Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Viết trung thực với mình hơn là làm vừa lòng thiên hạ”
Update Date: 07/14/2014

"Để nói sâu hơn, thấu đáo hơn một điều gì đó, nhất là cái cách lý giải đó chưa hẳn tương thích với số đông, thì còn cách nào khác hơn là bảo vệ cho mình bằng việc vận dụng những tri thức mà mình sở đắc", nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên đã trò chuyện về dự án và cuốn sách mới nhất của mình.

Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta gồm 30 bài viết nằm trong dự án riêng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên: ba cuốn sách gồm 100 tản văn, tiểu luận về tâm tính người Việt đương đại khảo sát thông qua thế giới những đồ vật quen thuộc hàng ngày và các hiện tượng xã hội. Tập đầu tiên đã ra mắt độc giả cách nay hai năm (2012), cũng theo một lối viết như thế - Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác. Đây là một chọn lựa khá độc đáo về cách thể hiện, phương pháp khảo sát, kiến giải về tâm tính người Việt Nam đương đại thông qua quan niệm, cách thức sử dụng, thói quen hành xử hàng ngày với những đồ vật quen thuộc.

Vì sao anh thực hiện dự án 100 tạp văn, tiểu luận về thế giới đồ vật, hiện tượng trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại?

Trước hết, con số 100 chỉ là tượng trưng. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện, có thể sẽ nhiều hoặc ít hơn thế, nếu tôi thấy cần thiết.

Để nói sâu hơn, thấu đáo hơn một điều gì đó, nhất là cái cách lý giải đó chưa hẳn tương thích với số đông, thì còn cách nào khác hơn là bảo vệ cho mình bằng việc vận dụng những tri thức mà mình sở đắc.

 Còn vì sao tôi lại đi “đối thoại” với các đồ vật, thì thế này: tôi mê làm phim tài liệu, nhưng “sự nghiệp” làm phim với tôi chỉ kéo dài trong hai năm (từ 2001-2002 tôi viết kịch bản phim tài liệu ở hãng phim đài truyền hình Bình Dương), sau đó đi làm báo. Công việc của thằng viết báo, như chị biết, là cuộc chạy mịt mù với thông tin, sự kiện. Có cảm giác những thứ đó ngày càng phù du, chóng vánh. Tôi chọn cách xác lập một dự án riêng để theo đuổi một triển hạn dài hơi hơn; và quan trọng nhất, để tự do hơn, thấu đáo hơn, độc lập hơn trong việc viết (không bị ràng buộc bởi tiến độ, dung lượng, “liều lượng” cho phép… như khi viết những bài báo). Ý tưởng khảo sát về những đồ và hiện tượng trong đời sống người Việt đương đại theo cách riêng, cho cùng, là một kiểu “làm báo - viết văn” của tôi, một cách tiếp cận, trải nghiệm, và lý giải hiện thực xã hội của cá nhân tôi; như một người làm phim tài liệu độc lập, cầm chiếc máy quay trên tay, anh ta tự do liệt kê, khảo sát và trình bày lên màn ảnh những thước phim chân thực nhất theo cách nhìn của mình.

Anh có chủ ý chọn các sự vật, hiện tượng theo một ý đồ nào hay không?

Tôi lên đề cương cho từng cuốn sách khá kỹ và cân nhắc về cấu trúc trước khi viết. Tuy nhiên, cố ý tạo ra một sự lộn xộn bát nháo, một cảm giác ngẫu nhiên như cách một kẻ cô độc một hôm lục tung cái nhà kho của mình để soi từng món đồ vật từ lâu bị bỏ quên, cầm tù trong đó và cố tìm ra một mối liên hệ nào đó giữa nó với bản thân, với con người. Cách đặt tựa sách ở cuốn đầu tiên thể hiện rõ điều đó: Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và các thứ khác. Nhưng cái tựa đó cũng giống như lời rao của một anh mua ve chai mà chị vẫn thường nghe trong các hẻm phố Sài Gòn. Anh ta sẵn sàng mua những thứ người khác bỏ đi để sờ nắn, chọn lựa, lau chùi, mân mê, sau đó hoặc tái chế, hoặc sửa chữa, hoặc… bán lại với giá cao hơn chút đỉnh.

