Không có gì lạ khi một họa sĩ viết về văn hóa, đơn giản là anh ta yêu cái đẹp- nghệ thuật một cách cùng cực và đó là sự sống, là hơi thở và là những cảm nghiệm của đau đớn và hạnh phúc đời người.

Vẫn những băn khoăn vì sự tha hóa của con người, từ một Hà Nội đã từng tang thương bởi lửa đạn chiến tranh, thì nay Hà Nội lại bị bôi bẩn bởi những hành động vô văn hóa. “Lạ ở chỗ thời chiến tranh sống chết cận kề, thời hậu chiến đói nghèo thì lòng người lại yên. Thời nay, no đủ, giàu có thì lòng người lại động. Lạ ở chỗ, thời nghèo thì văn hóa lại còn mà ngày càng giàu thì văn hóa lại càng xuống cấp”, tác giả băn khoăn.
Điều này làm cho chúng ta liên tưởng đến những gì đang xảy ra hôm nay, ngay lúc này. Không phải bây giờ những gì vô văn hóa mới xảy ra. Thói thường, con người không được giáo dục từ nhỏ những quy luật tắc sống cùng nhau, sẽ không thể trân trọng và biết được các giá trị nào cần được gìn giữ để bền vững. Cảnh các đền chùa miếu mạo, thậm chí cái giếng làng cũng bị lấp ngày nay cho thấy sự tàn phá của chính con người đáng sợ hơn bất kỳ sự tàn phá nào của chiến tranh. Con người phi nhân chính là sự tận diệt của ngày tận thế, khi con người không ý thức về văn hóa và cảm nhận cái đẹp của nghệ thuật nữa, con người sa đọa đến tận cùng và cái ác trỗi dậy, lần này, sức hủy diệt còn mạnh hơn bất kỳ một bom hạt nhân nào.
Cái “Thấy” của Lê Thiết Cương, là những lời cảm thán, tiếc nuối và có phần ai oán với sự đổ vỡ của văn hóa. Nhưng anh còn “Thấy” những vẻ đẹp đời thường diễn ra quanh mình, nhất là chung quanh ngôi nhà của anh với vẻ đặc trưng của Hà Nội, những bà cụ ngồi bán nước, một gánh xôi sáng dành lót dạ và thơm mùi ký ức mãi không phai đánh thức sự trỗi dậy của lòng từ với cánh đồng quê hương thơm mùi lúa chín mà bổn phận của người Việt phải giữ gìn. Một bức ảnh anh đặt tên là “mầm thiện” cảnh người đàn ông ở Hội An bị thương tật nhưng vẫn kiếm sống bằng nghề làm đồ chơi từ những chiếc vỏ lon bia, nước ngọt để trên cái xe ba bánh tự chế. Lê Thiết Cương viết: “Anh ấy không muốn là hạng người bỏ đi. Anh ấy có tật nhưng lại lành, lành tâm, thiện tâm. Anh ấy lao động lương thiện không như những kẻ lành lặn, đủ cả mắt mũi chân tay, quần nọ áo kia xanh xanh đỏ đỏ, xe to xe bé, váy ngắn váy dài nhưng ác tâm, khuyết tâm, tâm hồn tàn phế què cụt”.
Lê Thiết Cương còn ghi sâu đậm trong anh những ký ức làng. Về đình làng, cổng làng, giếng làng… đó là điều đáng quý nhất ở tâm hồn của một nghệ sĩ thuần Việt. Anh biết rõ vẻ đẹp của ngôi làng với bao đời “Đất và Người” Việt đã sinh sống, gìn giữ để trở thành một nếp văn hóa của quê hương Việt Nam đã từng bị ngàn năm “Bắc thuộc” mà cuối cùng vẫn thoát khỏi sự xâm lược văn hóa.
“Thấy” mà không chỉ để thấy, “Thấy” để ngẫm, để suy tư và để trở thành hành động khi ai cũng tìm lại ý thức về văn hóa Việt của mình. Cái “Thấy” của Lê Thiết Cương khiến chúng ta cũng phải nhìn lại mình. Đó là một cái “Thấy” để soi sáng. Và chúng ta có thể thấy nhiều hơn cả anh, nhưng suy cho cùng, thấy - để làm gì? (với cái thấy đó), mới là câu hỏi mà mỗi ngày ai cũng phải tự vấn.
Nhà báo Ngân Hà - Thế giới tiếp thị
- Khi Lê Thiết Cương “Thấy” - 02/13/2017