“Đàn ruồi mới đến dĩ nhiên không biết nơi đây là thành phố. Chúng lạ lẫm hỏi dò các đồng loại cũ mặt. Vài ruồi cũ bảo cho chúng biết những luật lệ lạ hoắc ở nơi này. Không có sự nhường nhịn nào còn tồn tại ở chỗ muôn triệu ruồi chen vai thích cánh. Tất cả phải vào một trật tự mới có tên là sức mạnh...”.
Chua chát, tỉnh táo, giày vò và mai mỉa là ngôn ngữ trong Ruồi là ruồi - tác phẩm văn học thứ 14 của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn, đồng thời cũng là hành trình của những con ruồi trong thế giới thực của nó - thế giới của những - con - ruồi - người.
Từ những vị trí được xem là cùng quẫn, cặn bã, những con - ruồi - người như Liên - cô gái điếm xuất thân từ nông thôn, Hùng - chánh án hàng huyện tha hóa... đã chạy khỏi vùng quê, nơi họ không còn cách sống. Họ bước vào thành phố với nhiều quyết tâm, thủ đoạn, liều lĩnh và tìm được một chỗ đứng mới, những quan hệ mới và cả cuộc sống mới mà biết bao người - ruồi khác hằng mơ ước: giàu sang và thành đạt. Thế nhưng, giữa thế giới mới ấy, họ vẫn phải trả giá về quá khứ của mình: tâm tư không bao giờ thanh thản.
Mượn ruồi để nói về người. Mượn cuộc di cư của ruồi từ bãi rác này đến bãi rác nọ để so sánh với cuộc di dân từ chốn mưu sinh này đến chốn mưu sinh khác là một so sánh nhiều cay đắng và mất mát của Đỗ Phấn. Ngay cả nhan đề cuốn sách Ruồi là ruồi cũng là một xác lập hiển nhiên, không trốn chạy. Thật dễ để thấy thành phố muôn đời là miếng ăn ngon và những kẻ kiếm tìm món ngon không phải ai cũng tinh tế và “sạch sẽ”. Những thị dân đúng nghĩa luôn cảm thấy buồn bực, phiền lòng vì những khách không mời, ngày một ngày hai đã xóa dần nét tinh hoa, sang cả của “phố cũ”, trộn lẫn vào đó những mảnh vụn vô ý và cố ý từ gốc gác rách nát của mình.
Trong cuộc đấu tranh sống còn, trong kế hoạch mưu sinh với hằng hà sa số thủ đoạn lọc lừa, những người - ruồi có thể trở nên “một thứ thị dân phiền toái xoay xở giao tiếp theo phong cách của người thành phố này”. Tuy nhiên, chính những “thị dân nửa mùa” này lại kết luận rằng “thứ thanh lịch ứng xử mà có vẻ như người thành phố này lấy làm tự hào thực ra cũng nhiều giả dối và cạm bẫy...”. Và họ giữ lại một mảnh kỷ niệm, một mảnh ký ức về gốc gác quê hương bản quán, một mảnh để nhắc lại cuộc sống tha hương không thể xóa bỏ của mình - như để khẳng định với chính họ: quê nhà mãi mãi là quê nhà. Đi vì mưu sinh, vì không thể không đi chứ làm người thành phố giả dối lắm!
Giống như những tác phẩm trước của Đỗ Phấn (Con mắt rỗng, Gần như là sống, Dằng dặc triền sông mưa...), Ruồi là ruồi được viết với giọng văn kìm nén mọi u uẩn nhưng lại phơi ra mọi ngóc ngách nỗi buồn. Buồn vì nỗi phải đứng nhìn, phải đi bên cạnh, phải vào bên trong, phải chen chúc đắm chìm trong những rối rắm cuộc sống, trong những ham muốn xác thịt bình thường và tầm thường, trong bài toán cơm áo gạo tiền, danh vọng, sự nghiệp... Và thấy mình trong đó, phiền muộn và bất lực. Vì không thể thay đổi. Vì chính mình là một nhân tố trong dòng chảy mỗi ngày một quặn réo, mỗi ngày một cuốn xô...
Theo PHẠM THỊ NGỌC LIÊN - Báo Tuổi Trẻ