Tô Hoài vừa xuất hiện trở lại với bạn đọc bằng tập bút ký Chùa Giải Oan, tập hợp các bài viết từ sau năm 1975 đến khoảng giữa thập niên 1990, nay ra mắt lần đầu nhờ nỗ lực của NXB Trẻ trong việc tổ chức bản thảo.
Tập ký đề cập nhiều vấn đề, và nổi bật hơn cả là những trang viết về phong trào đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Thời kỳ cả nước cùng nhau xây dựng hòa bình, trang văn của Tô Hoài như những tiếng reo vui, lại như những gam màu tươi vẽ ra cho bạn đọc từng bức tranh của một thời kỳ mới mẻ: quê hương các vùng miền đều im tiếng súng và nơi nơi đang nô nức làm ăn. Ðó là những gia đình đưa nhau từ đồng bằng Bắc bộ vào vùng cao Lâm Ðồng để xây dựng kinh tế mới (Quê Lâm Hà), là những câu chuyện về xóa bỏ cây anh túc ở vùng quê Tây Bắc (Háng Bla).
Quả vậy, sẽ hiếm có ai nói về lịch sử những câu chuyện về cây thuốc phiện vùng Tây Bắc sinh động, chi tiết và kỹ càng được như Tô Hoài. Bởi ông đã đến vùng này từ thời Pháp thuộc - lúc cây thuốc phiện được trồng tự do, rồi sau đó, thời cách mạng về, ông vẫn đến, sau này lúc cây thuốc phiện bị cấm ngặt, ông lại đến, nên hơn ai hết, hành trình về cây anh túc ở đây ông nắm rõ.Cũng như vậy, ký sự Một ngày Trường Sơn của Tô Hoài trong tập này có nhiều giá trị tư liệu.
Nhân dịp tập ký ra mắt bạn đọc, trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhà văn Tô Hoài bảo ông biết nhiều đề tài thú vị về việc xây dựng kinh tế của ta suốt 10 năm hậu chiến, nhưng “tôi không viết về câu chuyện ấy... Bây giờ tôi quan tâm đến việc viết truyện cho thiếu nhi. Và lâu dài tôi có dự định viết về khởi nghĩa của vùng ngoại thành, nơi tôi lớn lên. Tuy nhiên, đấy mới là ý định chứ tôi cũng chưa bắt tay vào. Nếu không viết được về cuộc khởi nghĩa này thì tôi sẽ viết tiếp Chuyện cũ Hà Nội, những chuyện tôi nhớ được từ khi lên 10 cho đến khoảng 50 năm sau đó". Ðang ở độ tuổi 91, tâm sự về việc viết lách của nhà văn vẫn đầy hào hứng. Còn người nghe lại lây cái cảm giác hân hoan chờ đợi những tác phẩm mới của ông.
L.ÐIỀN - H.ÐIỆP
(Nguồn: Tuổi Trẻ)