"Một đời như kẻ tìm đường" là quyển sách thứ 3 sau hai quyển "Một đời thương thuyết" và "Một đời quản trị" của Thầy Phan Văn Trường. Nếu ai đã từng yêu mến "Một đời quản trị" và "Một đời thương thuyết" hẳn sẽ yêu thích quyển thứ 3 "Một đời như kẻ tìm đường".

Theo ý chủ quan của mình thì phải có quyển 3 này mời vẹn toàn tròn trịa. Bởi cuộc sống là cái gì đó rộng lớn bao quát hơn cả những thương thuyết đỉnh cao và tinh hoa quản trị. Bởi "Đỉnh cao" và "Vực sâu" vốn luôn cận kề như Âm và Dương. Quyển thứ 3 là bổ sung hoàn hảo để ai cũng có thể tiến lên đỉnh cao an toàn mà không rớt xuống vực sâu. Không những thế còn tìm được cho mình con đường trở về trong hoan hỷ nữa.
Người đọc đủ trải nghiệm sẽ nhận ra một sự thật. Rằng ai cũng tìm đường đến thành công. Nhưng dường như càng tiến gần đến thành công ta lại càng xa dời hạnh phúc. Đến một lúc nào đó ta chợt nhận ra rằng con đường trở về mới là con đường hạnh phúc.
Trở về với điều gì? Trở về với những chân lý của cuộc sống: sự đơn giản, lòng chân thành, sự can trường giữ vững lương tri, đạo đức, thuận theo tự nhiên, thiên tính bẩm sinh vv. ... Tác giả mượn hình ảnh chàng Từ Thức lên được nơi tiên cảnh, nhưng rồi thấy cảnh tiên ăn dài nằm duỗi mới chán làm sao? Để rồi nhận ra chính những giới hạn của trần gian mới khiến ta trân quý những gì ta đang sống.
Như hai quyển trước, bạn đọc sẽ thấy lại giọng văn giản dị, lời kể ấm áp, những triết lý sâu sắc thể hiện qua những trải nghiệm chân thực suốt cuộc đời nghề nghiệp của "anh Phan". Những thăng trầm ở đỉnh cao hoàn vũ và những cuộc gặp gỡ với những tinh hoa đương thời đã giúp tác giả hiểu rõ về xã hội loài người. Là một người thấm đượm triết lý Phương Đông, tác giã cũng thấu triệt lẽ Âm - Dương trong cuộc sống, nghề nghiệp để đạt đến an nhiên tự tại.
2 tựa sách trước MỘT ĐỜI THƯƠNG THUYẾT & MỘT ĐỜI QUẢN TRỊ của GS. Phan Văn Trường (Bìa mới)
Hai quyển trước là những sách về triết lý nghề nghiệp. "Một đời tìm đường" là một quyển về triết lý sống. Triết lý của sự lựa chọn và không được lựa chọn. Triết lý của những quyết định quan trọng trong đời người nhưng không phải do một triết gia viết. Sách triết lý nhưng được viết bởi "một người yêu đời, yêu người, yêu tình thương, yêu tiến bộ và nhất là yêu dân tộc một cách giản dị." Bằng những câu chuyện chân thực tác giả dẫn dắt người đọc đi qua những triết lý sâu sắc để có được cuộc sống thành công và hạnh phúc.
Trong khuôn khổ một bài viết, thật khó có thể lột tả hết những tinh tuý thâm sâu của quyển sách. Mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng tuỳ theo nhân sinh quan, hoàn cảnh, trải nghiệm mình. Dưới đây là những điểm mà mình tâm đắc về tư tưởng chủ đạo của quyển sách: Sự lựa chọn.
Cuộc đời được làm nên bởi những lựa chọn. Dĩ nhiên ai cũng mong có nhiều cơ hội để lựa chọn, từ đó lấy được cho mình những lựa chọn tốt nhất. Chẳng ai thích phải rơi vào tình huống "chỉ có một lựa chọn duy nhất". Cảm giác "được lựa chọn" vốn đã cho ta cảm thấy mình có chút quyền năng. Ấy nhưng không một ai thoát khỏi những phân vân, ưu tư, mệt mỏi của những lần lựa chọn và đôi khi cả những nuối tiếc.
