Tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh mới xuất bản ở Trung Quốc vào cuối tháng 3 năm nay, do NXB Văn nghệ Hồ Nam phối hợp Công ty CS- Booky- công ty phát hành sách tư nhân hàng đầu Trung Quốc thực hiện. Theo chia sẻ của dịch giả Hạ Lộ, tác phẩm đang bán rất tốt và nhận được đánh giá tích cực của nhiều nhà văn nổi tiếng Trung Quốc.
Dịch Nỗi buồn chiến tranh từ tiếng Việt ra tiếng Trung là công việc vất vả đối với PGS.TS Hạ Lộ (ĐH Bắc Kinh). “Tôi mất 6 tháng dịch bản thảo, cộng thêm vài năm sửa chữa, mới hoàn thành”, chị “bật mí”. Theo Hạ Lộ, Nỗi buồn chiến tranh rất đặc biệt về nghệ thuật tự sự và ngôn ngữ, gây khó khi phiên dịch. Chị kể một kỷ niệm: “Năm ngoái, tôi gặp một người bạn cũ ở TP Hồ Chí Minh, bạn ấy lấy bằng tiến sỹ ở Bangkok, hiện là PGS của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bạn hỏi tôi: Nghe nói, cậu đã dịch Nỗi buồn chiến tranh, có thật không? Cuốn tiểu thuyết ấy, kể cả tôi đọc cũng không hiểu được”. Chứng tỏ văn bản tiểu thuyết này với người Việt đọc cũng không dễ”.
Tháng 2 năm 2015 Hạ Lộ gặp nhà văn Bảo Ninh lần đầu tiên tại Hà Nội, khi đó chị đã dịch xong Nỗi buồn chiến tranh. Dịch giả đặt khoảng 20 câu hỏi cho nhà văn Bảo Ninh, xoay quanh vấn đề ngôn ngữ, bối cảnh tiểu thuyết, tình hình chiến tranh, thậm chí về quân phục, thức ăn, súng… Hạ Lộ từng thêm mấy trăm chú thích trên sách về địa lí, lịch sử, phong tục tập quán Việt Nam… nhưng trong lần xuất bản này, chị chủ động bỏ đi phần lớn chú thích, vì “sợ nó làm độc giả không tiện đọc”.
Dịch giả, PGS.TS Hạ Lộ
Hối hận vì từ chối Nỗi buồn chiến tranh
Hơn 10 năm trước, Hạ Lộ biết đến Nỗi buồn chiến tranh qua giới thiệu nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Tôi còn nhớ mùa đông năm 2007, ông Nguyên thăm Trường Đại học Bắc Kinh, có giáo sư hỏi ông ấy, nếu chọn một nhà văn đương đại Việt Nam để đọc tác phẩm, chỉ chọn một người duy nhất, nên đọc ai? Ông Nguyên bảo, nên chọn Bảo Ninh và đọc Nỗi buồn chiến tranh.
Tuy nhiên, Nỗi buồn chiến tranh cũng như nhiều tác phẩm văn học có giá trị khác của Việt Nam đều không dễ dàng xuất bản ở Trung Quốc. “Trước hết, là vấn đề thị trường. Độc giả Trung Quốc hiếm có cơ hội đọc tác phẩm hay của văn học Việt Nam, các NXB sợ sách không bán chạy, vì nghề xuất bản bây giờ đã thị trường hóa, họ muốn kiếm tiền nhưng không muốn thua lỗ. Đó là thực tế không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà khắp thế giới”, Hạ Lộ nói. Chị kể câu chuyện ở nước Mỹ: Một nhà văn Mỹ trước khi xuất bản cuốn tiểu thuyết giành giải thưởng Pulitzer cũng rất chật vật khi xuất bản sách, 13 NXB từ chối làm “bà đỡ” cho “đứa con tinh thần” của ông, đến NXB thứ 14 ông mới nhận được cái gật đầu. Bây giờ khi nhà văn nọ đã trở nên nổi tiếng, 13 NXB từng lắc đầu với ông tỏ ra tiếc nuối. Hạ Lộ so sánh: Nỗi buồn chiến tranh xuất bản ở Trung Quốc tuy không thuận lợi nhưng so với tác phẩm của người Mỹ thì thuận lợi hơn nhiều. Mấy năm trước, Hạ Lộ từng đưa Nỗi buồn chiến tranh tới NXB Tam Liên, một NXB nổi tiếng, nhưng họ không mặn mà. Bây giờ, khi người biên tập từng từ chối Nỗi buồn chiến tranh biết tiểu thuyết này đã được xuất bản và bán tốt, lại hối hận.
