một bản nhạc của Liszt hay Chopin, nhưng mỗi nhạc sĩ thể hiện một cách khác nhau. Nó có thể tầm thường hay tuyệt vời, điều đó tùy thuộc vào tài năng của người trình diễn.
* Cuốn sách viết về Yersin - một tài năng lớn, một nhân vật phi phàm. Vậy tác giả có định gửi thông điệp nào đó đến độc giả không?
- Không. Deville thường nói: "Nếu có một thông điệp nào đó thì tôi sẽ diễn đạt nó trong một bài báo hay một tiểu luận. Còn văn chương thì không. Thông điệp duy nhất của văn chương chính là sự hiện diện của nó và tự do mà nó mang lại".
* Hình ảnh ông Năm Yersin đối với người dân VN thật sự gần gũi, đáng kính. Vậy hình ảnh của ông tại bản quốc như thế nào?
- Chắc chắn Yersin được biết ở VN nhiều hơn ở Pháp. Có lẽ một phần thành công của cuốn sách này tại xứ lục lăng cũng vì lý do đó: người Pháp hân hoan tìm lại (khám phá thì đúng hơn) một đồng hương danh tài đã bị quên lãng nơi xứ người. Cuốn sách đẹp về văn chương đã đành. Nhưng qua Yersin, ông đã dựng lên chân dung một thế hệ nhân sĩ Pháp, những người trước công cuộc thuộc địa hóa của nhà cầm quyền, lại nuôi dưỡng vô vàn khát vọng khoa học nghệ thuật, với hoài bão thay đổi thế giới bằng trái tim và trí tuệ.
Tác giả Deville từng đến Nha Trang lần lại dấu chân Yersin và đi tìm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Trong cuốn sách, ông đã dành những dòng văn thật đẹp cho con người và cảnh xứ Nha Trang, mà Yersin gọi là "thiên đường" của mình. Ðà Lạt cũng vậy, bởi chính Yersin là người đã tìm ra và góp phần xây dựng thành phố cao nguyên này. Tháng 12 tới, Ðà Lạt sẽ là một trọng điểm cho các hoạt động nhân dịp Năm Pháp tại VN, và qua đó vinh danh Yersin.
* Sau cuốn này, tác phẩm nào của Deville sẽ được xuất bản tại VN?
- Cùng lúc với tác phẩm này, chúng tôi đã dịch cuốn Viễn vọng - tiểu thuyết thứ hai của Deville, viết năm 1988. Bản tiếng Việt do Nhã Nam và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp xuất bản. Chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả Việt hai tác phẩm có thể coi là đối lập nhất của cùng một tác giả. Hai phong cách, hai thể nghiệm khác hẳn nhau. Một cuốn thuần hư cấu, một cuốn phi hư cấu. Nhưng cả hai đều thể hiện cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của một tài năng văn chương.
Theo NGUYỄN DANH LAM- Tuổi Trẻ
Deville xúc động với chuyến đi VN
Deville chuẩn bị sang VN vào tháng 12 tới, nhân dịp Năm Pháp tại VN. Ông sẽ có dịp gặp gỡ độc giả tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt. Trong một lần trò chuyện với tôi, ông dường như xúc động với chuyến đi này, dù đây không phải lần đầu ông sang VN, cũng không phải lần đầu cuốn sách này được chuyển ngữ. Tháng 9 vừa rồi, nó đã xuất hiện tại Đức và Tây Ban Nha. Nhưng việc tác phẩm được dịch và đọc qua tiếng Việt dường như đã mang lại cho tác giả một cảm xúc đặc biệt. Bởi đây là ngôn ngữ mà nhân vật của ông, Yersin, đã hằng ngày hằng giờ kề cận suốt 50 năm của cuộc đời mình.
Đoàn Cầm Thi