Nguyễn Du (1766 – 1820), tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa sống vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ của lịch sử Việt Nam. Trong khoảng thời gian làm quan và đi sứ sang Trung Quốc, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Các tác phẩm nổi bật của ông gồm: Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm,Thanh hiên thi tập,Văn tế thập loại chúng sinh, Truyện Kiều,… Năm 2013, Nguyễn Du được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới.
Cuốn sách Mỹ học của Nguyễn Du là một công trình nghiên cứu của giáo sư Lê Ngọc Trà, về nhận thức và quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du thông qua Truyện Kiều và các sáng tác khác.
--
“Ði chệch ra khỏi đại lộ của nền văn học “tải đạo”, rẽ sang con đường đến với sáng tác như một hành động quan sát, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, giãi bày mà đồng thời vẫn kế thừa được tính quan niệm, chất triết lí của văn chương truyền thống – đó là thiên tài đột xuất của Nguyễn Du, khiến Nguyễn Du trở thành nhà văn “kiểu mới” và Truyện Kiều về phương diện này rất gần với tư duy nghệ thuật hiện đại. Cao Bá Quát quả là hết sức sắc sảo và có lý khi nhận xét rằng: “Kim Vân Kiều là tiếng nói ‘hiểu đời’. Hoa Tiên là tiếng nói ‘răn đời’ vậy”.
Bây giờ thì chúng ta mới hiểu vì sao Nguyễn Du lại viết:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
(Truyện Kiều)
Cái chính đâu phải là “mua vui”. Cái chính là sự khiêm nhường. Cái chính nữa là khước từ vai trò người răn dạy, chỉ làm người kể chuyện, giãi bày, còn phán xét ra sao dành toàn quyền cho người đọc.
Phải chăng vì vậy mà mãi hàng trăm năm nay xung quanh Truyện Kiều, Thúy Kiều và cả Nguyễn Du, những cuộc tranh luận, những đánh giá khác nhau vẫn đang tiếp diễn”.
-Trích tác phẩm