Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

THÔNG CÁO BÁO CHÍ - HONG TAY KHÓI LẠNH - NGUYỄN NGỌC TƯ


     
    Hong tay khói lạnh là tập tản văn 176 trang, gồm hai phần. Phần 1 mang tên “Giả tưởng sau tận thế” gồm 7 bài, phần 2 mang tên “Hong tay khói lạnh” gồm 21 bài. Ra đời khi nhân loại vừa trải qua một năm đầy biến động bởi đại dịch Covid 19, tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh tâm thái và thân phận con người, đặt trong bối cảnh hậu tận thế.
    “Nhận ra vẻ đẹp của những khoảng trống mê hồn, mình có thể ướm vào nó bằng nhiều thứ khác nhau. Tương tự như với khoảng mờ, nếp gấp, mình hay đoán coi đằng sau nó là gì, bao nhiêu thì vừa, có đáy không. Phải không, khi ấy đã có linh cảm khoảng trống là cánh cửa cho mình lách qua, bước vào một thế giới khác, và kể lại với bất kỳ ai chịu dừng lại để nghe?”
     
    Độc lập nhưng lại kết nối với nhau bởi nơi chốn giả lập và chủ điểm về nỗi cô độc trong tinh thần, các câu chuyện trong Hong tay khói lạnh, một lần nữa, lại cho thấy tài năng, sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng cảm hiếm có của Nguyễn Ngọc Tư trước tâm trạng chung của con người giữa những biến động lớn của đời sống.
     
