Tiểu thuyết Báo ứng của Philip Roth (bản tiếng Việt do Hà Nguyễn Sao Mai dịch) mở ra bối cảnh mùa hè năm 1944, khu Weequahic của người Do Thái (bang Newark, nước Mỹ) đang bị nhấn chìm trong một trận dịch bại liệt chưa từng thấy.
Rất nhiều trẻ em bị nhiễm bệnh, có những em qua đời chỉ vài ngày sau triệu chứng phát bệnh đầu tiên. Thầy giáo dạy thể dục Bucky Cantor - một chàng trai mạnh mẽ, cương nghị, giàu ý chí, thần tượng của tất cả bọn trẻ trong khu - đã phải tận mắt chứng kiến cái chết của các học sinh, cũng như thấm thía nỗi đau lan ra từ người thân trong gia đình các em. Đúng lúc ấy thì Bucky nhận được lời đề nghị của vợ chưa cưới Marcia, lên quản lý một trại hè trên núi Indian Hill - nơi có khí hậu trong lành và cách xa vùng nhiễm dịch. Do dự nhưng cuối cùng Bucky cũng chấp thuận. Anh đến Indian Hill, không lường trước được rằng mình đã khởi sự một bi kịch rồi sẽ kéo dài đến hết cuộc đời.
Bi kịch tấn công Bucky Cantor cả về thể xác và tinh thần. Rốt cuộc thì chính anh cũng nhiễm bệnh, trở thành một người bại liệt. Nhưng tồi tệ hơn, anh luôn phải sống trong nỗi dằn vặt đau đớn bởi ý nghĩ mình là kẻ đào tẩu. Ở đây có vấn đề của một chủ nghĩa anh hùng tự tạo: do bị cận thị nặng nên Bucky không thể nhập ngũ để chiến đấu vì nước Mỹ. Chỉ còn duy nhất một con đường để anh thực hiện chủ nghĩa anh hùng, đó là ở lại Newark để đương đầu với dịch bệnh. Nhưng anh đã không làm thế. Chính quyết định tối hậu này đã dẫn Bucky tới niềm tin về một sự trừng phạt nghiệt ngã mà số phận giáng xuống cuộc đời anh - Nemesis, nhan đề gốc của tác phẩm là tên một nữ thần trong thần thoại Hi Lạp, tượng trưng cho công lý sắt đá - tàn phế, cô đơn, suy bại ý chí, không xứng đáng được hưởng dù chỉ một mẩu hạnh phúc bình dị nhất.
Báo ứng là cuốn sách thứ 31 và cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp cầm bút đồ sộ của Philip Roth. Nó xuất hiện trong giai đoạn sáng tác muộn của ông, khi ông đã ngoài 70 tuổi, và mang đặc trưng như ở một số tác phẩm khác cùng giai đoạn, đó là: rất ngắn, văn phong tiết chế, giản dị đến mức đáng ngạc nhiên. Và một cái nhìn đầy tinh thần tra vấn trước cuộc đời. Cuộc đời kỳ dị, cứ thản nhiên lướt đi, mặc kệ con người với cả một mớ những loay hoay trước điều thiện và điều ác, trước hạnh phúc và đau khổ, trước tội lỗi và báo ứng...
Theo HOÀI NAM - Tuổi Trẻ