Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

“SUỐI NGUỒN” – BẢN TÌNH CA TRIẾT LUẬN
Update Date: 08/14/2019

Đọc Suối Nguồn là khi thả dạt tâm tư vào miền suy ngẫm, là khi gác lại tấn bộn bề mà cuộc sống trút đổ lên ta để đồng điệu cùng con chữ và tấm lòng, để luôn nghi vấn về giá trị tồn tại đích thực của bản nguyên ta giữa chốn nhân sinh bồn bề, hối hả và rồi không ngừng hoàn thiện cái chất “con người”...

Nữ tác giả Ayn Rand dường như đã để lại cho đời vết tích của chính mình bằng con chữ. Con chữ ấy ký họa cơn trầm tư nội hướng của bà về sự hiện hữu đích thực của mỗi cá nhân, đồng thời, đó còn là sự suy nghiệm mang tính triết lý phát xuất từ phạm trù cá nhân để rồi cho tinh kết nên hết thảy mọi tâm tư vào 1199 trang trong một tuyệt phẩm. 

“Suối Nguồn” là một quyển tiểu thuyết mang hơi hướng triết luận mà ở từng trang giấy vốn cũng đã khai thác mọi khía cạnh nghĩ suy nơi người trẻ. Ta không thể bàn tới quyển sách này với những hệ thống tính từ thường thấy ở những ấn phẩm triết học như nhàm chán, phức tạp, rối trí,... Luận về “Suối Nguồn” của Ayn Rand là khi ta thực hiện chuyến đi chinh phục những biên thùy cùng kiệt của ngôn ngữ và hiện sinh, đó là bản tuyên ngôn đóng vai trò là lực đẩy cho thế hệ người trẻ, là chìa khóa để giải ấn cho những lần ranh giới biệt ly tư tưởng con người khỏi mọi giá trị tiềm tàng quý báu nơi cuộc sống.

Quyển tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Howard Roark - một kiến trúc sư trẻ tuổi ở đất Mỹ. Đây là nhân vật được phi thực tế hóa nhằm mục đích thể hiện đủ đầy mọi khát khao của Ayn Rand về một hình mẫu con người lý tưởng. Trên khắp cả cuộc hành trình chinh phục ước mơ là thoát ly khỏi những giới hạn bình thường của cuộc sống và tìm kiếm cho mình một giá trị sống cá nhân thay vì ẩn mình trong khái niệm “đại chúng”, Roark đã gặp được hàng loạt những nhân vật khác và đi kèm với mỗi nhân vật là bối cảnh khác nhau. 

Từng câu thoại và hoàn cảnh trong tác phẩm đều là chuỗi những tư tưởng chứa đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nếu ta chỉ đơn thuần lướt mắt ngang mà thiếu đi vài giây suy ngẫm, ta đã vô tình đánh rơi cả thời gian, công sức và ý nghĩa để đọc quyển sách – đó là khi ta “vung vãi vàng bạc mà chẳng thu lại chút vụn cám”. (Câu thoại mà Ayn Rand tâm đắc nhất trong quyển sách).

Trong số hàng loạt những nhân vật được định hình trong tác phẩm, ta hãy cùng chắt lọc để bàn đến số ít nhân vật đóng vai trò cốt lõi, làm trung tâm trong quá trình xây dựng bản hình hoàn hảo của nhân vật chính - Howard Roark, để rồi từ đó định hình nên những giá trị làm người giữa cuộc sống. Peter Keating –bạn học của Roark, chỉ ra cho chúng ta con đường đích thực của thành công là sự thừa nhận với bản thân ta, không phải một ai khác, thừa nhận chính mình và không ngừng cố gắng để hài lòng với nó. Dominique Francon – “nàng thơ” của nhân vật chính, cô là nguyên mẫu cho những tố chất trác việt mà một người phụ nữ nên có, nhất là phụ nữ của thời đại mới; cô là lời nhắc nhở cho bản lĩnh ngự trị trong cá nhân mỗi con người để luôn chiến đấu cho tự do và hoài bão, rằng ta nhất định sẽ chiến thắng vì ta đã lựa chọn con đường khó nhất để chiến đấu cho tự do của ta trước thế giới này.

Quyển tiểu thuyết là bản tuyên ngôn từ nơi tâm khảm của Ayn Rand về chủ nghĩa cá nhân. Cá nhân trong “Suối Nguồn” đã thoát ly ra khỏi những biên thùy ngữ nghĩa mà nhân loại bó chặt trong hàng ngàn thập kỷ. Rằng chỉ với cái cá nhân mà mỗi con người ta mới hiểu được giá trị tồn tại của mình, nó là “phép biện chứng của tất cả cuộc sống và nghệ thuật”, nó là để đốc thúc tâm tuệ của con người không ngừng chinh chiến cho những ước mơ, cho những gì cần thiết để biến mình thành một hữu thể đích thực. 
Chỉ khi cá nhân đã được tôi luyện, thì khái niệm gia đình và xã hội mới có thể hình thành. 

Quyển sách cho ta thấy những bình diện khách quan nhưng có một chiều sâu nội hướng. Đến với “Suối Nguồn” là cuộc hành chinh nơi xứ sở tâm hồn, để khai phá những quan niệm bấy lâu bị ghì chặt trong những thiết chế xã hội. Nó dạy chúng ta hãy “thực sự sống bằng đầu óc của chính mình và sự tồn tại chỉ là một cố gắng để làm cho cuộc sống đó hiện hữu, để tuyên bố về cuộc sống ấy bằng ngôn ngữ của cử chỉ và hình thể”.

-Gửi tặng cố tác giả Ayn Rand mọi niềm cảm phục nơi trí óc và tâm hồn!-

-Võ Lập Phúc -
#Suối_nguồn #Ayn_Rand #nxbtre #review

✅ Thông tin chương trình review "SÁCH TRẺ & TÔI": https://bit.ly/2J1VNcJ

Other News