Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

PARAG KHANNA: "Tương lai thuộc về châu Á"
Update Date: 08/11/2020

Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền dành cho Đồng Nai Cuối tuần ngày 4-8, TS PARAG KHANNA, tác giả cuốn sách The Future is Asian (Tương lai thuộc về châu Á) khẳng định niềm tin rằng “Châu Á là khu vực sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19”.

hi được hỏi dịch bệnh Covid-19 đã và đang thay đổi châu Á như thế nào và liệu nó đảo ngược hành trình “châu Á là tương lai của thế giới” hay không, TS Parag Khanna đáp:

“Nhiều người đã hỏi tôi điều này trong suốt 6 tháng qua. Tuy nhiên, mỗi ngày, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn rằng châu Á là khu vực duy nhất sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và tiếp tục hiện đại hóa, tiến bộ và phát triển. Vì vậy, thế giới thậm chí còn có nhiều điều để học hỏi từ châu Á và châu Á sẽ còn tiến xa hơn nữa. Điều quan trọng là phần còn lại của thế giới đã nhận thấy thành công của châu Á trong việc đánh bại đợt đầu tiên của đại dịch, đặc biệt là các quốc gia như Việt Nam”.

* Xin cảm ơn tiến sĩ đã dành cho Đồng Nai Cuối tuần cuộc phỏng vấn đặc biệt giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu. Chúng tôi có đọc trong sách Tương lai thuộc về châu Á, đoạn ông viết rằng: “Người châu Á sẽ xác định tương lai của chính họ… và cũng sẽ xác định tương lai của những người khác nữa”. Xin ông có thể nói rõ hơn những lập luận để chứng minh rằng tương lai của thế giới là châu Á?

 

- Bởi vì phần lớn dân số là người châu Á, khi người châu Á tái khám phá và kết nối lại với nhau, thế giới sẽ tự động có nhiều người châu Á hơn. Chúng ta có thể thấy “hệ thống châu Á” (Asian system) này hình thành khi người châu Á đi du lịch, buôn bán, đầu tư, học hỏi và trao đổi với nhau nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, tất cả các khu vực lớn khác trên thế giới - từ Bắc Mỹ đến châu Âu đến Nam Mỹ và châu Phi ngày càng chịu ảnh hưởng của người châu Á, cho dù là buôn bán với Trung Quốc, đầu tư từ Nhật Bản, lao động nhập cư từ Ấn Độ, du lịch hoặc làm ăn gia công tại Việt Nam... Vì châu Á sẽ tiếp tục đại diện cho phần lớn dân số và nền kinh tế thế giới, và sở hữu nhiều cường quốc, nên không có nghi ngờ gì về việc tương lai thuộc về châu Á.

TS Parag Khanna, hiện đang ở Singapore, là chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề thời sự quốc tế và châu Á, từng được vinh danh Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới và là một trong “75 người có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ XXI” của Tạp chí Esquire.

* Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về cách làm việc của người châu Á, hay sự “châu Á hóa thế giới” mà ông đề cập trong tác phẩm The Future is Asian?

- Vào những năm 1990, đã có một cuộc tranh luận về cái gọi là “những giá trị châu Á” (Asian values). Điều này ngụ ý một sự chấp nhận khuôn phép cứng nhắc trong tư tưởng truyền thống Nho giáo. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, mọi người đã ngừng sử dụng cụm từ này. Trong cuốn sách này, tôi nói về “những giá trị châu Á mới” được chấp nhận rộng rãi ở phần lớn châu Á. Chúng bao gồm một ưu tiên cho quản trị công nghệ, vai trò mạnh mẽ của nhà nước trong nền kinh tế hơn là thị trường tự do. Các doanh nghiệp gia đình quan trọng hơn nhiều ở châu Á so với các công ty đại chúng… Đây là một số khía cạnh về cách thức làm việc của người châu Á hoàn toàn khác với phương Tây. Những gì tôi giải thích cũng là điều mà phương Tây tham khảo từ những giá trị châu Á mới này.

* Đọc cuốn sách Tương lai thuộc về châu Á cũng tựa như xem bức tranh toàn cảnh lịch sử rộng lớn của châu Á. Làm thế nào ông có được một tầm nhìn rộng như vậy và còn giúp cho người đọc bình thường có thể “tiêu hóa” những vấn đề mang tính đột phá ấy?

- Lịch sử đầy đủ của châu Á với nhiều nền văn minh và ngôn ngữ vốn rất khó tiếp cận với người đọc bình thường! Đó là lý do tại sao tôi dành gần 1 năm chỉ tập trung vào chương lịch sử của cuốn sách! Thật may mắn là các phản hồi đã rất tích cực. Tôi đã cố gắng đơn giản hóa và gắn kết nhiều lịch sử châu Á thành một tổng hợp để cho thấy sự thấu hiểu lẫn nhau giữa mỗi chúng ta. Cách tiếp cận chính là không đặt bất kỳ nền văn minh nào (như Trung Quốc chẳng hạn) vào trung tâm cả. Thay vào đó, chúng ta hãy tập trung vào các kết nối giữa mỗi quốc gia, vì những quốc gia đó đã tồn tại hàng ngàn năm rồi.

“Không có khu vực nào trên thế giới quan trọng hơn, cần hiểu rõ hơn châu Á… Người châu Á coi việc họ quay trở lại buồng lái của lịch sử là chuyện “số trời đã định”. Một chương mới của lịch sử toàn cầu đang được viết ra trước mắt chúng ta” - PARAG KHANNA cho biết.

* Tiến sĩ viết trong sách rằng “chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong sức mạnh toàn cầu”. Ông có thể diễn giải rõ hơn điều này đặt trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á?

- Tôi tập trung rất nhiều vào Đông Nam Á trong cuốn sách và đã giải thích khu vực này đại diện cho “làn sóng thứ tư” của sự tăng trưởng thị trường ở châu Á như thế nào. Câu chuyện Nhật Bản trở lại qua nhiều thập niên sau chiến tranh là làn sóng thứ nhất, Hổ kinh tế (là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một số nền kinh tế đang bùng nổ ở châu Á - PV) là làn sóng thứ hai, Trung Quốc là làn sóng thứ ba và giờ đây là các nền kinh tế ASEAN. Các chuỗi cung ứng đang dịch chuyển sang ASEAN, đặc biệt là Việt Nam - một đất nước có dân số còn rất trẻ, các lĩnh vực kinh tế đang ngày càng hội nhập, các khoản đầu tư lớn đang đổ vào cơ sở hạ tầng, số hóa và giáo dục. Vì vậy, nhiều chỉ dấu cho thấy rằng tương lai của khu vực Đông Nam Á là sáng chói.

* Xin cảm ơn ông!

Trung Nghĩa - Trúc Giang (thực hiện)/ Báo Đồng Nai

Other News