Riêng với các hiện tượng xã hội, thì yếu tố thời sự rõ hơn. Tôi muốn ghi chép và cắt nghĩa chúng để lưu giữ trong những trang sách của mình như một tư liệu, ký ức về từng giai đoạn của thời đại mà mình đang sống. Bạn sẽ tìm thấy ở cuốn thứ nhất những lý giải hiện tượng “thời sự” như “sát thủ đầu mưng mủ” hay ở cuốn này là rất nhiều trang hơi bị “đắng lòng” về nghề báo, về sách…

Cuốn thứ ba sẽ mang nội dung gì và anh đã bắt tay thực hiện chưa?

Cho phép tôi được giữ chút bí mật.

Có cảm giác văn của anh, không chỉ tiểu luận mà ngay trong các sáng tác văn chương thuần tuý cũng đầy những nghiên cứu, sự quan sát, phân tích lý giải các hiện tượng, thông tin, dưới con mắt của một nhà báo, nhà nghiên cứu. Vì sao anh chọn hướng đi này, đó cũng là một thiệt thòi cho anh khi bạn đọc vài năm gần đây thích đọc những gì nhẹ nhàng, kiểu như những dòng tâm sự trên facebook hoặc những tản văn bâng quơ, lãng mạn, đèm đẹp?

Nói nghiên cứu thì rất to tát và quá mức với tôi. Và thực tình tôi không hề có tham vọng đó. Nhưng để nói sâu hơn, thấu đáo hơn một điều gì đó, nhất là cái cách lý giải đó chưa hẳn tương thích với số đông, thì còn cách nào khác hơn là bảo vệ cho mình bằng việc vận dụng những tri thức mà mình sở đắc! Ít ra, nếu số đông quay lưng, thì mình cũng đã làm được một quá trình đối thoại thẳng thắn, sòng phẳng với… bản thân. Nghĩ như thế sẽ chẳng thấy thiệt thòi gì cả. Tôi vẫn quan niệm rằng, viết trung thực với chính mình thì quan trọng hơn làm vừa lòng cả thiên hạ. Ai muốn đèm đẹp cứ việc đèm đẹp, ai muốn “tự kỷ” thì cứ việc “tự kỷ”…

Có bao giờ anh cảm thấy nản lòng khi công việc viết lách (làm báo, viết sách) đang dần trở thành sân chơi của tất cả những người amateur? Họ có khiến ngòi bút anh trở nên lung lay và chán ngán, vì rõ ràng dầu là amateur, các trang báo mạng, các cuốn sách của hot boy, hot girl, hot blog bán rất chạy?

Amateur có cái hay của amateur. Ít nhất nó cho thấy đời sống vô cùng phong phú, đa thanh. Và chuyện viết không thuộc về những kẻ ảo tưởng cho rằng chỉ có mình mới có đặc quyền dùng chữ nghĩa, thậm chí biến chữ nghĩa thành một thứ phương tiện, vũ khí hay công cụ cho những mục đích chẳng hay ho gì, những kẻ nghĩ rằng chỉ có mình mới viết được sách, báo. Rất lâu, rồi bàn phím của tôi không có cảm giác lung lay vì những chuyện ngoại tại định hướng như thế. Thiệt tình mà nói, không khí thị trường eo sèo đôi khi tạo ra chút cảm giác tổn thương nhất định với những ai ý thức cao trong chuyện viết lách; nhưng nếu để không khí thị trường ám ảnh quá, thì chẳng vững tâm để làm được gì đâu.

Ra một cuốn sách, điều anh mong đợi tiếp theo là gì: Sách bán chạy? Bạn bè thích thú?…

Tôi mong muốn cuộc sống thong thả hơn, đủ sức khoẻ, thời gian để theo đuổi những kế hoạch tiếp theo. Có chút hy vọng rằng cuốn sau sẽ khác biệt so với cuốn trước.

