Nhờ đầu tư mạnh vào các kênh online, doanh số bán sách qua mạng của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với Zing, bà Trần Nhật Hoàng Phương - Trưởng phòng Marketing, Công ty Phương Nam - khẳng định dịch Covid-19 là lúc các đơn vị đánh giá lại việc kinh doanh, đầu tư, mở rộng kênh hiệu quả hơn.
Nhờ lợi thế từ các kênh bán sách online, doanh số của Phương Nam trong tháng 2 vừa qua tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với tháng 1.
Độc giả hình thành thói quen mua sách online
- Là công ty kinh doanh, phát hành sách, Phương Nam nhìn nhận như thế nào về thị trường xuất bản ở Việt Nam hiện nay, thưa bà?
- Thị trường xuất bản ở Việt Nam hiện nay rất sôi động và đa dạng. Các công ty sách đầu tư nghiêm túc vào từng cuốn sách xuất hiện trên thị trường. Sách đẹp, chỉn chu, nội dung phong phú, đa dạng.
Nhiều năm trước, chúng ta thấy sự một màu trong xuất bản khi tập trung quá nhiều một dòng sách nhất định. Có lúc, người ta nói nhiều về lỗi dịch thuật, không nhiều sách có chiều sâu (thường gọi là sách kén người đọc hay sách hàn lâm).
Hiện nay, thể loại và đầu sách khá đa dạng. Các dòng sách đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của thị trường ngày càng phong phú.
Ngoài các dòng sách đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số đơn vị chịu khó đầu tư những cuốn sách kén người đọc như về kiến thức nền tảng, tác phẩm kinh điển, tác phẩm đoạt giải.
- Ở nước ngoài, người ta thường chịu khó thay đổi trang trí trong nhà sách, tạo không gian đọc sách hoặc tăng tương tác qua mạng để kéo khách hàng đến nhà sách. Chiến lược của Phương Nam ra sao?
- Nhà sách Phương Nam thường trang trí trong các dịp hè, Trung thu, Halloween, Noel và năm mới để tạo không gian mới mẻ, không khí tưng bừng lễ hội.
Ngoài ra, chúng tôi thường thay đổi hoàn toàn cách trưng bày định kỳ 1-2 năm/lần để tạo không gian mới, thu hút bạn đọc thường xuyên đến thăm nhà sách.
Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến O2O (online to offline, cũng có thể hiểu là offline to online). Nhà sách Phương Nam tạo cộng đồng bạn đọc riêng qua 3 kênh facebook fanpage Nhà Sách Phương Nam, facebook group Bookish Squad và kênh chuyên giới thiệu sách Bookish.vn.
Những kênh này vừa giới thiệu đến bạn đọc hình ảnh nhà sách đẹp, giàu cảm xúc vừa thúc đẩy thói quen đọc sách.
- Những năm gần đây, doanh số online chiếm bao nhiêu phần trăm doanh số chung của công ty? Xu hướng mua sách trực tiếp tại cửa hàng hay mua online đang nổi bật hơn?
- Doanh số online của nhà Sách Phương Nam còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 10% trong tổng doanh thu của công ty. Rõ ràng, những năm gần đây, nhiều bạn đọc đã hình thành thói quen mua sách online.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn mua trực tiếp tại nhà sách. Độc giả đến nhà sách không chỉ đơn thuần chọn một cuốn sách, thanh toán tiền.
Không khí tại nhà sách, cảm xúc khi ở đó, đi qua những dãy kệ, chạm và lật giở từng cuốn sách… là thứ lôi kéo bạn đọc đến với nhà sách.
Doanh số bán sách online tăng 70%
- Trong mùa dịch, doanh số bán sách online của Phương Nam tháng hai tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với tháng một. Làm thế nào Phương Nam có thể đạt được như vậy?
- Tôi nghĩ không chỉ mỗi Phương Nam mà các đơn vị bán online khác đều tăng trưởng tốt trong mùa dịch này.
Từ lâu, Phương Nam chú trọng đầu tư đa kênh, website hoạt động được 10 năm. Vì hạn chế đi lại, khách hàng ở nhà và quyết định mua sách online là chuyện tất yếu.
