Tài liệu hướng dẫn cần thiết về ứng dụng AI trong giáo dục

Tác giả: Trần Đức Huyên - Trần Đặng Minh Trí
Số trang: 192 trang
Giá bán: 85.000 VNĐ
Khổ sách: 14 x 20 cm
* Một số nhận xét từ các chuyên gia:
“Cuốn sách Nghề thầy và trí tuệ nhân tạo là một tài liệu quý giá và đầy cảm hứng dành cho các giáo viên trong kỷ nguyên số. Tôi tin cuốn sách này sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy, tiếp thêm động lực để thầy cô chinh phục những đỉnh cao mới trong hành trình giảng dạy của mình. Hãy cùng nhau biến thách thức của kỷ nguyên số thành cơ hội để nâng tầm giáo dục Việt Nam, để mỗi giáo viên trở thành một người dẫn đường vững chắc, và mỗi học sinh đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình trong thế giới được định hình bởi trí tuệ nhân tạo.” - Ông Kiều Mạnh Toàn, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Giám đốc khối Dịch vụ công và Doanh nghiệp lớn Microsoft Việt Nam.
---------------------------
“Cuốn sách Nghề thầy và trí tuệ nhân tạo là một tài liệu đáng quý, không chỉ dành cho đội ngũ nhà giáo mà còn rất hữu ích đối với các em học sinh và cả các bậc phụ huynh trong thời đại số. Với lối viết mạch lạc, cấu trúc hợp lý và nội dung sâu sắc trải dài qua 10 chương, cuốn sách như là một cẩm nang để giúp chúng ta tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục một cách hiệu quả và nhân văn.” - TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.
---------------------------
“Cuốn sách Nghề thầy và trí tuệ nhân tạo là một tác phẩm đặc biệt, kết hợp giữa tầm nhìn hiện đại và tình yêu sâu sắc dành cho giáo dục. Tác phẩm không chỉ giải đáp câu hỏi làm thế nào để công nghệ trở thành công cụ hữu ích trong giáo dục, mà còn khẳng định rằng những giá trị nhân văn luôn cần được bảo tồn trong mọi sự đổi mới. Điều tôi ấn tượng nhất ở cuốn sách này là sự gần gũi và thiết thực trong từng giải pháp. Từ việc sử dụng AI để cá nhân hóa học tập đến việc phát triển các công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh, tất cả đều được trình bày rõ ràng, dễ tiếp cận. Cuốn sách như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ: công nghệ không thay thế con người, mà là phương tiện để con người làm tốt hơn những gì mình muốn cống hiến. Đây không chỉ là một tài liệu mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ rằng công nghệ, khi kết hợp với lòng yêu nghề và tri thức, có thể mang lại những giá trị bền vững cho giáo dục và xã hội.” - Ông Lê Đình Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường Hoàng Việt.
* Hành trang cho người thầy của kỷ nguyên AI
Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của AI (trí tuệ nhân tạo). Tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều đang trải qua những biến đổi sâu sắc dưới tác động của cuộc cách mạng AI, giáo dục tất nhiên cũng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Nắm bắt xu hướng tất yếu, cuốn sách Nghề thầy và trí tuệ nhân tạo ra đời như một tài liệu hướng dẫn về cách ứng dụng AI trong giáo dục.
Hai tác giả, Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên và ông Trần Đặng Minh Trí, là hai chuyên gia về ứng dụng công nghệ trong giáo dục và y tế (EdTech và MedTech), hai lĩnh vực liên quan đến việc đào tạo các Thầy Giáo và Thầy Thuốc, mà theo họ “AI đã tái định hình lại cách suy nghĩ, vận hành và làm việc của hai ngành nghề này”. Trong Lời nói đầu, hai tác giả khẳng định:
"AI không chỉ là công cụ, mà còn là một cơ hội để đổi mới cách dạy và cách học, hướng đến việc cá thể hóa giáo dục và trao quyền cho người học."