Có vẻ như anh cũng dần chú trọng đến khâu tiếp thị sách, như tham gia giao lưu ra mắt sách, điều mà với các cuốn trước đây anh chưa bao giờ làm? Sự ngạo nghễ của một cây bút là cần thiết nhưng chắc cũng không cần cực đoan tới mức từ chối các hoạt động PR, quảng bá vốn không có gì đi ngược lại với sự chuyên nghiệp?

Khi ký hợp đồng tác quyền, thường có một điều khoản thế này: bên B (tác giả) có trách nhiệm hỗ trợ bên A (nhà đầu tư xuất bản) trong các hoạt động giới thiệu quảng bá sách, nếu có. Tôi làm trong chừng mực trách nhiệm mà điều khoản kia quy định, chưa bao giờ làm quá, vì thấy không cần thiết. Một số trường hợp sách của tôi ngẫu nhiên “hot” trong một quãng thời gian ngắn là do có một số cơ quan chức năng quản lý xuất bản đã tự nguyện giành quyền… PR giùm. Chuyện đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi.

Cuốn sách Nguyễn Vĩnh Nguyên đang đọc: Đông phương luận (Edward Wadie Said, do Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tuỵ dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính, nhà xuất bản Tri Thức, 2014). 

Cuốn sách của tác giả Việt Nam anh tâm đắc gần đây:Văn minh vật chất người Việt (Phan Cẩm Thượng, nhà xuất bản Tri Thức).

Phần tôi, tôi có cái bệnh chóng chán những thứ mà mình đã làm xong. Đó có thể là lý do dẫn đến cái mà bạn nghĩ là cao ngạo hay đi ngược với sự chuyên nghiệp chăng.

Anh có thể giới thiệu một chút về tác giả minh hoạ (Ta Ba Lô, 19 tuổi) sách của mình?

Cám ơn bạn đã quan tâm đến phần minh hoạ. Ban đầu tôi chuyển bản thảo cho hoạ sĩ Bút Chì thực hiện. Bút Chì bận rộn với một dự án mới, nên giới thiệu cho tôi một học viên của lớp Vẽ Kể Chuyện. Anh này còn rất trẻ, 19 tuổi, chưa từng làm minh hoạ sách. Tôi thấy hay quá. Tôi cần một người trẻ, không nhất thiết có tay nghề cao, chỉ cần đọc hiểu và có cái nhìn riêng về những gì tôi viết. Ta Ba Lô đã đọc trong ba ngày và hoàn thành loạt tranh hơn 30 bức trong vòng một tuần. Với tôi đẹp xấu về chuyên môn, không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là anh ta đã rất tự do thể hiện những gì anh ta đọc được qua ngôn ngữ tranh - tạo ra một sự tương tác giữa người viết và người vẽ. Và tôi xin đưa tên hoạ sĩ trẻ ra bìa, hân hạnh giới thiệu với người đọc một gương mặt mới.

Trong cuốn sách của anh có bài Đọc sách thì được cái gì. Vậy theo anh, với một bạn đọc còn chần chừ trước cuốn sách của mình, anh có thể cho biết: đọc sách Nguyễn Vĩnh Nguyên thì được cái gì?

Cũng là người đọc sách, tôi thấy cái sự “được gì” mà tác giả nghĩ và mong muốn không phải bao giờ cũng trùng khớp với cái mà độc giả thực sự “được gì”. Với trường hợp này cũng vậy. Nên hiểu khi bạn cầm cuốn sách trên tay thì tác giả của nó đã tỏ ra rất biết điều - hắn đi vắng rồi.

Theo Trâm Anh - Người đô thị

http://nguoidothi.vn/nguyen-vinh-nguyen-viet-trung-thuc-voi-minh-hon-la-lam-vua-long-thien-ha.ndt 

Other News