Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Muốn được thấu hiểu chỉ cần lắng nghe
Update Date: 12/07/2011

Năm 2006, bộ phim Babel của đạo diễn Alejandro González Iñárritu không chỉ chinh phục được giải thưởng Oscar danh giá, mà còn mang tới một cơn rúng động thực sự cho khán giả trên toàn thế giới. Bộ phim xâu chuỗi bốn câu chuyện ở bốn địa điểm riêng biệt. Sẽ không có gì đáng chú ý, nếu như chúng không đan chéo, liên quan chặt chẽ với nhau và không khiến người ta phải “ngạt thở” đến thế khi phải chứng kiến!

Bộ phim phơi bày thực trạng “tòa tháp Babel” của con người ngay giữa thời hiện đại, khi xu hướng “thế giới phẳng” dường như đã quá rõ rệt và không thể nào chối cãi. Nếu như trong Kinh thánh, chính bàn tay Chúa trời đã gây ra bất đồng ngôn ngữ, thì qua bộ phim của Iñárritu, ngày nay, chính con người mới là kẻ chủ động tạo ra những rào cản ngăn trở bản thân với những người khác, dù đó chính là vợ chồng, con cái mình.

Và rồi, chính mỗi con người ấy lại mắc kẹt trong những tình cảnh sống chết gieo neo, khi nỗi tuyệt vọng vì không thể trò chuyện – không thể cảm thông – không thể tương trợ bị đẩy lên đến cực điểm!

Nếu như có một phiên bản sách tương ứng với nội dung bộ phim ấy, thì đó phải là Công dân toàn cầu!

Tác giả Mark Gerzon, một điều phối viên, đồng thời là chuyên gia huấn luyện kĩ năng lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, đã mang đến một cuốn sách với những câu chuyện mà ông đã quan sát và góp nhặt trên khắp thế giới, mỗi câu chuyện như một mảnh ghép nhỏ bé nhưng đầy đủ màu sắc, chi tiết và tuyệt đối hữu ý.

Khi ghép tất cả những mẩu rời rạc ấy lại với nhau, bức tranh toàn cảnh về thế giới chúng ta đang sống nổi lên. Đó là một thế giới không chỉ phân chia bằng đường biên giới chằng chịt giữa các quốc gia, mà còn bị cắt vụn bởi những định kiến hẹp hòi về chủng tộc, sắc dân trong đầu óc con người ở những miền đất hoàn toàn xa xôi và cách biệt. Trước khi có cơ hội tiếp xúc với nhau, thì trong sâu thẳm mỗi người, đã có sẵn những hằn học, ghét bỏ, đã sẵn sự phản kháng và thái độ không-đối-thoại.

Mark Gerzon chỉ ra một điều, rằng bi kịch của con người và toàn thế giới xuất phát chính từ một nghịch lý: Vốn sinh ra, mỗi người đã là một thành viên trong ngôi nhà Trái Đất, nhưng chúng ta lại chưa mấy ý thức và làm tròn vai trò “công dân toàn cầu” của mình!

Tuy thế, trong một thế giới đang ngày càng liên đới chặt chẽ với nhau, với những vấn đề không thể bó hẹp trong mỗi thành phố, sau mỗi đường biên, từ những thảm họa thiên nhiên cho đến những cơn khủng hoảng kinh tế, xã hội với hiệu ứng Domino liên tiếp xảy ra, con người không có lựa chọn nào khác, ngoài trở thành những “công dân toàn cầu”, để cùng suy xét vấn đề với tất cả tầm bao quát, với chiều sâu và thiện chí hợp tác cùng “những người xa lạ”, để hiệp lực giải quyết và vượt qua.

Đó không còn là lựa chọn nữa, mà là một điều bắt buộc mang tính tồn vong.

Tác giả cũng đã trình bày một cách khúc chiết, sáng rõ bốn năng lực mà mỗi con người cần xây dựng để có thể trở thành một “công dân toàn cầu”, đó là: Quan sát – Học hỏi – Kết nối và Hợp tác thực địa.

Nhưng gốc rễ của tất cả những mở rộng tầm mắt, tăng cường tri thức, tạo dựng các mối liên kết và hiệp đồng tác chiến này là gì? Mark Gerzon liên tục nhấn mạnh một yếu tố căn cốt, tuy giản dị nhưng có sức mạnh quyết định, đó chính là sự điềm tĩnh và việc lắng nghe. Trong một thế giới liên tục biến động và con người ta bị lôi kéo, bị làm nhiễu loạn bởi đủ thứ thông tin hỗn tạp, của những tín điều trái ngược, thì điềm tĩnh suy xét, nhận định và tạm dẹp bỏ thói vị kỉ quyết liệt để lắng nghe và sẵn sàng đối thoại chính là chìa khóa cho tất cả những biện tháo gỡ sau đó.

Một điều thú vị, nhưng không hoàn toàn ngẫu nhiên, là thông điệp của cả bộ phim Babel và cuốn sách Công dân toàn cầu chỉ nằm trong tám chữ ngắn gọn: Muốn được thấu hiểu, chỉ cần lắng nghe.

Đó cũng chính là điều mỗi con người, và cả thế giới vẫn luôn không ngừng kiếm tìm và nỗ lực để đạt được.

Lạc Nguyên

(Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn)

Công dân toàn cầu

Tác giả: Mark Gerzon

Người dịch: Đinh Thụy Mỹ Quỳnh

NXB Trẻ ấn hành, tháng 10/ 2011

 

Other News