Với Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về chuyện tình dang dở, anh còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích. Đó là thứ cổ tích đã dần tuyệt chủng trong thời đại của chúng ta
"Hạ đỏ có chàng đến hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?"
Tôi thích hai câu thơ này trích từ bài Tình sầu của Huyền Kiêu mà Nguyễn Nhật Ánh mượn làm lời đề từ của cuốn truyện dài Hạ đỏ.
Thậm chí, nó cũng có thể mượn để làm lời đề từ cho bất cứ cuốn truyện dài nào của anh, đặc biệt về những câu chuyện về đề tài tình đầu, những câu chuyện đọc xong rồi cứ buồn thương vương vấn, về những đứa trẻ cùng lớn lên ở một cái làng quê nghèo xa ngái đâu đó ở miền Trung, của những cậu chàng mới lớn loay hoay ôm ấp mối tình đầu tổn thương của mình, khi cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đem lòng yêu kẻ khác, nên cứ thế ôm một mối tình đơn phương vô vọng...
Thời học cấp 3 tôi mê Nguyễn Nhật Ánh như điếu đổ. Đọc không sót một truyện nào của anh. Rồi bẵng đi chừng 15 năm, tôi mới đọc lại Nguyễn Nhật Ánh và vẫn bồi hồi xúc động như gặp lại người bạn thiếu thời của mình. Hai cuốn gần nhất tôi đọc là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Ngày xưa có một chuyện tình. Cả hai cuốn này, mắt tôi cay xè không biết bao nhiêu lần, và mũi thì bắt đầu nghẹt.
Ngày xưa có một chuyện tình - cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh - vẫn là thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn ngắn, gãy gọn, vẫn là cái vòng tròn mà tác giả tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của mình.
Tôi nghĩ Nguyễn Nhật Ánh là một storyteller (người kể chuyện) có từ trường trong trong giọng kể của mình, khiến anh vẫn giữ được phong độ sau hơn 3 thập niên sáng tác, chinh phục hàng triệu độc giả, dù chỉ với một cái "vòng tròn" quen thuộc.
Điều này xem ra Nguyễn Nhật Ánh khá giống với Haruki Murakami. Họ chỉ viết trong cái "vòng tròn" của họ mà ít khi thoát ra ngoài. Và cho dù ta đã quen thuộc, đã thuộc lòng như cháo chảy cái bối cảnh, các “thuộc tính” của nhân vật, cách hành xử của bọn họ… ta vẫn rưng rưng chào đón họ, như chào đón một người bạn cố tri lâu ngày gặp lại.
Có lẽ sau khi đã đọc, xem rất nhiều thứ phức tạp, những tiếng cười giễu nhại đô thị, những thế giới đen tối và tăm tối của con người, đọc lại Nguyễn Nhật Ánh ta như được uống lại thứ nước giếng trong veo và ngọt lịm mỗi trưa hè đi chơi ngoài nắng về.
Có lẽ đến một độ tuổi nào đó, người ta thích có xu hướng tìm về những thứ giản dị, những thứ đẹp đẽ của khu vườn tuổi thơ, của những suy nghĩ trong lành chưa bị vẫn đục bởi những toan tính, của những cái tốt, sự cao thượng mà không cần hàm ơn.
Ngày xưa có một chuyện tình có lẽ là truyện dài (tôi không hiểu sao tất cả các cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh đều được gọi là “truyện dài” mà không phải là “tiểu thuyết”?) gần nhất với Mắt biếc (in lần đầu năm 1990) - cuốn truyện dài đẹp như một giấc mơ siêu thực, dù nó rất đỗi thực và theo tôi là hay nhất của Nguyễn Nhật Ánh đến giờ phút này.
Những câu văn của Nguyễn Nhật Ánh, đôi khi chỉ cần một câu kết chương thôi, mà gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả: “Con chim xanh, mày về đậu trên vai tao, sao mày không báo trước”. Hay: “Tôi đã ngỡ tình tôi đã tắt, chiều hôm qua tôi thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng”.
Trong Ngày xưa có một chuyện tình, ở phút cuối, anh giáo Ngạn đành phải bỏ ra đi trong đêm tối, từ chối món quà đền bù của số phận dành cho anh ta, bởi anh ta hiểu tình yêu đâu phải là sự đền bù:
“Ngày mai khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”
Tôi gặp lại thứ tình cảm đẹp đẽ, cao thượng và tử tế của Mắt biếc trong Ngày xưa có một chuyện tình.
Ngoài những ngôi làng nghèo ở miền Trung những năm 80, những sự chia tay đột ngột lặp đi lặp lại thường khiến những đứa ở lại hụt hẫng với một trái tim tan vỡ và người đọc thấy xao lòng, ở Ngày xưa có một chuyện tình, ta còn chứng kiến thêm một nỗi buồn, một sự day dứt của trò đánh tráo số phận, khiến 3 kẻ liên đới trong một mối tình tay ba kéo dài hơn một thập kỷ phải vật lộn, phải đấu tranh với nội tâm của chính họ cho thứ tình yêu đẹp đẽ, cao thượng mà họ phụng sự.
Truyện được kể ở 3 góc nhìn, và cả 3 nhân vật cùng thay nhau lên tiếng, để giúp ta hiểu được tiếng lòng của họ, để không kẻ nào bị hàm oan khi được kể lại cuộc đời mình ở giọng của kẻ khác.
Và nghe được cả 3 tiếng nói của bọn họ, ta càng thông cảm được nỗi day dứt của từng kẻ một, nỗi day dứt được sống là mình, với tình yêu và hạnh phúc của chính mình, nhưng đồng thời làm sao để không tổn thương kẻ khác, và cuối cùng, để không xấu hổ khi nhìn thẳng vào mắt nhau để sống tiếp, phải không?
Tôi thích cả những chiêm nghiệm của Nguyễn Nhật Ánh qua nhân vật Vinh về nỗi buồn, về sự ngắn hạn của hạnh phúc, về sự bất ổn của cuộc sống này. "...Nếu con người sống trọn một trăm năm, trừ ra cộng lại một cách chi li thì thời gian thực sự vui vẻ, bình yên, hạnh phúc chắc chỉ gói ghém trong vỏn vẹn một năm. Chín mươi chín năm còn lại được định nghĩa bằng các từ khóa: buồn khổ, toan tính, lo lắng, ưu tư và vô vàn những thứ mệt mỏi khác".
Với Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về một chuyện tình dang dở của những kẻ yêu nhau. Anh còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích.
Đó là thứ cổ tích đã dần dần tuyệt chủng trong thời đại của chúng ta.
LÂM LÊ - TTO
- ĐI SỰ KIỆN- NHẬN QUÀ HAY: KÍ TẶNG SÁCH CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA - 06/21/2017
- CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA - CÔNG BỐ CÁC PHIÊN BẢN VÀ GIÁ BÌA - 06/16/2017
- Ngày xưa có một chuyện tình: đẹp đẽ và cao thượng - 10/26/2016
- MỜI BẠN ĐỌC THAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH KÝ TẶNG CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH - 03/20/2015
- Nguyễn Nhật Ánh xuất hành ra phố sách Ðinh Lễ - 02/27/2015
- KẾT QUẢ CUỘC THI SCRAPBOOK về chủ đề “Nguyễn Nhật Ánh - Nhà văn tôi yêu. - 12/29/2014
- THỂ LỆ CUỘC THI:LÀM SCRAPBOOK về nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH - 10/02/2014