Hai tác giả tin rằng AI mang đến những thay đổi mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cho phép đổi mới giáo dục một cách toàn diện, là “cơ hội để nâng tầm giáo dục Việt Nam”. Tuy nhiên, hai tác giả tin rằng để khai thác tối đa tiềm năng đó, giáo viên cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đó là lý do họ bắt tay thực hiện cuốn sách này:
"… chúng tôi muốn viết nên quyển sách này để chia sẻ những điều chúng tôi học được, không chỉ để cung cấp kiến thức mà còn tạo động lực và truyền cảm hứng cho các giáo viên trẻ… Họ là thế hệ có thể khai phá những tiềm năng mà AI mang lại, từ đó giúp các thế hệ học trò trở nên sáng tạo hơn, nhân ái hơn, và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách trong thế kỷ 21."
Tác giả Trần Đức Huyên và Trần Đặng Minh Trí hy vọng rằng cuốn sách này sẽ là một người bạn đồng hành đáng tin cậy, một hành trang quý giá cho các giáo viên trong hành trình làm thầy trong kỷ nguyên mới. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhận định:
"Cuốn sách là tài liệu quý giá, không chỉ giúp thầy Cô nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong các cơ sở giáo dục. Tâm huyết của hai tác giả, Thạc sĩ Trần Đức Huyên và Trần Đặng Minh Trí, là một minh chứng sống động về sự cam kết và khát vọng đổi mới giáo dục, vì một thế hệ trẻ sáng tạo, nhân ái và sẵn sàng đối diện với những thách thức của tương lai."
* Bộ tài liệu hướng dẫn toàn diện về ứng dụng AI trong giáo dục
Với 10 chương sách, gói gọn trong chưa đến 200 trang, cuốn sách sẽ trang bị cho giáo viên hiểu biết toàn diện về khái niệm, tính năng, lợi ích, cũng như cách tích hợp AI vào việc dạy học. Đây là một nguồn tài liệu hữu ích để thầy cô giáo hiểu rõ và có những kỹ năng cần thiết về ứng dụng AI trong công việc của mình.
Là nhà giáo và là giảng viên, hai tác giả đã dùng tâm huyết cùng với bề dày kinh nghiệm của mình để soạn thảo nên một bộ tài liệu dễ hiểu và thiết thực, với cách giải thích rõ ràng, ngắn gọn và ví dụ cụ thể, cấu trúc chặt chẽ đi từ cơ bản đến nâng cao, từ lý thuyết đến thực hành. Các thông tin và hướng dẫn được sắp xếp một cách khoa học, sử dụng nhiều bảng biểu và hình ảnh để minh họa một cách trực quan.
Cuốn sách sẽ trang bị các kiến thức và kỹ năng sau:
-
Khái niệm cơ bản về AI
-
Kỹ thuật viết yêu cầu (prompting) để tận dụng tối đa công cụ AI
-
Cách sáng tạo nội dung dạy học với sự hỗ trợ của AI
-
Đánh giá học sinh một cách công bằng và hiệu quả hơn nhờ AI
-
Sử dụng AI để triển khai mô hình lớp học đảo ngược
-
Cách ứng dụng AI để hỗ trợ tham vấn trong học đường
-
Các nguyên tắc đạo đức về AI trong giáo dục
-
Khung đánh giá năng lực về AI của UNESCO
Với những nội dung này, các thầy cô sẽ hiểu rõ AI là gì, AI hoạt động như thế nào, lợi ích của AI và làm thế nào để ứng dụng AI vào dạy học.
Trong phần khái niệm, độc giả sẽ nắm được cơ bản về các loại AI, chức năng của chúng, khả năng của chúng, cách hoạt động của AI. Đây là nền tảng quan trọng để ta tận dụng được sức mạnh của AI và sử dụng chúng một cách trách nhiệm.
Khi áp dụng AI vào dạy học, các tác giả nhận thấy AI mang lại những lợi ích to lớn trong các khía cạnh: tiết kiệm thời gian (trong soạn giáo án, chuẩn bị tư liệu dạy học, đánh giá học sinh,...), tăng cường sự tương tác, và cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho từng học sinh. Một vấn đề thường được đề cập về chương trình giáo dục phổ thông là sự “cào bằng”, thiếu linh hoạt, không thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của các học sinh có trình độ, năng lực, tốc độ học tập khác nhau. AI mở ra khả năng điều chỉnh nội dung và cách tiếp cận dựa trên khả năng, sở thích và tốc độ học của từng người, đảm bảo rằng không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau hoặc bị quá tải. Điều này cho phép thầy cô thực sự trao quyền cho học sinh, giúp các em có thêm động lực, làm chủ việc học của mình.
