Trong Đà Lạt, bên dưới sương mù, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã trích dẫn một câu của Lászlo Krasznahorkai ở ngay phần tựa: "Ngày mai? Ngày mai nghĩa là thế nào?".
Cảm tưởng như chừng nào chưa thể trả lời câu hỏi này, thì chừng ấy Nguyễn Vĩnh Nguyên vẫn sẽ tiếp tục viết về quá khứ, về cái đã từng, về cái hôm qua, mà tất cả những cái đó đều tựu thành Đà Lạt, nơi mà khẳng định đã "loay hoay mãi mà không thoát được khỏi". Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ lại là một cuộc "loay hoay" như thế.
Bạn sẽ hỏi rằng còn gì để kể nữa ư, sau biết bao điều đã được kể ra trong bốn cuốn sách đủ thể loại trước đây mà anh đã thảo về Đà Lạt. Nhưng hãy tưởng tượng thế này, Woody Allen từng viết về New York: "Gã yêu New York. Thần tượng hóa nó quá mức.
À không, phải là gã lãng mạn hóa nó quá mức. Với gã, bất kể mùa nào, đây vẫn là thành phố tồn tại trong hai màu đen trắng...". Thay từ New York thành Đà Lạt, và bạn có Nguyễn Vĩnh Nguyên. Với một người như vậy, không bao giờ thiếu chuyện để kể ra.
Câu chuyện lần này, như tên gọi cuốn sách đã nói lên hết, là về những cuộc gặp gỡ. Nghe giản dị nhưng nghĩ kỹ thì lạ kỳ. Bởi ta thường nghĩ về Đà Lạt như một thành phố nơi ta thu mình vào trong, nơi khói sương phủ mờ khiến ngay cả chính mình cũng lẫn vào sự vô hình vô ảnh, vậy còn thấy ai được nữa.
Nhưng không, Đà Lạt trong cuộc khảo cứu lần này lại hiện ra là không gian để những khác biệt gặp gỡ. Sự khởi sinh của thành phố là từ một sự gặp gỡ giữa hai người Pháp với cá tính, tham vọng chẳng giống nhau.
Còn vẻ lãng mạn của thành phố chẳng phải cũng được gom góp từ những mối tình một lần gặp gỡ đã thành thiên thu, như giữa Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, giữa Ngô Viết Thụ và Võ Thị Cơ. Rồi còn biết bao cuộc gặp gỡ lạ kỳ khác.
Một điều người ta không mong đợi trong một cuốn sách biên khảo, và thật ra cũng không cần thiết phải có trong một cuốn sách biên khảo, nhưng ở cuốn sách này nó vẫn có, như một cánh cổng bí mật trong một tòa lâu đài.
Bản thân tòa lâu đài đã đủ chốn để tham quan, nhưng nếu ai đó có thể mở được cánh cổng kia sẽ được dẫn vào một hầm sâu hun hút khác. Nó chính là nhạc tính.
Những bài viết trong Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ được tác giả của chúng xếp đặt như xếp đặt những track nhạc trong một album.
Sau một "track nhạc" đầy tính hiện thực về những người nông dân đầu tiên là một đoản khúc mơ màng thần tiên giữa một vị vua trẻ lãng mạn và nàng tiểu thư ôn nhu xinh đẹp.
Hay nối liền ngay sau một "bản nhạc" dìu dặt như giữa chốn thiên thai về hai hồn thơ lãng đãng là một hành khúc dồn dập về cuộc đàm thoại giữa những nhà chính trị.
Nhưng nhạc tính không chỉ len lỏi trong cấu trúc của cuốn sách, mà đôi khi nó được gieo vào chính câu từ. Một bài viết có lẽ là hay nhất trong cuốn sách này - "Thiết lộ thời quá vãng", gần như đã làm lu mờ lằn ranh giữa một biên khảo, một giai phẩm văn chương và một bản sonate ba chương, trong đó tác giả hình dung lại một chuyến du ngoạn lên Đà Lạt bằng đường hỏa xa vào quãng 70 năm trước, và chuyển động của đoàn tàu hòa lẫn với khung cảnh bên ngoài cửa sổ như một nhạc khúc khi tình tự, khi dữ dội, khi tăng tốc, khi chậm rãi.
Lászlo Krasznahorkai cũng đã viết: "Điều đó trôi đi, nhưng nó không trôi qua". Đọc một bản văn như "Thiết lộ thời quá vãng", ta thoáng hiểu được một phần lý do đã khiến Nguyễn Vĩnh Nguyên cứ mãi mày mò với Đà Lạt, mà chính xác hơn với "một Đà Lạt từng là, không phải Đà Lạt đang là".
Hẳn là bởi những câu chuyện, những con người, những sự kiện mà tuy về mặt lý tính đã thuộc về quá khứ, nhưng theo cách hiểu nào đó, chúng chỉ trôi đi chứ không trôi qua. Và sẽ không trôi qua.
HIỀN TRANG/Tuổi Trẻ Online