Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

TÔI ĐANG SƯU TẦM TRUYỆN CỦA CHÚ CHO… CON TÔI SAU NÀY
Update Date: 06/24/2013

M. An-cot đã từng nói: “Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem đến điều hữu ích”. Với tôi, những quyển sách của chú Nguyễn Nhật Ánh đặc biệt đúng với lời nhận định này. Mỗi lần cầm trên tay những quyển sách bìa vàng của chú, lòng tôi bao giờ cũng khấp khởi, hân hoan như sắp được bước vào một thế giới cổ tích - nơi con người được thấy tâm hồn mình trẻ lại, thấy lòng mình vơi đi những lo lắng, bộn bề của cuộc sống đời thường. Để rồi đến khi bước ra khỏi thế giới mầu nhiệm ấy, tôi thấy mình có thể sống khác đi, và yêu thương khác đi.

Tôi bắt đầu biết đến chú Nguyễn Nhật Ánh vào năm cấp hai, khi xem bộ phim “Kính vạn hoa” trên ti-vi. Khi ấy, mặc dù mê phim lắm, mê Quý- Tiểu Long- Hạnh lắm nhưng trong đầu tôi chẳng mảy may ý định tìm mua sách của chú, bởi một lẽ đơn giản, tôi không có tiền. Tiền ăn vặt, tiền để dành có thể là những khái niệm không mấy xa lạ với nhiều đứa trẻ, nhưng với tôi, nó xa xỉ hoàn toàn. Và chắc hẳn rằng ba mẹ tôi - những người lao động ít học - cũng lấy làm phiền lòng nếu tôi xin vài chục ngàn chỉ để mua một quyển truyện. Vậy nên, tôi đành gác lại niềm yêu thích mới chớm ấy của mình, tôi chuyên tâm vào học. Và rồi, tôi quên bẵng…

Mãi đến khi lên năm thứ nhất Đại học, khoa của tôi mở cuộc thi “Vui để học” cho sinh viên các lớp tranh tài. Nội dung thi không giới hạn, nhưng bất ngờ ở chỗ: khoa yêu cầu chúng tôi phải đọc thật kỹ quyển “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của chú Nguyễn Nhật Ánh, vì cuộc thi sẽ hỏi một vài chi tiết trong truyện. Tôi lấy làm lạ nhưng cũng vui vẻ nghe theo. Một cô bạn cho tôi mượn và tôi đã đọc ngấu nghiến. Quyển truyện đầu tiên của chú Nguyễn Nhật Ánh đã làm tôi được sống lại với tuổi thơ của mình. Tôi thích thú, say mê với lối dẫn chuyện hóm hỉnh của chú, gần gũi và chân tình. Tôi cũng yêu cái trò “đặt tên cho thế giới” của cu Mùi, vì tôi tìm lại được một phần kỷ niệm thời xa xưa của mình trong đó, không đến mức nổi loạn như các nhân vật trong truyện nhưng cũng một thời, lũ trẻ chúng tôi gọi nhau là Tiểu Yến Tử, Tử Vi, gọi cô giáo là Dung Ma Ma chẳng hạn. Đọc truyện của chú, tôi thấy mình bé dại vô cùng, tự hỏi không hiểu vì sao chú lại có thể hiểu tâm lý con người đến vậy. Trở lại với cuộc thi “Vui để học” của tôi, câu hỏi có liên quan đến truyện chú Ánh là: “Tụi nó phủi kỷ niệm như phủi bụi, nhằm phi tang quá khứ. Nhưng đó là thứ bụi……………”. Những bạn đọc không kỹ tác phẩm đã điền là “bụi thời gian”, vì từ này cũng khá quen thuộc, nhưng nhà văn của chúng ta đã sáng tạo ra một khái niệm mới “bụi kim cương”. Chính nhờ đọc ngấu nghiến truyện của chú mà tôi đã vượt qua câu hỏi này một cách dễ dàng. Kỷ niệm đầu tiên về truyện của chú Nguyễn Nhật Ánh dễ thương như vậy đấy.

…Quả thật, quãng thời gian ở Đại học đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một ngày đẹp trời, tôi lên thư viện trường học bài và phát hiện ra một số lượng rất nhiều các tác phẩm của chú Ánh. Tôi đang ngơ ngác không biết vì đâu điều kỳ diệu này lại xuất hiện, thì nhân viên thư viện nói với tôi: “Một nhà mạng viễn thông đã tài trợ 1.000 đầu sách mới cho thư viện trường mình đấy”. Ôi trời!!! Tôi suýt nữa reo lên vì sung sướng! Từ lúc ấy, tôi hay đến trường sớm vài ba tiếng để đọc truyện của chú. Tôi chọn một mình một góc của thư viện, nơi có gió, có ánh sáng chan hoà. Giữa những trưa mát dịu, được ngồi ở thư viện đọc truyện của chú, được khám phá thế giới cổ tích riêng của mình, được làn gió từ tác phẩm của chú ùa vào tâm hồn thì đối với tôi, không còn gì tuyệt vời hơn nữa.

Dần dần, hai đứa bạn thân Đại học cũng phát hiện ra bí mật này của tôi. Và tôi đã rủ rê, lôi kéo tụi nó cùng đọc truyện của chú. Cũng như tôi, tụi nó cũng lăn ra cười khi đọc “Nữ sinh”, cũng bùi ngùi khi đọc “Còn chút gì để nhớ”. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tự hào vì mình đã làm được một việc vô cùng tuyệt vời, đó là truyền bá văn hoá đọc Nguyễn Nhật Ánh cho bạn bè. Đến với các tác phẩm của chú, tôi được cười đủ kiểu, từ rúc rích, toe toét đến sảng khoái, đôi lúc tôi phải giấu đi nụ cười của mình ở chốn thư viện vì sợ người ta nhìn. Và tôi đặc biệt yêu thích quyển “Còn chút gì để nhớ”, bởi lẽ tôi cũng đã có một mối tình dang dở vì lý do “nhạy cảm” như thế. Đọc quyển ấy, tôi đã ứa nước mắt khi một lần nữa lại tìm thấy mình trong truyện của chú Ánh.

Giờ đây thì hầu hết mười đứa bạn thân các cấp của tôi đều biết tôi “nghiện” chú. Sinh nhật năm rồi, tôi đã được tặng “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, “Út Quyên và tôi”. Khỏi nói cũng biết tôi nâng niu, mân mê đến mức nào. Và xin được bật mí, tôi đang sưu tầm truyện của chú cho…con tôi sau này đấy! Khi tôi nói ý định này ra, tôi bị lũ bạn thân cười xoà, bởi lẽ tôi chưa tròn 20 nữa. Chia sẻ vài kỷ niệm góp nhặt từ truyện của chú, tôi xin kết lời bằng một câu của A.Dumas fils vì tôi tin rằng, mọi độc giả của chú Nguyễn Nhật Ánh sẽ thấy vô cùng đúng với tác phẩm của thần tượng mình: “Sách mà có người đọc là sách lâu dài, sách mà người ta đọc đi đọc lại là sách bất tử”.

ĐỖ NGỌC ANH THƯ

(TPHCM)

Other News