Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Sách thiếu nhi: Lượng nhiều, chất ít?
Update Date: 06/08/2011

Nhà văn kêu chưa được đầu tư, nhà xuất bản than ít nhà văn tâm huyết. Do giới làm sách chỉ đầu tư vào những mảng sách dễ làm, dễ thu lợi nhuận, sách thiếu nhi hiện rơi vào tình trạng thừa mà vẫn thiếu. Để tìm một đầu sách văn học thiếu nhi chất lượng hoặc truyện tranh Việt hay cho con, các bậc cha mẹ phải toát mồ hôi trong mê cung sách.

Khai thác sách dễ ăn

Cách đây hơn 10 năm, Đôrêmon - bộ truyện tranh Nhật (manga) đầu tiên dành cho thiếu nhi đã xuất hiện tại VN với số phát hành cao nhất từ trước tới nay. Sau thành công của Đôrêmon, các NXB đã đổ xô khai thác nguồn sách này, hàng loạt manga: Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng, Teppi... làm mưa làm gió trên thị trường. Sau đó, một loạt truyện tranh có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng được các NXB tung ra ăn theo sự thành công của manga.

Gần đây, khi manga có dấu hiệu thoái trào và giới truyền thông cảnh báo trẻ không được học các môn kỹ năng sống, các nhà làm sách đã chuyển hướng đua nhau mua bản quyền, dịch sách kỹ năng sống cho trẻ. Hàng loạt bộ sách kỹ năng ra đời nhưng ít có bộ sách nào thực sự nổi bật. Nội dung các bộ sách thường na ná nhau: luyện chỉ số IQ; tập vẽ; tô màu; kiến thức về thế giới tự nhiên, thế giới loài người… Tủ sách Phan Thị có sách luyện IQ cho bé bằng cách dán hình vào khung (bộ sách Bé thần đồng luyện IQ) thì NXB Dân Trí cũng có bộ sách Phát triển chỉ số thông minh bằng cách dán hình. Cùng dạy cách ứng xử có cả chục đầu sách của các NXB khác nhau: Bé học ứng xử văn minh, Bộ sách kỹ năng cho bé, Bé học cách cảm ơn
 

Hiếm sách văn học, truyện tranh Việt

Mảng sách văn học thiếu nhi hầu như bị bỏ trống. Chỉ có hai doanh nghiệp nhà nước là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ chú ý khai thác mảng sách văn học trong nước dành cho thiếu nhi. NXB Trẻ thành công với loạt truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, còn NXB Kim Đồng gầy dựng được tủ sách Văn học nhi đồng, Văn học thiếu niên và mỗi năm vẫn đều đặn tái bản tác phẩm văn học ăn khách Dế mèn phiêu lưu kí. Những sách văn học chất lượng cao đóng góp không nhỏ vào doanh số của hai NXB này chứng tỏ nhu cầu về sách văn học độc giả nhí không phải thấp. Tuy nhiên, cả NXB Trẻ và Kim Đồng dù đã cố hết sức cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu sách văn học cho thị trường. Là người làm sách thiếu nhi, ông Cao Xuân Sơn nhận định thị trường sách đang thiếu sách văn học hay và mới cho các em.

Một trong các đơn vị nỗ lực làm truyện tranh Việt cho thiếu nhi là Công ty Phan Thị. Sau Thần Đồng Đất Việt, bộ truyện tranh cho lứa tuổi thiếu niên Orange cũng được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư khoảng 10-15 triệu đồng cho một tập truyện tranh chất lượng không phải NXB nào cũng dám mạo hiểm. Kết quả là cho dù manga Nhật đã đến hồi thoái trào nhưng chưa chắc truyện tranh Việt hay sách văn học Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Tại anh hay tại ả?

Hiện tượng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa xuất bản đã tái bản nhiều lần khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi phải chăng đó là do các nhà văn VN chưa thực sự tâm huyết và đủ tài năng để chạm đến tâm hồn của trẻ? Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chia sẻ: “Vì nước mình còn nghèo, vừa đòi hỏi giá rẻ mà chất lượng tốt là điều không tưởng, cho nên việc làm sách chưa thể theo lứa tuổi được. Văn học thiếu nhi gần như bị Nhà nước thả nổi, không quan tâm. Các nhà xuất bản không cách nào gỡ ra nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước”.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Phan Thị, khẳng định: “Nhà văn VN vẫn còn viết rất vòng vo, chủ yếu tả cảnh với ngôn từ hoa mỹ nhưng không khơi gợi hình ảnh, tính tưởng tượng không cao, không phù hợp với thị hiếu của trẻ”.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho rằng nhuận bút dành cho sách thiếu nhi quá thấp, không đủ cho các nhà văn theo đuổi sự nghiệp. Vì vậy đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng ít.

Hợp tác chiến lược

NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đã ký một hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển nền văn học thiếu nhi bằng nhiều cách như xuất bản lại các bộ sách thiếu nhi, phối hợp tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi... Cả hai cũng cùng ngồi lại với nhau để xem những bộ sách hay nào do bên này xuất bản nhưng phát hành không tốt thì bên kia có thể phát hành trên mạng lưới của mình. Bởi lẽ sách của NXB Kim Đồng thường phát hành mạnh ở phía Bắc, còn sách của NXB Trẻ lại phát hành mạnh ở phía Nam. Ngoài ra, việc hợp tác chiến lược cũng tính toán phương án hạ giá thành để trẻ em nông thôn được tiếp cận với sách thiếu nhi nhiều hơn.
 

Lòng say mê với văn chương bị phân tán bởi những lĩnh vực khác, chẳng hạn viết kịch bản phim. Có người viết cho thiếu nhi nhưng không thể trở thành nhà văn vì sau cuốn sách đầu tay, họ không viết thêm được nữa. Họ đem tuổi thơ của mình bày trên trang giấy, rút ruột ra để viết rồi thôi. Để trở thành nhà văn, ngoài tấm lòng với độc giả còn đòi hỏi nỗ lực nội tại, thiên bẩm văn chương. Đến với văn chương nghiêm túc đã khó, đến với văn chương thiếu nhi còn khó hơn.

Ông CAO XUÂN SƠN,
Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam NXB Kim Đồng

Các nhà xuất bản chọn sự an toàn hơn là đột phá phiêu lưu. Họ không dại dột đặt cược vào những nhà văn có tài năng lớn trong tương lai nhưng bất lợi cho họ trong hiện tại. Sách văn học thiếu nhi VN sẽ có chỗ đứng nếu… viết đúng tâm trạng của trẻ con.

Nhà thơ BÙI CHÍ VINH

 

TRÀ GIANG - YÊN THẢO
(Nguồn: Pháp Luật TP.HCM)
Other News