Long thành cầm giả ca không phải là cuốn sách viết về một Thăng Long của vua chúa, của nạn kiêu binh nhũng nhiễu hay của những vị anh hùng được tạo nên thời thế, đó là Thăng Long của những trí thức đau đời như Nguyễn Du, thân phận bèo dạt của những người nghệ sĩ như cô Cầm.
Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn đất Long Thành) vốn là kịch bản phim điện ảnh của tác giả Văn Lê được được trao giải nhất trong cuộc thi sáng tác kịch bản phim nhân dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Tác phẩm được lấy tứ từ bài thơ chữ Hán Long Thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du viết vào năm 1813, nay đã được NXB Trẻ xuất bản thành sách.
Trong bài thơ nguyên tác, đó là cuộc gặp gỡ tuy chỉ thoáng qua đôi lần nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của Tố Như (tên tự của đại thi hào Nguyễn Du) với người đẹp gảy đàn nổi danh đất Long Thành – Cô Cầm. Hồi còn trẻ, Tố Như đến kinh đô thăm anh trai là Nguyễn Nghiễm, có dịp gặp gỡ cô Cầm, lúc này tuổi đang độ hai mươi, chơi đàn Nguyễn Cầm bên hồ Giám mừng các quan nhà Tây Sơn. Bẵng đi vài năm sau đó, khi đi sứ ngang qua Long Thành, ông và người xưa có dịp tái ngộ. Nhưng than ôi, tiếng đàn khi xưa vọng lại vẫn trong trẻo, thế nhưng cố nhân nay má hồng tiều tuỵ, "sắc mặt đen sạm, áo quần mặc toàn vải thô bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười". Tác giả hỏi ra mới biết chính người đàn bà trước kia đã gặp. Cảm thương cho thời thế, cho thân phận người phụ nữ, Nguyễn Du đã viết nên bài thơ nổi tiếng Long Thành cầm giả ca.
(Poster phim điện ảnh Long thành cầm giả ca, với Qúach Ngọc Ngoan vai Tố Như và Nhật Kim Anh vai cô Cầm)
Tuy nhiên, Long thành cầm giả ca không phải là cuốn sách viết về một Thăng Long của vua chúa, của nạn kiêu binh nhũng nhiễu hay của những vị anh hùng được tạo nên thời thế, đó là Thăng Long của những trí thức như Nguyễn Du, phận những người nghệ sĩ như cô Cầm. Cái nền lịch sử có tác dụng tôn lên chuyện tinh đẹp thời trai trẻ nhưng không trọn vẹn và đầy hối tiếc của Tố Như và Cô Cầm. Tình cảm được đào sâu và phát triển hơn so với sự đồng cảm, thương tiếc như trong nguyên tác. Chỉ từ một cuộc gặp gỡ, một ánh nhìn, một nốt ruồi nơi khoé miệng đã làm xao động hai tâm hồn, kéo theo những day dứt, luyến tiếc về sau. Khác với nàng Cầm thuở đôi mươi má đào tươi thắm, vui vẻ nói cười, khéo gợi chuyện như trong thơ gốc, nàng Cầm của tác giả Văn Lê u sầu từ bé, cái sầu đã thấm từ trong ánh mắt đến đôi mày, như chính lời nhận xét của thầy dạy hát khi nàng còn nhỏ: “Những người có khuôn mặt nghiêm nghị và buồn như cô bé thì không nên ra đời”.
Tình cảm giữa hai con người ấy có không chỉ sự xao xuyến của nam nữ thường tình, đó còn xuất phát từ sự “đồng bệnh tương lân, đông khí tương cầu” giữa hai tâm hồn cùng yêu cái đẹp, cùng thương cảm và đau với đời, với phận. Thế nhưng, tình yêu ấy không có được kết cục viên mãn trước những biến loạn, đổi thay của thời đại. Để đến cuối cùng, họ gặp lại nhau khi tuổi đã già, nước mắt thấm đẫm vạt áo, Tố Như đau đớn bật lên những câu thơ cảm thương cho số phận của người con gái năm nào, cũng là số phận của một cơ đồ nay tan tành trong khói bụi dĩ vãng:
“Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch,
Trong làng múa hát còn sót lại một người!
Ta từ trong Nam về lại, đầu đã bạc trắng
Chẳng trách nàng nhan sắc đã tàn phai
Hai mắt trừng trừng không tưởng tượng
Thương thay, gặp lại mà chẳng nhận ra nhau!”
Đã hơn trăm năm có lẻ từ lúc nhà thơ viết Độc Tiểu Thanh kí, rồi ba trăm năm cũng sẽ trôi đi, nhưng có lẽ với Long thành càm giả ca, ta biết thiên hạ vẫn còn mãi tiếc thương cho Tố Như.
Hoàng Trang