Với văn phong hóm hỉnh, tinh tế, tác giả Nguyễn Khắc Cường đem đến câu chuyện ý nghĩa, kết nối giữa quá khứ và hiện tại trong cuốn sách mới Nụ hôn dưới vòm cây.
Tôi thấy mình trong sách Nụ hôn dưới vòm cây
1. Đọc cuốn sách Nụ hôn dưới vòm cây của anh Nguyễn Khắc Cường (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) vừa ra mắt, tôi bắt gặp hình ảnh của mình trong nhân vật Sương Mai.
Cũng như cô bé phóng viên tập sự tuổi teen ấy, tôi bắt đầu tập tành viết báo, cộng tác với Mực Tím khi còn đang học cấp 3.
Những bài viết đầu tiên của tôi chủ yếu xoay quanh bạn bè, thầy cô, trường lớp... Tranh thủ cuối tuần được nghỉ, tôi thường đạp xe lên tòa soạn 12 Phạm Ngọc Thạch để báo cáo đề tài, học hỏi kinh nghiệm.
Dù bài viết của tôi dài hay ngắn, ít hay nhiều hình ảnh thì hầu như đều nhận được "lời phê" giống nhận xét của anh phóng viên Hải Đường trong truyện Nụ hôn dưới vòm cây:
"...chưa có chiều sâu, diễn đạt còn vụng về, nhưng các bạn có nhiều thông tin hay, giọng văn tươi mới, rất phù hợp với bạn đọc cùng tuổi. Nhà báo teen viết cho độc giả teen, còn gì thú vị bằng".
Nhờ sự động viên, hướng dẫn, hỗ trợ của các anh chị phóng viên mà tên tôi được xuất hiện trên báo ngày càng nhiều.
Lúc cầm tờ báo có bài viết của mình, tôi vui sướng đến mức nhảy tưng tưng xoay tròn y hệt Sương Mai và không khỏi mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy con số nhuận bút mình được lãnh.
Với học trò, kiếm được "xiền" để khao bạn bè uống trà sữa, ăn bánh tráng mà không cần xin ba mẹ là "oách xà lách" lắm!
2. Ngoài lãnh nhuận bút rủng rỉnh, được trở thành "người nổi tiếng", việc cộng tác với báo còn cho tôi cơ hội quan sát, khám phá những điều thú vị trong cuộc sống bình thường ít để ý đến. Có khi đề tài nằm lù lù trong... nhà mà mình không hay.
Sương Mai cũng bất ngờ khi được anh phóng viên Hải Đường giao viết một bài về bà Huỳnh Mai - người hay xin vô nhà lượm bông sứ rồi "dụ dỗ" ông nội đi chùa, tập dưỡng sinh mỗi sáng sớm.
Qua việc phỏng vấn để viết bài với sự giúp sức của anh Hải Đường, Sương Mai mới biết ông nội mình cùng bà Huỳnh Mai, bà Năm Thường (bà ngoại của Hải Đường) là đồng đội, năm xưa cùng chung Lực lượng Võ trang Biệt động Sài Gòn.
Như bao lứa học sinh sinh viên thập niên 60 của thế kỷ trước, họ đã xuống đường biểu tình, đấu tranh chống quân thù.
Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, Hải Đường và Sương Mai đã "không thể hình dung nổi những con đường, con hẻm trong lòng thành phố mình qua lại mỗi ngày lại từng có những cuộc rượt đuổi, nồng mùi thuốc súng, cảnh đốt xe, bắt bớ, đánh đập và hy sinh. Những cuộc chiến không cân sức chút nào".
Tôi cũng có cảm xúc tương tự mỗi khi viết bài về người chiến sĩ cách mạng và luôn cảm phục thế hệ cha ông mình trong thời chiến.
Dù "không ai bắt phải mạo hiểm với súng đạn, nhưng họ vẫn bước xuống đường, vẫn hành động vì sự thôi thúc trong trái tim tuổi trẻ".
Chính vì thế mà "bất cứ người trẻ nào cũng nên tìm kiếm, nghe kể những câu chuyện về lớp cha ông, để biết quý trọng không khí hòa bình mỗi ngày mình hít thở. Và đừng vô cảm với hồn cốt phố phường".
Người trẻ thời nào cũng có tình yêu
3. Bên cạnh tình yêu quê hương, đất nước, trong trái tim của người trẻ còn có những khoảnh khắc rung động rất đáng yêu.
Ở trong thời chiến, đó là sự gắn kết của bà Huỳnh Mai và ông Tú (ông nội của Sương Mai) khi cả hai cùng vào sinh ra tử, cùng nắm tay nhau vụt chạy trong cuộc truy đuổi của cảnh sát, cùng ước mơ chung về ngày thống nhất...
Còn trong thời bình, đó là mối tình "trà sữa" tạo động lực để mỗi người cố gắng thay đổi bản thân trở nên tốt hơn.
Như cậu bạn Bé Ù trong truyện Nụ hôn dưới vòm cây, nhờ lời tư vấn của "chuyên gia tâm lý" trên báo Teen mà đã thay đổi, trở nên dạn dĩ hơn, không còn lọng cọng, luống cuống nữa.
Thậm chí, cậu còn bày ra "kế hoạch bánh tráng trộn", sẵn sàng nhảy khiêu vũ trước toàn trường, đăng ký đường chạy 5km... để "cưa đổ" crush.
Còn Sương Mai thì đã học được "cách buông mình của hạt sương, nó biết từ chối vẻ long lanh để hiểu được nỗi thẳm sâu của lòng đất" theo lời của anh Hải Đường.
Để khi nhìn thấy ông Tú lưng hơi còng, tóc bạc phơ, nắm tay bà Huỳnh Mai chầm chậm tiến ra cửa được ống kính quay từ phía sau, cô bạn đã không còn hậm hực như trước kia, mà càng trở nên quý bà Huỳnh Mai nhiều hơn.
4. Dựa trên một số tư liệu lịch sử được tham khảo từ quyển Đội thanh niên cận vệ Sài Gòn (NXB Trẻ, năm 2012), anh Khắc Cường đã rất tài tình viết nên một câu chuyện thú vị đan xen giữa hiện tại và quá khứ mang tên Nụ hôn dưới vòm cây.
Đồng thời kết nối chúng thành một mạch truyện nhịp nhàng xuyên suốt cuốn sách bằng giọng văn hóm hỉnh, tươi sáng và tinh tế, chứa đựng nhiều tình huống bất ngờ khiến độc giả bị cuốn theo, không dứt ra được.
Ở tay gấp bìa 1, anh chia sẻ về ý tưởng sáng tác truyện: "Nhiều năm trước, tôi đã đọc đâu đó câu ngạn ngữ này Nếu không có hạt sương rơi, thì hoa hải đường sẽ không tự nở được.
Cặp quan hệ từ "Nếu... thì..." hay gợi cho tôi những suy ngẫm. Hải Đường và Hạt Sương trong veo từ trong ký ức đã bước vào trang sách, trở thành hai phóng viên trẻ, giúp tôi thực hiện một ý tưởng: kể lại câu chuyện của những người anh hùng bằng ngòi bút văn học".
THEO BÁO MỰC TÍM