Tập hợp 58 bài viết của nhà văn Sơn Nam từng được đăng báo trước và sau năm 1975, trong đó có nhiều bài in trên tạp chí Xưa&Nay.
“Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là ‘địa đàng’-- Xưa kia, người Khmer bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, không xông xáo ‘phá sơn lâm, đâm Hà bá’ như dân Việt. Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng -- vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn – Gia Định ngày nay, công ơn của tổ tiên thật là to lớn.” Đó là một trong những đoạn văn khái quát về Sài Gòn
- Gia Định và Nam bộ nói chung qua con mắt Sơn Nam. Không chỉ vậy, còn có những nhân vật cụ thể góp phần làm nên bản sắc vùng đất này, hay là những khu phố, con đường, hàng cây làm nên dấu ấn cho một địa danh. Chúng ta sẽ thấy Sơn Nam, dù không phải sinh ra ở vùng đất Sài Gòn -- Gia Định, nhưng hơn cả một người Sài Gòn, ông đã sống, gắn bó chí tình với mảnh đất này và đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ những giá trị văn hoá và lịch sử của nó.
Nhà văn Sơn Nam đã quá quen thuộc với bạn đọc ở mảng truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và các công trình nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là về vùng Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ nói chung. Nhưng không nhiều người biết ông còn là một người chuyên viết báo. Ông coi công việc này là nhằm bù đắp lại cho đời sống vật chất không mấy dư dả, thậm chí có lúc còn gọi là công việc "kiếm cơm", dù vậy, những bài viết ngắn hay dài đều mang sức mạnh của trải nghiệm, của tình yêu quê hương đất nước. Chưa có thống kê nào về số lượng bài báo của Sơn Nam qua mấy chục năm viết, nhưng chắc chắn phải là rất nhiều. Ông đã ngang dọc nhiều nơi trên đất nước, mà nhiều nhất là ở Nam bộ, từ hồi ông còn trẻ trung xông pha cho đến lúc được đặt biệt danh "Ông già đi bộ" -- ghi lại những điều giản dị nhưng luôn có vẻ hấp dẫn. Những bài viết này, biết đâu sẽ cho ta hiểu thêm và phát hiện thêm nhiều điều mới về nhà văn đặc biệt được yêu mến của miền Nam này.