Hiện nay, ở Trung Quốc, rất tiện để đặt mua Nỗi buồn chiến tranh ở trên mạng hoặc hiệu sách: “Có nhiều người chỉ một mình mà mua hơn mấy chục bản để làm quà tặng bạn bè. Tôi có bạn tại Canada và Mỹ, cũng nhờ mua sách hộ”, Hạ Lộ khoe. Tiểu thuyết này cũng đã xuất bản ở Đài Loan song dịch giả Hạ Lộ cho rằng: “Sức ảnh hưởng tại Đại Lục Trung Quốc lớn hơn Đài Loan nhiều. Bản dịch Đài Loan dịch từ tiếng Anh, dịch giả và NXB kia cũng không biết đó là văn học Việt Nam, họ tưởng là văn học Mỹ. Thị trường Đài Loan nhỏ, không thể so sánh với thị trường Đại Lục”.
Nhiều nhà văn Trung Quốc học Bảo Ninh
Người đầu tiên khiến cho văn đàn Trung Quốc phải để mắt tới Nỗi buồn chiến tranh, không ai khác chính là nhà văn hàng đầu Trung Quốc Diêm Liên Khoa. Ông đọc bản dịch của Hạ Lộ trước khi xuất bản, sau đó đã dành một bài viết cho tiểu thuyết này với ngợi ca không ngớt: “Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á” ( bản dịch của TS.Bùi Thiên Thai- Viện Văn học). Hạ Lộ tin “đứa con” của Bảo Ninh ngày càng có ảnh hưởng lớn lao ở Trung Quốc. Đã có thêm một số nhà văn nổi tiếng Trung Quốc viết bài về Nỗi buồn chiến tranh: “Nhiều nhà văn, trong đó có đông nhà văn quân đội rất muốn học Nỗi buồn chiến tranh để sáng tác”, dịch giả cho biết. Trong giới nghiên cứu, Hạ Lộ cũng nhận được những phản hồi tích cực: “Nhiều người nói với tôi họ yêu thích và ngạc nhiên Việt Nam có tác phẩm hay như vậy. Có người nói, đã rất lâu không đọc tiểu thuyết, nhưng biết cuốn sách này là sách Việt Nam, họ tò mò, rồi đọc, sau khi đọc xong, thích lắm. Họ không ngờ một tiểu thuyết về đề tài chiến tranh mà viết trữ tình như vậy”.
Theo PGS.TS Hạ Lộ, Nỗi buồn chiến tranh có quá nhiều ưu điểm để hấp dẫn bạn đọc: “Tiểu thuyết vừa vặn, nếu quá dài thì khó đọc, nếu ngắn thì không thể miêu tả hoàn chỉnh nội dung. Tuy viết về đề tài chiến tranh nhưng tác giả không viết nhiều về những trận chiến, mà chủ yếu là ký ức và suy ngẫm về cuộc chiến ấy. Nỗi buồn chiến tranh thực ra là tiểu thuyết tâm lí. Vì mỗi người đều sẽ, đang hoặc đã trải qua tuổi thanh xuân, trải qua đau đớn, cho nên những tình cảm này có thể vượt qua thời gian và không gian”.
NÔNG HỒNG DIỆU - báo Tiền Phong