HỌ TRỞ THÀNH NHÂN VẬT CỦA TÔI

  • Tác giả: Hồ Anh Thái
  • Khổ sách: 13x20cm
  • Số trang: 464
  • Giá bán: 175,000 VNĐ
  • ISBN: 978-604-1-23762-9
  • Giới thiệu tóm tắt tác phẩm:

    Tất cả những con người vốn tự mình sáng tạo ra cả một thế giới nhân vật, lần này chính họ lại trở thành nhân vật trong tay người khác. (Trích đề từ của cuốn sách)

    Tức là trong tay Hồ Anh Thái, các nhà văn, nghệ sĩ được thành một nhân vật- là chính họ, nhưng được nhìn từ những góc khác nhau của con mắt nhà văn.

    Bức chân dung (của Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Minh Thái, Ý Nhi, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Việt Linh, Lê Dung, Chí Trung, Trần Đại Thắng, Nguyễn Ngọc Thuần, Aziz Nesin, George Evans, Bodil Malmsten, Maxine Hong Kingston, G.Emerson, S.Lidman…) do Hồ Anh Thái vẽ bằng lời theo cách giản dị của mình, đoạn kể, đoạn đối thoại, chỗ tô đậm, chỗ chỉ là nét phác qua… Tác giả và nhân vật đối thoại với nhau về nghề, về đời văn, về một cuốn sách, về một người bạn, hoặc đơn giản là những câu chuyện đời thường, những chi tiết hành xử, có khi chỉ là vài câu nói… Chân dung hay ký họa những nhân vật nổi tiếng trong giới văn chương, nghệ sĩ, trong và ngoài nước được thành hình từ những chi tiết đó, không phải lúc nào cũng ở thế nhìn thẳng, có khi nhìn nghiêng, nhưng đủ để hình dung người ấy rõ ràng với đầy đủ tính cách đời thường, và những thành tựu của họ trong công việc, sinh động lấp lánh “như cá tươi”!

    Thể loại chân dung thường cho thấy tình cảm của người viết và người được viết. Trong tập sách này cũng không ngoại lệ. Một bức chân dung đầy đủ, không quá lời, và tất nhiên, nó khác với các hình chân dung người khác vẽ. Sự ưu ái, nếu cần nói, là ở chính những nhân vật mà Hồ Anh Thái chọn, là chính các nhà văn, họa sỹ nghệ sỹ này, chứ không phải người kia, người khác. Thấy rõ cái tình âu yếm của tác giả viết về những người bạn nhà văn, nghệ sĩ của mình, không chỉ trong những thán phục ngầm ẩn, mà đặc biệt trong cách chọn từ để nói những ý không phải là ca ngợi về người mình đang kể về.

    Phần cuối của Họ trở thành nhân vật của tôi với tên gọi “Chốc lát những bến bờ” được viết theo thể du ký – là những ghi chép về các chuyến đi. Với Hồ Anh Thái, những chuyến đi về đất Phật Ấn Độ, đến Ba Tư quê hương của những câu chuyện thần kỳ với những khu chợ và những tấm thảm, sang đất cố đô Lào “cũng ngồi với nhau ở miền Đông Nam Á”, đến Hàn Quốc, hay sang châu Mỹ, châu Úc, châu Âu… đều tưng bừng hấp dẫn với muôn vẻ màu sắc bởi nét bí ẩn đầy ngạc nhiên của từng vùng văn hóa đặc sắc. Đọc du ký của Hồ Anh Thái, lại thấy thôi thúc muốn lên đường, đến nơi mà anh đã đến, để thấy “Văn hóa là cuộc gặp gỡ con người với con người”.