Bên cạnh đó, mua sách ở nhasachphuongnam.com, khách hàng yên tâm hoàn toàn, không phải lo ngại về vấn nạn sách giả, sách lậu.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mãi. Chính sách vận chuyển cũng khá tốt. Chúng tôi miễn phí vận chuyển cho khách hàng với đơn hàng trên 150.000 đồng (tại TP.HCM) và trên 250.000 đồng (tỉnh thành khác).
- Doanh số từ kênh phát hành online tăng nhưng doanh số chung của Phương Nam biến động như thế nào, thưa bà?
- Doanh số tại các nhà sách bị ảnh hưởng khá nhiều. Hiện tại, 16 nhà sách còn hoạt động. Các nhà sách tại nhiều trung tâm thương mại phải đóng cửa theo quy định của toà nhà.
Trong tình hình này, chúng tôi nỗ lực bổ sung ngành hàng, bình ổn giá, tìm kiếm nguồn hàng tốt, cung cấp nhiều sản phẩm tiện lợi và nhu yếu phẩm như khẩu trang vải kháng khuẩn nước/gel rửa tay khô, nước súc họng, tinh dầu tràm, nón/ kính bảo hộ, và cả lương thực thực phẩm như gạo, đồ hộp, mì ăn liền…
Như vậy, khách hàng có thể mua sắm những sản phẩm khan hiếm trong mùa dịch với giá bình ổn, đồng thời giảm tải tình trạng chen lấn ở một số điểm bán truyền thống của những mặt hàng này.
- Người ta thường nói về những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và nó mang lại cả cơ hội cho xuất bản?
- Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể tìm thấy cơ hội. Nói về cơ hội cho xuất bản, tôi nghĩ qua đại dịch, nhiều đơn vị sẽ năng động hơn trong kinh doanh. Với một quyển sách được làm ra, các đơn vị “bỏ trứng vào càng nhiều rổ càng tốt”.
Đây là lúc các đơn vị nhìn lại, đánh giá việc kinh doanh và đầu tư, mở rộng kênh hiệu quả hơn để tiếp cận nhiều độc giả hơn.
Ngoài ra, giãn cách xã hội khiến mọi người có nhu cầu tìm đến sách nhiều hơn. Người thích sách có thời gian để đọc nhiều hơn, người chưa đọc nhiều hoặc chưa thích sách bắt đầu làm quen. Đây là điểm tích cực và cơ hội chung cho thị trường sách.
- Với xu hướng mua sắm online ngày càng tăng, cùng dấu hiệu khả quan từ kênh phát hành này trong mấy tháng qua, công ty có định hướng tăng cường kênh phát hành online không?
- Tất nhiên, Phương Nam sẽ tăng cường đầu tư các kênh online, kể cả sau dịch.
Website bán hàng hoạt động hơn 10 năm nay và khá lỗi thời so với công nghệ hiện tại. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào trang bán hàng này cả về hạ tầng, công nghệ và nhân lực.
Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết các sàn thương mại điện tử khác.
- Phương Nam kỳ vọng gì từ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020? Bà có chia sẻ thêm về ngành xuất bản, phát hành sách không?
- Ngoài kỳ vọng doanh số phát sinh từ Hội sách online ấn tượng, chúng tôi mong hội sách thành công tốt đẹp, được đông đảo bạn đọc biết đến và đón nhận, là tiền đề để Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các hội sách online sau với quy mô lớn hơn.
Hiện sách in ở Việt Nam đang phát triển khá tốt, nhưng ebook và audio book chưa được quan tâm. Tất nhiên, đây vẫn là vấn đề quả trứng - con gà.
Tổ chức dè dặt bởi sự đầu tư vào công nghệ, nhân sự, bản quyền rất cao, nhưng thị trường đón nhận yếu ớt. Nếu vì thế mà ebook và audiobook không có cơ hội phát triển ở Việt nam thì thật đáng tiếc.
Tôi nghĩ người đọc bình thường sẽ lựa chọn cả sách in, ebook và cả audio book trong điều kiện thuận tiện. Hy vọng sắp tới sẽ có những đơn vị đầu tư vào ebook và audiobook.
Theo NGUYỄN SƯƠNG-Zingnews