Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Tác giả

Vương Hồng Sển

Vương Hồng Sển

Vương Hồng Sển (1902 – 1996) tên thật là Vương Hồng Thạnh (hay Thịnh). Ngày 4.11.1904, khi làm giấy khai sinh, người giữ sổ lục bộ ghi nhầm thành Sển. Ông học ở trường Chasseloup, sau làm công chức, về hưu sớm để chuyên về văn nghệ. Ông thích khảo cứu về hát bội, cải lương, ký bút hiệu là Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, và làm việc tại Viện bảo tàng Sài Gòn từ năm 1947 đến năm 1964.

Vương Hồng Sển rất sành về đồ cổ. Ông còn ưa khảo cứu về các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoại, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay. Những cuốn sách ông viết về những điều thu lượm được là nguồn thông tin độc đáo và giá trị về những thú chơi nói trên.

Các tác phẩm của ông phần nhiều thuộc dạng hồi ký, bút ký. Chúng là nguồn tư liệu sống động cho thấy đời sống, suy nghĩ, văn hóa ở xã hội năm xưa. Những tư liệu mà ông thu thập và ghi chép là nguồn tài liệu lịch sử và văn hóa quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về nhiều khía cạnh của đời sống ở miền Nam qua nhãn quan một chứng nhân thời cuộc.

Học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại - mặc dầu là hấp tấp trong sự trình bày - vô số tài liệu mà trong mấy chục năm, ông đã tốn công đi sưu tầm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng lân cận. Về nhà cân nhắc chọn lựa với tinh thần thận trọng đáng khen...”

“Nhà Nam bộ học” Sơn Nam từng nhận xét về ông rằng những gì ông viết có khi chỉ là “chuyện lụn vụn ‘tào lao’, ‘loạn xà ngầu’, nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ”.

Khi qua đời, ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và bộ sưu tập cổ vật của mình (tổng cộng 849 món) cho Nhà nước Việt Nam. Ngày 5/8/2003, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà là di tích cấp thành phố và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.


Trong tháng 8 năm 2024, Nhà xuất bản Trẻ vừa ký hợp đồng mua tác quyền hàng loạt các tác phẩm của Vương Hồng Sển cùng đại diện gia đình tác giả. Một số tựa sách trong hợp đồng sẽ được NXB Trẻ phát hành trong tương lai bao gồm: Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn Tả Pín Lù, Chuyện cười cổ nhân, Hơn nửa đời hư, Bên lề sách cũ, Phong lưu cũ mới, Bộ Khảo về đồ sứ men lam Huế, Thú chơi cổ ngoạn, Thú xem truyện Tàu, Tự vị tiếng nói miền Nam… và các tựa khác.

CÁC TÁC PHẨM ĐÃ IN TẠI NHÀ XUẤT BẢN TRẺ