Người Sài Gòn, hoặc những ai sống ở Tỉnh hay Thành phố lớn khi ngoái nhìn Cà Mau đều cho rằng nó (Cà Mau) hoặc là đồng không mông quạnh hoặc là cây cối sum suê, heo hút và vắng người (tôi đã từng hỏi nhiều bạn của tôi và họ cho rằng Cà Mau “buồn” lắm, buồn vì xa, buồn vì heo hút, buồn vì không có thú ăn chơi,…) Cà Mau đã từng như thế, vắng người và có những cái buồn làm con người ta tê tái.

Đọc Cánh đồng bất tận, có thể thấy bóng dáng Cà Mau những thập niên cuối thế kỷ XIX, và những năm đầu TK XX: những cánh đồng ngút ngát trồng lúa, nuôi tôm, những bầy vịt thả đồng, những chiếc ghe lênh đênh trên sóng nước. Đến mùa gặt, không khí sẽ rất đông vui và nhộn nhịp, lúa sẽ được chất đầy nhà (trúng mùa), đàn ông sẽ bắt rắn, bắt trăn làm mồi nhậu…
Thật may mắn, tuổi thơ tôi lớn lên khi mà nhà tôi vẫn còn trồng lúa, vẫn còn đốt đồng, được ăn trứng cò, trứng rắn bông súng hay thấy tận mắt cua trốn trong hang, cá lóc chui vào sình cố để không bị người ta bắt về “mần” thịt. Phèn lên, nước mặn về, mặn chát cả những cánh đồng và lòng người, cây lúa và con tôm trở nên khó sống hơn. Những trận cúm gia cầm khiến người nông dân cơ cực nước mắt lưng tròng, phải nuốt nghẹn vào trong, có cả những cái chết tức tưởi. Một thời hoang hoải. Nguyễn Ngọc Tư đã giúp người dân Cà Mau lưu giữ những kí ức về một thời cơ cực, lắm đắng cay; chị cũng giúp những đứa trẻ “Cà Mau” lớn lên sau này biết đến một Cà Mau như thế.
Tôi vẫn không thôi ám ảnh về vẻ mặt nhợt nhạt, thẫn thờ trong đau đớn của Điền và Nương. Chúng ngồi trên bờ đất, ngồi lặng yên và vẻ mặt vô hồn mà chỉ có chúng có thể giao tiếp với nhau. Mẹ bỏ nhà vì không chịu được cuộc đời cơ cực sau khi quá giang cha một quãng đời. Cha từ người đàn ông sẵn sàng chịu khổ để gót chân vợ không dính một chút “sình”, qua một ngày đã trở nên lạnh lùng, độc ác, gạ gẫm và bỏ lại những cuộc đời trót lầm lỡ vì dục vọng và vội vã yêu thương. Hai đứa trẻ lớn lên trong cô đơn và thiếu thốn tình “đồng loại”.
Rồi một người phụ nữ đã “tạt” ngang vào cuộc đời “lầm lũi” và lạnh lẽo của ba cha con.
Rồi Điền cũng ra đi, và cuộc sống của Nương bị cưỡng bức trên cánh đồng mà cô đặt tên là “Bất tận”.
Mỗi lần đọc tác phẩm, tôi đều xúc động. Ai có một phần tuổi thơ như thế sẽ dễ cảm văn Nguyễn Ngọc Tư hơn. Nó giàu tình người và sâu sắc lắm. Đọc mà buồn nẫu ruột, mà không cầm được nước mắt.
- Quách Cẩm Tiên -
#Cánh_đồng_bất_tận #nguyễn_ngọc_tư
✅ Thông tin chương trình review "SÁCH TRẺ & TÔI": https://bit.ly/2J1VNcJ