Sinh ra, lớn lên và viết trong thời hiện đại, lứa nhà văn 9x có thể coi là thế hệ đã đưa cuộc chơi văn chương ngày càng đến gần hơn với sự đa dạng, muôn màu.
Sự đa dạng ấy trước tiên là về thể loại. Những biến chuyển trong đời sống, xã hội đã khiến các mảng đề tài quen thuộc, từng phủ bóng lên văn chương Việt Nam một thời như chiến tranh, hậu chiến, bao cấp, nông thôn… dần lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những tiếng nói trẻ trung của thời đại. Quy luật vận động cho phép các nhà văn 9x được thỏa sức sáng tạo, khám phá, tìm tòi hướng đi riêng, thông qua việc gắn bó với một hay nhiều thể loại.
Không ít gương mặt nổi bật trên văn đàn hiện nay lựa chọn định vị bản thân với một dòng sách, một phong cách thống nhất. Ta có Nguyễn Dương Quỳnh (Thỏ rơi từ mặt trăng, Thiên cầu ma thuật), Phạm Bá Diệp (Yagon - Những kẻ vô cảm), Nhật Phi (Người ngủ thuê), Maik Cây (Wittgenstein của thiên đường đen)… với thể loại giả tưởng - kỳ ảo; có Huỳnh Trọng Khang (Mộ phần tuổi trẻ), Đặng Hằng (Nhân gian nằm nghiêng), Hoàng Yến (Săn mộ, Thượng Dương) ghi dấu ấn bằng tiểu thuyết lịch sử hoặc lấy cảm hứng từ lịch sử; có Đức Anh (Thiên thần mù sương, Đảo bạo bệnh) với trinh thám - tâm lý ly kỳ; có Hiền Trang (Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa), Đinh Phương (Nhụy khúc, Chuyến tàu nhật thực)… với những trang viết đậm chất hiện thực huyền ảo.
Sự “chuyên môn hóa” này là tín hiệu đáng mừng, cho thấy những cây viết trẻ đã bước đầu định hình cá tính, xây dựng nền tảng để tiến xa hơn. Do vậy, dù văn chương 9x có thể chưa có những đột phá mang tính cách mạng mà thế hệ đi trước như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà… đã tạo dựng, nhưng lại có vô số mạch ngầm len lỏi riêng biệt, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả. Để tiếp cận đúng đối tượng, các nhà văn trẻ ngày nay cũng chú trọng việc quảng bá tác phẩm thông qua các diễn đàn, hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội, tạo sự kết nối với độc giả.
Sự đa dạng về thể loại, phong cách của văn chương 9x còn thể hiện khát vọng tạo nên những giá trị riêng biệt, độc đáo của người viết trẻ - thế hệ vốn năng động, chịu khó học hỏi và có tư duy sáng tạo nổi bật. Xu hướng này đồng điệu với quy luật phát triển của văn học, đòi hỏi nhà văn phải luôn hướng đến cái mới, “khơi những nguồn chưa ai khơi”.
Giống như trào lưu âm nhạc indie, văn chương trẻ những năm gần đây cũng tập trung vào những tự sự đậm tính riêng tư, những câu chuyện dù nhỏ nhưng vẫn mang trong mình nội lực của riêng nó. Họ không ngần ngại chạm đến những mặt tối, những góc khuất sâu thẳm của tâm hồn và đời sống. Tác giả Maik Cây - đồng giải nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 6 với tiểu thuyết Wittgenstein của thiên đường đen cho rằng, cái đích cuối cùng của nghệ thuật là sự “tự giải mã chính mình”.
Hay trong một bài phỏng vấn, nhà văn trẻ Hiền Trang từng nói: “Tôi chỉ biết kể cái tôi của mình”. Quả thật, hai cuốn sách mới nhất của cô là Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa và Dưới mái hiên đêm, những khách lạ đều chất ngất nỗi cô đơn, sự mất kết nối, cũng như sự hoang mang, vô định khi đứng trước tương lai của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi thu mình lại, những tác phẩm ấy vẫn tạo được sự đồng cảm và rung động nơi người đọc, đặc biệt những người cùng thế hệ. Sự lạc lõng vừa là cảm thức của từng cá nhân, vừa là sợi dây kết nối những tâm hồn đang còn loay hoay tìm kiếm hạnh phúc và cảm giác thuộc về. Đó còn là diện mạo chung của người Việt trẻ hôm nay - thế hệ lớn lên với internet, được tiếp cận nhiều luồng thông tin, tư tưởng khác nhau, nhưng vẫn không ngừng băn khoăn, trăn trở về bản sắc cá nhân.
Bên cạnh đó, nhiều trang viết của tác giả trẻ cho thấy sự suy tư nghiêm túc và sâu sắc về các vấn đề thời đại. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Em chỉ nói những điều họ muốn, nữ nhà văn Miao (Nguyễn Ngọc Linh) đã mạnh dạn khai thác đề tài bắt nạt qua mạng (cyberbullying) - một hiện trạng nhức nhối gắn liền với thói quen dùng mạng xã hội của người Việt.
Sự thao túng, nhào nặn của công nghệ đối với hành vi con người cũng được phản ánh trong một số tác phẩm khác, như Thiên thần mù sương của Đức Anh hay Người ngủ thuê của Nhật Phi. Tựu trung, văn chương vẫn luôn đem đến những góc nhìn thấu đáo và điềm tĩnh, giúp con người tái nhận thức về cuộc sống của chính mình.
Mặt khác, sự tập trung vào cá nhân còn thể hiện ở cách các nhà văn trẻ tự định hình nghiệp viết. Họ viết cho mình, trung thành với những ý tưởng của mình, nên không đặt ra bất cứ giới hạn nào khi viết. Sự quyết liệt ấy có thể thấy được ở một số gương mặt trẻ trên văn đàn, trong cách họ dấn thân vào những “miền đất vắng người lại qua”, chấp nhận bị so sánh với các cây bút đã thành danh.
Minh Trang/Báo Phụ Nữ