Ẩm thực có lẽ là một đề tài khá kén người đọc, tuy không khó để các tác giả viết về đề tài này, song viết sao cho hay, cho hấp dẫn lại là một chuyện khác. Thế mà vẫn có những trang văn viết và chỉ viết riêng cho nền ẩm thực Việt đã làm say lòng không biết bao nhiêu độc giả. Một nền ẩm thực lâu đời với những món ăn có tuổi đời của tổ tiên đã sống dậy, sóng sánh quyện hương quyện vị qua những cuốn sách này.

GẠO, NƯỚC MẮM, RAU MUỐNG (Hoàng Trọng Dũng)
Hoàng Trọng Dũng trước đây từng làm chủ biên mảng ẩm thực ở báo thanh niên, bởi vậy tác giả này có một sự am hiểu lớn về các nền ẩm thực trên thế giới. “Gạo, nước mắm, rau muống” của Hoàng Trọng Dũng là một trong những cái tên đầu tiên khi ta nhắc đến sách viết về ẩm thực. Toàn bộ cuốn sách là những bài tản văn ghi chép lại cả một công trình nghiên cứu ẩm thực bình dân của Việt Nam mà tác giả đã dày công nghiên cứu. Gạo, nước mắm, rau muống tuy là những nguyên liệu rất giản đơn nhưng đó lại là những món ăn không thể thiếu đối với ẩm thực Việt từ xưa cho đến nay, Hoàng Trọng Dũng đã rất có lí khi cho rằng những quốc gia nào có nền ẩm thực riêng biệt thì người dân của quốc gia đó không bao giờ biết chán ngay cả đối với những món xuất hiện trong bữa cơm hằng ngày. Hiếm có nhà văn nào viết về đề tài ẩm thực mà lại có duyên như Hoàng Trọng Dũng, những trang văn rất thơ cứ theo đó mà lần mò vào tâm trí độc giả tìm chỗ đứng, để rồi gấp sách lại, thấy ẩm thực nước mình sao mà tuyệt vời đến thế.
"Ờ nhỉ, mớ bông bí vàng tươi, những đọt bí xanh non tước vỏ nhám, xào nhiều dầu một tí, xanh màu lá, vàng màu hoa, bùi quện với béo, mới chỉ trong chảo thôi, con mắt chị đã hau háu, nước miếng đã tứa ra từ trong miệng em…” (tr.45, Từ bếp ngon ra).
MÙI CỦA KÍ ỨC (Nguyễn Quang Thiều)
Có người đã từng ví Nguyễn Quang Thiều là một người biết “gọi kí ức bằng mùi vị”. Ông dùng những món ăn để dẫn người đọc quay trở về những kí ức của tuổi thơ, những tháng ngày còn rong ruổi vui chơi mải miết trên triền đồi nào đó của một miền quê đẹp đẽ. Những câu chuyện về ẩm thực của Nguyễn Quang Thiều là những món ăn đặc sản của người làng Chùa quê ông-mảnh đất mà ông đã cùng bè bạn lớn lên và yêu da diết nó như một phần máu thịt. Trong kí ức của ông “những đứa trẻ đó đã ăn đủ thứ tìm thấy để lớn lên như rau dại, quả rừng, côn trùng,...”, chình vì vậy mà những món ăn Nguyễn Quang Thiều nhắc đến trong cuốn sách phần đa là những món ăn rất đỗi bình thường: gỏi cá mè, cá diếc, món cá om ăn với cúc tần mọc dại, món cà dầm tương , gỏi cua, xáo chuối,...giản dị thế thôi nhưng qua những câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều kể lại, những món ăn này bỗng trở nên thật có sức hấp dẫn là thường. Phải chăng cuộc sống bây giờ hiện đại quá chăng nên người ta đã bỏ lỡ những món ăn làm nên quốc hồn quốc túy của quê hương mình?
“Mùi của kí ức” không hoàn toàn là một cuốn sách ẩm thực, nó còn đan xen trong đó những câu chuyện thú vị, còn hiện hình trong đó những thứ cảm xuc raatx đỗi thân thương bình dị mà bất cứ độc giả nào cũng có thể tìm thấy một phần tuổi thơ mình trong đó. Một cuốn sách tuyệt vời cho một nền ẩm thực đang dần bị lãng quên.
LÊ LA QUÀ VẶT (Nguyễn Trương Quý-Đặng Hồng Quân)
Một cuốn sách ẩm thực được minh họa chi tiết bằng tranh vẽ rất thú vị và sáng tạo, “Lê là quà vặt” chính là ý tưởng của chàng họa sĩ trẻ Đặng Hồng Quân và nhà văn Nguyễn Trương Quý. Điều đặc biệt ở cuốn sách là tác giả không chỉ viết đơn thuần bằng con chữ mà còn làm các món ăn sống dậy qua thông qua những bức tranh. Có thể thấy “Lê La Quà Vặt” đã mô tả rất sâu, rất sát về ẩm thực của riêng Hà Nội. Những món quà vặt dân dã gắn với tuổi thơ, những quán ăn bình dân ngon có tiếng hay thậm chí là “mách nước công thức” món ăn nấu sao cho ngon nhất đã được các tác giả lồng vào cuốn sách một cách rất thú vị. Lê La Quà Vặt có thể nói là một cuốn sách đi đầu trong trào lưu sách artbook về mảng ẩm thực.
Bài: Vân Anh
Ảnh: Sưu tầm Internet