Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Học làm người
Update Date: 12/30/2016

Đến một ngôi nhà, một môi trường khác lập tức quan sát trật tự của họ. Giày dép họ cho mang vô nhà hay để ngoài nhớ làm cho đúng. Ra khỏi nhà vệ sinh nên đóng cửa lại, xả sạch, lấy giấy lau khô những nơi mình làm rớt nước xuống... trả lại y chang như lúc mới vào. Lấy cái gì ở đâu để lại nguyên trạng chỗ đó.

Nếu bạn không nghĩ đến người khác như nghĩ về mình, thì bạn chưa được giáo dục đúng.

Biết bao bậc cha mẹ đã thở ngắn than dài vì con mình, học hết lớp 12 không biết cắm nồi cơm, ngủ dậy không biết thu xếp cái giường. Nhà cửa bề bộn dơ dáy, cả phòng xộc lên mùi hôi nhưng vẫn ngủ được. Vấn đề là chủ nhân của những căn phòng đó đều đã đỗ đại học với điểm khá cao, nhưng ra đời không thành công, làm ở đâu cũng bị đuổi sau vài tháng phải quay về nhà ngồi chờ mẹ nấu cơm xong gọi ra ăn.

Những bài học cá nhân nhỏ nhặt đến mức ít ai nghĩ đến như thế được “dạy” bởi “Tony buổi sáng”, một tác giả ẩn danh có nhiều bài viết trên mạng và in thành sách đã nổi tiếng trong thời gian qua.

May mắn thay cho gia đình nào mà cha mẹ nào bắt con đọc sách của “Tony buổi sáng” và đứa trẻ chịu đọc hai cuốn đã được xuất bản và bán rất chạy trong thời gian qua là Cà phê cùng Tony và Trên đường băng (*). Hai cuốn sách nhắc giới trẻ bớt sống ảo đi thôi. Hãy tỉnh ngộ quay về với người thực, việc thực xung quanh mình thay vì theo dõi qua mạng xã hội bạn này đi cưỡi lạc đà ở Dubai, mua cái giỏ nghìn đô ở Paris và tắm biển ở đâu đó chả can hệ gì đến mình.

Vì sao nó cần thiết? Bởi nhìn xung quanh chúng ta, vẫn còn không ít những người dù đã ở tuổi 30-40 mà vẫn không biết những quy tắc rất cơ bản của một xã hội có trật tự.

Làm người, nói thì dễ mà không phải ai cũng làm được. Vì trong chúng ta, đầy rẫy những đứa trẻ nhiều tuổi, đầy rẫy những người “chết” ở tuổi 30 nhưng tới 70 mới được đem chôn.

Sau chuyện làm người, là cách làm kinh doanh, từ những việc vô cùng nhỏ mà quan trọng như khởi nghiệp, đối đãi với nhân viên, đối tác, nhận biết một kiểu người phù hợp để làm ăn, hay cách khởi sự làm ăn từ những việc nhỏ nhặt nhưng với tinh thần và ý chí không nhỏ. Sách giúp “cài đặt” lại nhiều quan điểm sống, nhiều giá trị nhầm lẫn trong xã hội nên ngay cả những người lớn tuổi, những doanh nhân lão luyện cũng hứng thú tìm đọc chứ không riêng người trẻ mới ra trường hay lăm le kiếm việc làm.

Có thể nói tác giả giúp “sửa sai” cho những vấn đề lớn của hệ thống giáo dục trường học và cả cách giáo dục của cha mẹ trong gia đình. Nơi hầu hết học sinh buộc phải ngồi bàn giấy lẩm bẩm “ô mê ga tê cộng phi” từ sáng đến khuya để vô đại học cho bằng được, và hậu quả là 199.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Số còn lại lao động không có năng suất mấy, doanh nghiệp phải gồng mình chịu đựng.

Trên hết, Tony viết cho những ai muốn học để làm người có tư duy đúng đắn, có một trái tim hào sảng, biết cho đi, biết tha thứ và chấp nhận. Đó là yếu tố đáng ghi nhận với tác giả ẩn danh này. Các bài viết tràn đầy năng lượng và nguồn cảm hứng ấy làm độc giả lạc quan vì người Việt Nam còn những người giỏi, tâm huyết, còn lòng tự tôn, tình yêu bao la với mình, với đời và với người.

HỒNG PHÚC - THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

TRÊN ĐƯỜNG BĂNG TRÊN ĐƯỜNG BĂNG