Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

ĐỌC TRƯƠNG VĨNH KÝ - KÝ ỨC LỊCH SỬ VỀ SÀI GÒN VÀ CÁC VÙNG PHỤ CẬN
Update Date: 11/02/2022

Sách Ký ức lịch sử về sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích của NXB.Trẻ vừa ra mắt vào quý III năm 2022. Thông qua bài diễn thuyết của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lược dịch, chú thích) và dự án quy hoạch thành phố Sài Gòn của Trung tá công binh Coffyn, bạn đọc sẽ có thêm một nguồn tư liệu quý về quá trình hình thành, phát triển vùng đất Sài Gòn xưa.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898) sinh năm 1837 tại làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Lúc nhỏ ông có tên là Trương Chánh Ký, sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, hiệu là Sĩ Tải. Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực. Trương Vĩnh Ký để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển, dịch thuật,…

Sách gồm hai phần chính: phần đầu là bài diễn thuyết của Trương Vĩnh Ký (do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dịch, chú thích) mang tên “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận”, phần sau là tư liệu và bản đồ của trung tá Coffyn với nhan dề Saigon ville de 500.000 âmes (Sài Gòn thành phố 500.000 dân).

Ở phần đầu, sách miêu tả diện mạo Sài Gòn từ nguồn gốc tên gọi cho đến tiến trình lịch sử thành phố từ thời trước Gia Long cho đến thời Gia Long, Minh Mạng,…; việc xây dựng thành cũ ở Sài Gòn. Ở cuối có thêm phần chú thích phác hoạ về chân dung của Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây đều là những thông tin quý giá về nhân vật.

Ở phần sau của sách là dự án của trung tá Coffin năm 1862 về việc quy hoạch thành phố Sài Gòn buổi đầu. Về mục đích của phần này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có đề cập trong lời tựa: “Trương Vĩnh Ký nói về quá khứ Sài Gòn. Còn Coffyn nói về tương lai Sài Gòn. Như vậy giúp ta nhận thức về Sài Gòn có trước có sau vậy”. Dự án của trung tá Coffin chủ yếu đề cập đến việc phát triển thành phố từ cơ sở hạ tầng, việc phân lô đất, định hướng quy hoạch tầm nhìn thành phố 500.000 dân cho đến cả khía cạnh quân sự.

Ngoài phần lược dịch và chú thích công phu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, sách còn in kèm bản gốc tiếng Pháp cả hai văn bản trên.

Sách cũng bao gồm những bản đồ và hình ảnh quý in kèm như:

  •  Bản đồ Sài Gòn 1795 do Bran hoạ. NĐĐ ghi thêm địa danh xưa và nay.
  •  Sơ đồ thành Qui – Bát Quái xây năm 1790.
  •  Sơ đồ thành Phụng – Gia Định xây năm 1836, Pháp phá năm 1859.
  •  Bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn do Bigrel vẽ năm 1873, đồng thời với bài Ký ức lịch sử của Trương Vĩnh Ký.
  •  15 quận Nội thành ghi trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815.
  •  Cảnh đường Đồng Khởi khi Tây mới tới.
  •  Cảnh cảng Bến Nghé và đầu đường Kinh Lấp (Nguyễn Huệ) hồi Pháp mới xâm lăng.

Không chỉ cuốn hút với đối tượng bạn đọc mảng văn hoá – khảo cứu, sách cũng sẽ là một ấn phẩm đặc biệt với những ai yêu mến vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

 

MINH KHÔI

Other News