Nhân vật Victor Frankenstein do nhà văn nữ người Anh Mary Shelley (1797-1851) sáng tạo trong tác phẩm Frankenstein (hay còn gọi là Prometheus hiện đại) xuất bản lần đầu nằm 1818, được xem là tác phẩm khai dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nổi tiếng suốt hai thế kỷ cho đến nay.
Câu chuyện về một nhà khoa học khao khát sự bất tử tên là Victor Frankenstein đã cố gắng tìm cách ráp nối những bộ phận của những xác chết khác nhau để tạo ra một cơ thể sống, và đặt tên cho sinh vật mình sáng tạo ra là Adam. Nhưng Adam này bị coi như quỷ nhập tràng, và nổi tiếng bằng cái tên của người tạo ra hắn: Frankenstein.
Sức hấp dẫn lâu dài của Frankenstein là ở giá trị cảnh báo hiểm họa tiềm ẩn từ một xã hội công nghiệp hậu hiện đại, khi tiến bộ khoa học và công nghệ bị lạm dụng đến mức con người dường như đoạt được quyền sáng tạo của tự nhiên.
Hơn hai trăm năm trôi qua kể từ khi nhà văn Mary Shelley khai thác nỗi lo sợ ăn sâu vào tiềm thức con người về một mối mâu thuẫn dai dẳng: con người sử dụng trí tuệ làm chủ và biến đổi tự nhiên nhằm phục vụ lợi ích của mình đồng thời sợ hãi những hậu quả khó lường. Giờ đây, khi loài người chúng ta sống giữa biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng, thực phẩm công nghiệp đầy rẫy nhưng nạn đói vẫn hoành hành, những thành quả công nghệ sinh học, hóa dược kinh thiên động địa..., dường như là đúng lúc để các nhà văn đưa nhân vật Frankenstein quay lại.
Trong số các tác phẩm đương đại sáng tạo tiếp về nhân vật nhà khoa học Victor Frankenstein, Nhà xuất bản Trẻ chọn giới thiệu với bạn đọc bộ ba tiểu thuyết Frankenstein của Dean Koontz. Victor Frankenstein của Dean Koontz chạm đến vấn đề nhức nhối đương thời: sử dụng tiến bộ công nghệ và khoa học vào mục đích phi pháp và chạy theo lợi nhuận. Giữa câu chuyện đầy kịch tính, căng thẳng và u ám về một nhà khoa học tội phạm cùng đoàn quân người-nhân tạo có năng lực phi thường do hắn tạo ra nhằm khống chế con người, nổi bật lên tình yêu và lòng can đảm đương đầu với cái ác vì một xã hội con người thuận theo tự nhiên. Khát vọng nhân tình và hướng thiện ấy là giá trị muôn đời của xã hội loài người trên hành tinh này.
Vì thế, vượt lên mọi yếu tố ăn khách, đó chính là điều mà Nhà xuất bản Trẻ muốn đem đến cho bạn đọc tuổi 18+ qua bộ ba tiểu thuyết Frankenstein của Dean Koontz.
Thành phố của bóng đêm – quyển hai trong bộ ba truyện Frankenstein của Dean Koontz – đưa người đọc đi sâu vào thế giới mà Victor Helios sáng chế ra. Những cỗ máy bằng xương bằng thịt được điều chỉnh/cấy ghép gen giống hệt con người được cài cắm khắp trong xã hội, từ quan chức đến dân thường. Khám nghiệm pháp y nhiều vụ án dẫn đến những khám phá kinh hoàng: “người” có hai tim và các cơ quan nội tạng tăng cường chức năng hơn con người bình thường gấp bội. Một Nòi Giống Mới đang hình thành ngày một đông chờ lệnh của Victor Helios thực hiện Cuộc chiến Tối hậu: tiêu diệt hết loài người, tức Nòi Giống Cũ!
Đội quân Nòi Giống Mới đã được lập trình để tuân lệnh chủ nhân vô điều kiện. Không có khả năng sinh sản. Khả năng tư duy cực cao nhưng không có bất kỳ cảm xúc nào vì thế không có bất kỳ hy vọng nào trong ý nghĩ. Liệu đấy có đúng là đội quân siêu việt để Victor Helios làm bá chủ thế giới này không? Hay như bất cứ chương trình phần mềm nào cũng có lỗi? Và khi có lỗi, chúng sẽ nguy hại thế nào với xã hội loài người lẫn chủ nhân của chúng?
Quyển ba: Chết và hồi sinh đưa câu chuyện về đế chế gồm những con người nhân tạo và mưu đồ bá chủ thế giới của Frankenstein đến hồi kết thúc. Hàng loạt tai ương đến với dân lành New Orleans lẫn bản thân Frankenstein: Đám “Người Rác” nổi dậy từ một bãi rác thải vốn là nơi chôn xác người thật bị giết và người nhân tạo do Frankenstein chế tạo ra bị phế bỏ; nhân viên tại bệnh viện Hands of Mercy và gia nhân trong nhà Frankenstein thảy đều “chập mạch” trở nên điên cuồng, biến dạng, rối loạn chức năng… Đỉnh điểm là vụ nổ bùng lên tại Hands of Mercy phá tan cơ ngơi của Victor Helios, tức Frankenstein. Nhưng liệu có cứu kịp thế giới thoát khỏi bàn tay phá hoại của Frankenstein?