Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Bơi trong biển sách coi chừng lạc bến bờ
Update Date: 04/20/2021

Trong chuỗi hoạt động khuyến đọc nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4 năm nay, tọa đàm ‘Sách và tôi’ tổ chức sáng 20-4 gợi mở để bạn đọc tìm được “tri thức cần và hướng đi đúng” trong thị trường bạt ngàn sách hiện nay.

Cùng với hai diễn giả là GS Phan Văn Trường và tác giả Nguyễn Phi Vân, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đưa ra con số cho thấy chúng ta hiện đang có nhiều sách: mỗi năm cả nước có 37.000 đầu sách mới, trong khi năng lực đọc trung bình mỗi người chỉ khoảng 12 đầu sách/ năm.

Sách mở ra cánh cửa tự do, nhưng...

GS Phan Văn Trường bộc bạch rằng cuộc đời ông chắc chắn đã khác đi rất nhiều theo hướng xấu hơn nếu không có sách. Và từ những trang sách đọc hồi lên 8 tuổi, đến nay, vị giáo sư khả kính rút ra rằng: Sách cho mình 2 thứ không thể tìm ở đâu khác được, đó là tự do và sự vĩnh hằng. Cả hai món này đều không mua được. 

"Người ta luôn tìm sự vĩnh hằng và tự do. Chỉ có qua trang sách, óc tưởng tượng mới được bay nhảy, một người mới sống được nhiều kiếp khác nhau, thực hiện nhiều chuyến phiêu lưu khác nhau... trong khi đời mình chỉ có một", giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Phi Vân kể câu chuyện mới diễn ra cách đây hai ngày tại một ngôi trường tiểu học ở Đơn Dương (Lâm Đồng): Các em học sinh được nghe nói chuyện về sách, các em cùng bày tỏ yêu thích chú mèo máy Doreamon, lý do vì Doreamon có nhiều bảo bối, có cánh cửa diệu kỳ. 

Từ chi tiết cánh cửa diệu kỳ ấy, chị Vân đã hỏi các bé rằng nếu bây giờ có một cánh cửa như vậy mở ra, các con sẽ đi đâu? Các bé hào hứng nói con sẽ đi chỗ này chỗ kia, đi du lịch, đi thăm các thành phố nổi tiếng... Có một bé nói con sẽ đi Bắc Cực, vì con muốn trò chuyện với những chú chim cánh cụt. "Đây chính là sự tự do và vĩnh hằng từ sách mà thầy Trường đề cập", chị Phi Vân chia sẻ.

"Những người thành công đều không thiếu sách trên hành trình của họ", tác giả Phi Vân nói thêm, "cho nên sách sẽ giúp mình đạt được mục tiêu cuộc đời mà ban đầu mình chỉ mới vạch ra thôi, thực hiện nó phải cần đến sách".

Rất dễ lầm lạc

Buổi tọa đàm được "nới" thêm thời gian bởi có nhiều bạn đọc đến và mang theo những vấn đề thiết thực xung quanh việc đọc sách.

Một cụ ông đầu bạc đặt vấn đề giữa sách giấy và Internet thì hiện nay nên đọc cái nào và việc đó khác nhau ra sao? Vấn đề những tưởng đơn giản nhưng cắt nghĩa cho đông đảo bạn đọc lại khiến các diễn giả phân vân.

Nhưng nhờ đó mà GS Phan Văn Trường nhận ra một vấn đề quan trọng từ sách mà bản thân ông tìm được, đó là sách cho ta thấy cái gốc của vấn đề. Và một trong những cái gốc quan trọng ông đang tìm hiểu là giới hạn của con người. 

"Trong nhiều lĩnh vực, nhân loại vẫn chưa biết giới hạn của con người ở đâu cả, các kỷ lục luôn bị phá, và chính vì không có giới hạn mới tạo ra động lực cho đời sống con người", ông Trường nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng lưu ý các sách uy tín được viết bởi những tác giả có trách nhiệm với xã hội, và thực trạng internet không kiểm soát được nguồn nào đáng tin cậy hay không rất dễ khiến người đọc ngộ độc.

Ông Lê Hoàng thừa nhận tình cảnh chúng ta hiện nay như bơi giữa biển sách bao la, nếu không có cách sẽ lạc và có khi không tới được bờ. Ngoài việc tìm đọc những quyển ta thực sự quan tâm và đang cần, ông Hoàng chia sẻ nếu muốn tránh đọc phải sách vô bổ thì nên chọn tác giả uy tín, và nhà xuất bản uy tín. 

Rồi từ những góc nhìn khác nhau, có thể đọc nhóm và thảo luận, người đọc sẽ tự rút ra bài học và cả phản biện lại sách. Muốn vậy, mình phải có nội lực, bởi tùy vào nội lực mình đến đâu, sẽ thấy quyển sách ấy hay đến đâu.

LAM ĐIỀN/Tuổi Trẻ Online

Other News