Bám sát thực tiễn, hai tác giả đã giới thiệu sơ lược về các công cụ AI phổ biến, tính năng của chúng, và quan trọng nhất là cách sử dụng chúng trong công việc dạy và học. Các giáo viên sẽ được làm quen và trải nghiệm với các công cụ AI thông dụng như: ChatGPT, Copilot, Perplexity, Gemini, Dall-E, Canva AI, Gamma…
Để sử dụng hiệu quả những AI trên, kỹ thuật cơ bản cần thành thạo là kỹ thuật viết yêu cầu (prompting). Hai tác giả đã đưa ra hướng dẫn từng bước, chi tiết, về cấu trúc và kỹ thuật viết prompt, với nhiều ví dụ thực tế để độc giả dễ hình dung, dễ thực hành.
Đi sâu hơn, hai tác giả đề xuất một số phương pháp để áp dụng các công cụ AI vào từng môn học riêng biệt, hỗ trợ nhiều bước trong công việc giảng dạy của thầy cô: soạn giáo án, sáng tạo tài liệu giảng dạy, thiết kế thí nghiệm, xây dựng đề thi, chấm điểm, vân vân. Hai tác giả đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng AI tạo sinh, loại AI đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của toàn thế giới với những khả năng ấn tượng. Khi AI tạo sinh được đưa vào giáo dục, nó cũng hứa hẹn mang đến những đổi mới phi thường.
Trong các ví dụ được nêu ra, ta thấy AI có thể hỗ trợ giải thích các khái niệm trừu tượng trong toán lý hóa; tạo hình ảnh, bản đồ, video để minh họa các dạng địa hình trong môn địa lý, các quá trình hóa sinh, hay các cuộc chiến trong môn lịch sử; gợi ý bộ đề kiểm tra trắc nghiệm; giúp chỉnh sửa ngữ pháp các bài luận tiếng Anh,... Các phương pháp ứng dụng AI là vô tận, tạo ra vô số khả năng để thầy cô có thể biến đổi lớp học của mình cho sinh động, gần gũi và hiệu quả hơn với học sinh.
Ngoài ra, AI cũng hứa hẹn mang đến những kết quả tích cực trong việc đánh giá học sinh, là một bước quan trọng để hướng đến cá nhân hóa trải nghiệm học tập. AI có khả năng mang tới những đánh giá nhanh chóng và khách quan (không bị chi phối bởi cảm xúc). AI có thể chấm điểm bài kiểm tra và phân tích dữ liệu học tập một cách nhanh chóng, và việc phản hồi kịp thời là điều quan trọng để giáo viên điều chỉnh cách dạy và học sinh điều chỉnh cách học cho phù hợp.
Một ứng dụng đáng chú ý khác là sử dụng chatbot cho việc tham vấn học đường: tư vấn học tập, tư vấn tâm lý và hỗ trợ hướng nghiệp. Đây là một ứng dụng có tiềm năng lớn, giúp học sinh có được sự hỗ trợ đúng lúc về các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Hai tác giả đã chỉ dẫn rõ ràng từng bước về cách sử dụng hai công cụ Chatling, Dialogflow để thiết kế chatbot cho nhà trường.
Ngoài ra, các giáo viên cũng có thể sử dụng AI để triển khai lớp học đảo ngược - một mô hình trong giáo dục khai phóng. Mô hình này thúc đẩy học sinh tự học, giúp tối ưu hóa thời gian trên lớp, để giáo viên có thể cung cấp sự hỗ trợ riêng biệt, linh hoạt cho từng học sinh.
Nhìn chung, AI có thể cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho công việc của người thầy giáo. Có rất nhiều phương pháp khác nhau để ứng dụng AI trong giáo dục, mở ra vô số khả năng cho giáo viên đổi mới việc dạy học của mình. Chỉ khi có hiểu biết đầy đủ về tính năng và cách sử dụng công cụ AI một cách tối ưu, giáo viên mới có thể tận dụng tiềm năng của chúng một cách hiệu quả, phù hợp và sáng tạo.