Có một nghịch lý là càng có nhiều lựa chọn người ta càng mệt mỏi trong chọn lựa. Băn khoăn chọn sao cho đúng, chọn sao cho tốt nhất. Chọn trường để học, chọn ngành, chọn việc, chọn công ty, chọn bạn đời, rồi lại chọn trường cho con, chọn vợ, chọn chồng cho "chúng nó".... Khác với người chỉ có 1 lựa chọn dường như lại quá nhàn, chỉ việc phụng sự đấng trên cao, tuân theo số mệnh ... Vì có lựa chọn nào khác đâu?
Vậy là nhìn qua thì kẻ may được thoải mái trong nhiều lựa chọn lại chẳng đi về đâu. Kẻ kém may mắn vì chẳng có lựa chọn nào thì lại thẳng tiến về đích. May và không may. Lựa chọn hay không lựa chọn? Có khi nào chỉ là sự sắp đặt, thử gân cơ mỗi người của đấng trên cao trước khi để chúng ta phụng sự theo ý của Ngài?
Vậy thì có cần quá băn khoăn chọn lựa ngành nghề, trường học không? "Khi cả cuộc đời làm toàn những thứ mình chưa bao giờ được học, phải giải quyết những vấn đề chưa từng xảy ra, phải sáng tạo ra những thứ chưa từng tồn tại...và phải đổi nghề biết bao lần?"
Ở phần này mình nhận được sự đồng cảm sâu sắc. Bản thân mình vốn là dân chuyên toán. Vào đại học thì lại chọn ngành Sư phạm Hoá. Ra trường chưa đi dạy ngày nào thì qua Pháp học ngành khoa học vật liệu. Đến khi học xong tiến sỹ thì làm quản lý dự án xe điện cho hãng Renault. Và bây giờ thì các bạn biết là mình đang đứng bán Bò Bún hàng ngày và quản lý doanh nghiệp nhỏ 13 nhân viên. Khi chọn ngành sư phạm nào mình nghĩ sẽ có ngày mình qua Pháp. Khi qua Pháp nào mình có nghĩ sẽ có ngày lắc chảo, mở nhà hàng, đứng quấn nem, quản lý doanh nghiệp vv? Vậy thì sao phải mệt mỏi đắn đo lựa chọn khi không biết 5-10 năm sau mình sẽ phải làm gì? Cuộc sống sẽ đưa mình đến đâu? Hãy cứ vui và hết mình với mỗi lựa chọn bạn nhỉ?
Vậy chẳng may (hay không may) mình có nhiều lựa chọn thì phải chọn sao cho tốt? Tác giả cho chúng ta ngay lời khuyên chân tình.
"Lựa chọn tất nhiên cần nhiều sáng suốt, nhưng trên hết người lựa chọn phải hiểu rõ thế giới mà mình đang sống và biết rõ CHÍNH MÌNH MUỐN GÌ? Và một mặt khác phải sẵn sàng cáng đáng lấy trách nhiệm trong mỗi lựa chọn của mình. Nói cách khác, mình chỉ tìm ra hướng đi đúng đắn và phù hợp cho bản thân nếu thấu hiểu rõ bản năng, bản ngã và cả tiềm thức của chình mình, cùng một tinh thần luôn sẵn sàng đối mặt với những hệ quả tốt và xấu từ sự lựa chọn ấy."
Đọc sách bạn cũng sẽ thấy rằng mỗi lựa chọn là một cuộc "so tài" giữa lý trí và linh tính, lương tri. Đôi khi pha cả chút tự ái và bản ngã. Lý trí giúp chúng ta tính toán đúng - sai, được - mất, hơn - thua vv nhưng chưa bao giờ giúp chúng ta giành chiến thắng khi phải lựa chọn an lành, bền vững lúc khẩn trương.
Tổng kết khi về đích, bạn sẽ thấy "bên thắng cuộc" luôn là một con tim hồn nhiên và vô tư chứ không phải là bộ óc biết tính toán tinh vi đâu bạn ạ.
Chúc bạn an vui với những lựa chọn hoặc không được lựa chọn trên mỗi bước đi.
Bài viết: Phan Viết Phong