* Các nguyên tắc đạo đức trong giáo dục về AI
Trong cuốn sách này, đây là có lẽ là chương quan trọng nhất. Hai tác giả vạch ra hai nguyên tắc cốt lõi trong việc sử dụng AI:
-
Không phải chỉ có chúng ta sử dụng AI mà AI cũng đang sử dụng chúng ta
-
AI đem đến sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm của người dùng đối với AI và cộng đồng càng cao
Những vấn đề được quan tâm nhất trong việc sử dụng AI là tính công bằng, minh bạch và quyền riêng tư. Khi sử dụng AI, chúng ta cũng vô tình “đào tạo” nó, nạp cho nó một lượng dữ liệu lớn của chính mình. Điều này đặt ra yêu cầu về minh bạch trong cách AI thu thập và sử dụng dữ liệu. Đặc biệt, khi nạp cho AI một lượng lớn dữ liệu cá nhân, làm sao chúng ta chắc chắn rằng dữ liệu đó không bị sử dụng sai mục đích hoặc lạm dụng?
Hiện tại, nhiều chuyên gia về AI đã lên tiếng cảnh báo về các hiểm họa của nó: thiếu bảo mật thông tin, thông tin sai lệch tràn lan, vi phạm quyền riêng tư cá nhân… Khi các công cụ AI được sử dụng trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, người dùng AI phải cân nhắc tác động từ hành động của mình, để quyết định một cách có trách nhiệm.
Trong giáo dục, việc sử dụng AI mang đến những cơ hội lớn nhưng cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ. Nếu dữ liệu cá nhân của học sinh (như thông tin học tập, hành vi học sinh, dữ liệu sức khỏe tinh thần) không được bảo mật nghiêm ngặt, chúng có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của học sinh khi bị lan truyền. Các dữ liệu thiếu tính đại diện có thể dẫn đến quyết định thiên lệch, gây bất công trong tiếp cận cơ hội học tập. Nếu dữ liệu của học sinh, giáo viên bị rò rỉ, đánh cắp, hoặc sử dụng cho mục đích xấu, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Do đó, các nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi triển khai AI là: minh bạch, công bằng, an toàn và bảo mật, tôn trọng quyền riêng tư, trách nhiệm. Khi áp dụng vào giáo dục, điều này có nghĩa là ta phải đảm bảo các dữ liệu cá nhân được bảo vệ an toàn và không được thương mại hóa, các bên đều phải minh bạch về mục đích và cách sử dụng AI, và AI phải được thiết kế để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử hoặc thiên vị. Do đó, giáo viên, nhà trường và nhà phát triển AI phải sử dụng hoặc thiết kế AI với tinh thần trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.
* Khung đánh giá năng lực về AI của UNESCO - AI có thể thay thế giáo viên không?
Cuối sách, hai tác giả giới thiệu cho bạn đọc một công cụ tham khảo quan trọng: Khung năng lực AI của UNESCO. Khung này không chỉ cung cấp các kỹ năng kỹ thuật mà còn nhấn mạnh các yếu tố đạo đức, sáng tạo, và phát triển bền vững. UNESCO cung cấp khung đánh giá cho cả giáo viên và học sinh, với các mục rõ ràng, có phân chia mức độ.
Bộ khung này vạch ra các tiêu chí về nhiều khía cạnh: đạo đức, kiến thức, phương pháp ứng dụng… Điều đặc biệt trong bộ khung này là UNESCO nhấn mạnh khi sử dụng AI trong giáo dục, cả giáo viên và học sinh phải có tư duy lấy con người làm trung tâm. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải hiểu rõ rằng con người giữ quyền chủ động trong việc sử dụng AI, có ý thức trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Đây cũng là điều mà hai tác giả nhấn mạnh xuyên suốt cuốn sách:
AI không thể thay thế giáo viên, bởi vì giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là người định hình nhân cách, khơi dậy cảm hứng, và dẫn dắt học sinh phát triển toàn diện. Dù trong lớp học truyền thống hay lớp học ứng dụng AI, con người vẫn là trung tâm, người thầy và người trò tạo nên giá trị cốt lõi của giáo dục. AI hay bất kỳ công nghệ nào chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, giúp việc dạy và học trở nên hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và thăng hoa hơn, nhưng không thể thay thế mối quan hệ thầy trò, sự tương tác cảm xúc và tinh thần học tập.
*Tổng kết
Cuốn sách này là một bộ tài liệu hướng dẫn cần thiết, toàn diện cho các giáo viên về ứng dụng AI trong giáo dục. Sách cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản để sử dụng các công cụ AI thông dụng trong dạy học, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và cải thiện trải nghiệm học tập cho học sinh. Quan trọng hơn hết, cuốn sách nhấn mạnh những vấn đề đạo đức khi sử dụng AI, nhắc nhở giáo viên ứng dụng AI một cách có trách nhiệm, lấy con người làm trung tâm, không lệ thuộc hoặc lạm dụng AI.
Được biên soạn bởi hai tác giả có bề dày kinh nghiệm trong việc giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong giáo dục - y tế, đây là một cẩm nang thiết thực, dễ hiểu, cung cấp thông tin rõ ràng, cụ thể, đảm bảo độc giả dễ thực hành và vận dụng. Như Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Nguyễn Văn Hiếu nhận định:
Tâm huyết của hai tác giả, Thạc sĩ Trần Đức Huyên và Trần Đặng Minh Trí, là một minh chứng sống động về sự cam kết và khát vọng đổi mới giáo dục, vì một thế hệ trẻ sáng tạo, nhân ái và sẵn sàng đối diện với những thách thức của tương lai.
* Thông tin tác giả
- Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên
Thạc sĩ Toán. chuyên gia EdTech với hơn 40 năm kinh nghiệm, từng là Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM và hiện là Hiệu trưởng trường Hoàng Việt tại Đắk Lắk. Là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert - MIEE), thầy Huyên đã không ngừng sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục, góp phần định hình một nền giáo dục hiện đại và hiệu quả.
- Trần Đặng Minh Trí (Dimitry Tran)
Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực MedTech, đồng sáng lập Harrison.ai, Annalise.ai và Franklin.ai - các công ty ứng dụng AI trong y khoa và chăm sóc sức khỏe. Là giảng viên thỉnh giảng tại trường Y Đại học Harvard và thành viên Hội đồng Cố vấn Trường Y Đại học Bond, thầy Trí mang trong mình khát vọng ứng dụng AI để nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục.
* Các tác phẩm khác về ứng dụng AI trong giáo dục:
Xin chào AI
Cuốn sách được viết bởi Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương – một nhà giáo dục tiên phong trong việc đưa các mô hình giáo dục tiến bộ về Việt Nam. Mục đích cuốn sách là mang AI đến gần với trẻ em thông qua những trò chơi và hoạt động trải nghiệm vui nhộn, giàu cảm hứng, kết nối chặt chẽ với cuộc sống và việc học hằng ngày của các em.
Qua cuốn sách này, trẻ em có thể bắt đầu làm quen với AI, khám phá AI qua các ứng dụng thân thiện với trẻ em. Các ứng dụng cũng đồng thời giúp các em tìm hiểu về âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa, phát triển tư duy sáng tạo, óc tưởng tượng, kỹ năng xã hội, kỹ năng tranh biện,... thông qua các hoạt động lý thú được thiết kế cho phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau.
Được viết bằng ngôn ngữ mang tính giáo dục, đây là cuốn sách dành cho cả trẻ em lẫn phụ huynh và giáo viên. Người lớn có thể dùng nó để hướng dẫn con mình, học sinh của mình tìm hiểu về AI một cách sinh động.
Thông tin thêm về tác giả
Nguyễn Thúy Uyên Phương là người sáng lập TOMATO Children’s Home; Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Design for Change. Cô cũng là người đưa về Việt Nam Trường học Kiến tạo (I Can School), các chương trình Cha mẹ Hiệu Quả P.E.T, Giáo viên Hiệu quả (T.E.T).
Cô còn được biết đến như một chuyên gia tư vấn hàng đầu trong việc hỗ trợ các trường học đổi mới triết lý giáo dục, hiệu quả giảng dạy và nâng cao năng lực cho giáo viên. Hiện cô đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ), chuyên ngành Learning Design and Leadership, với trọng tâm là thiết kế và dẫn dắt các mô hình học tập mới cho tương lai.
Link thông tin và hình ảnh từ NXB Trẻ:
https://drive.google.com/drive/u/0/folders/1TxG7ut3EkjrcUa5-nqYclwOX2XRS8z1W
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