    Một số trích đoạn:
    "Con tàu xa hoa khiến người ta chếnh choáng. Nhiều kẻ đã quên ngoái lại nhìn đất quê." 
    "Nếu thế giới ngoài kia tình cờ cùng nhau im vắng, nếu mình mệt quá cứ kệ đi không thiết kháng cự gì nữa, có phải bạn chẳng bao giờ thức dậy nữa không?"
    "Mình phải dậy. Mình phải dậy. Đâu thể ngủ hoài. Chỉ người chết mới ngủ mãi. Ai đó phải lay mình chứ."
    Tham khảo từ sách:
    Tản văn “Đồ chơi của thời tiết”:
    Những ngã ba, ngã tư đường trở thành sân khấu rối nước. Không thủy đình, nhưng chỉ cần nước đầy là đủ cho một cuộc chơi. Người xe băng qua sân khấu ấy biểu cảm và động tác thẳng căng, khớp nối chừng như còn cứng. Chừng như ai đó đang điều khiển những chao lắc, lảo đảo, những cú té ngã bồng bềnh bằng những sợi dây vô hình. Cảm giác kẻ đang giật dây là trẻ con tập chơi, không phải là nghệ nhân thực thụ. Tụi nhỏ nọ đang nén cười ở đâu đó. Bất giác bạn nhìn quanh, rồi ngước mặt ngó trời.
    Tháng Mười, cả thành phố bị nhấn chìm trong mưa áp thấp và nước triều. Ngày hai lượt ra đường, người dần nặng trịch, bao che chắn vô nghĩa bởi nước từ chân ngấm ngược lên đỉnh đầu. Bỗng tin mình là con rối cũ bị tróc sơn, lâu ngày thấm nước, sắp chìm. Chỉ còn chút bề mặt nổi trôi, mọi cử động trì trệ, không linh hoạt nữa.
    Cũng không phải lần đầu bạn nghĩ mình là món đồ chơi của thời tiết. Những xế trưa thức giấc, nằm nán trên giường, nhìn nắng vàng bên kia cửa sổ, tin mình sẽ chết vào buổi nắng kiểu này, một ngày nào đó. Thời điểm của cái chết sáng rõ thêm một chút, bớt bí ẩn đi một chút. Chỉ nỗi hoang vu thì khó hiểu, sao nó lại ở đó, sao nó lại đầy lên bởi nắng xế ngoài kia, sao càng chống trả nó càng dày?
    Sao không phải mưa mà là nắng? Mưa mới ảo não, như với nhiều người. Họ nói rầu hết sức những ngày mưa dầm, nhìn đâu cũng một màn trắng xóa. Mưa giam chân người ta vào những không gian kín mụ mị, những mối quan hệ gia đình không thể nói là không nhạt nhẽo. Hơi nước ngự trị mọi nơi, đụng vào tay ghế cũng lạnh. Ai đó ho. Ai đó cáu bẳn. Mưa là cái cớ cho buồn bực vẩn lên trong gian đầu. Một bản tin dự báo áp thấp gần bờ gắn liền với bao thở dài, nhưng không phải không có người phấn khích. Đứa em có thể ngủ vùi, ngày này qua ngày khác, ngủ đến sưng bọng mắt, đến người nhà phải sờ trán thăm chừng coi thể xác kia còn ấm không. Em chỉ thức khi nào nắng hửng lên trở lại. Chắc tui bị bùa mưa, em nói. Nhưng ai đã bỏ bùa mình, thì em không biết.
    Và ai gieo cơn ngây ngất vào người miền sông khi gió chướng bắt đầu le lói, báo hiệu cả một vùng đồng bằng rộng lớn sắp trở thành lãnh thổ của nó, một khi đã đủ mạnh thổi dạt gió Nam đi. Cuộc giành ngọn năm nào cũng đánh thức nhiều đứa trẻ quê giữa khuya, tỉnh giấc chúng đã không còn thấy mái nhà của mình, và mưa thì từng nắm ném lên nóc mùng. Những tấm tôn đã bị giông giật ném ra vườn. Nhìn rõ là tai ương, nhưng người châu thổ vẫn không thể căm ghét gió chướng đầu mùa, vẫn tê mê khi nó quay lại. Như thể từng tế bào trong họ ly khai, tự chúng hân hoan với cơn gió được lưu giữ trong hồi ức. Có người không thiết làm gì, không tập trung vào đâu được, đứng ngồi thất lạc. Có người lại muốn văng mình ra đường, đi đâu cũng được, miễn là đi, “gió này mà ở nhà thà chết còn sướng hơn”. Ai biết được ngọn gió phóng túng đã làm chi con người này.
    Tháng Mười, những tin nhắn từ người bạn vong niên thớt thưa đi. Nơi chốn đó đang dè sẻn những ngày thu cuối cùng. Mùa đông phà hơi lạnh ngay sau gáy. Thời điểm ấy cho tới tháng Ba năm sau, chứng trầm cảm theo mùa sẽ nhốt bà trong cái lồng ám tối, giữ bà cho riêng nó. Melatonin nhân mặt trời vắng mặt, đã sinh sôi trong những tế bào bà, ám đen như bồ hóng. Mọi nỗ lực kéo bà ra khỏi buồn rầu là không thể, bạn chẳng làm được gì khi cố kết nối với một cái điện thoại đã tắt nguồn. Nhưng bao giờ cũng vậy, bà sẽ quay trở lại vào một ngày rực rỡ, băng tan dưới chân những cây táo sau vườn. “Nay làm dưa chuột ngâm tương”, tin nhắn thản nhiên nối lại thế giới, như chưa từng đứt quãng.
    Không có ngoại lệ nào, bạn tin vậy. Kẻ giàu có, thông minh không có nghĩa nằm ngoài sự tác động của thời tiết. Chỉ là món đồ chơi trông đắt đỏ sang trọng hơn, được chạy một phần mềm điều khiển hoàn hảo hơn. Có ái kỷ, tự tôn đến đâu cũng không chối được một khối băng tan ở chỗ xa xôi nào đó cũng đe dọa được mình. Chẳng nơi chốn nào cho bạn thoát khỏi chuỗi nắng mưa ngày càng nghiệt ngã. Chúng chán những món đồ chơi bé nhỏ này rồi sao mà dìm cho ướt mèm trong lũ, quăng quật xác xơ giữa bão, hoặc bỏ mặc cho héo lả bên những trận cháy rừng?
    Thành phố vẫn đang chìm xuống, người ta chỉ giả vờ quên đi sau khi những con đường, những ngã tư được đắp cao lên. Nhưng nước vẫn âm thầm đuổi theo. Những con rối khô mình thoáng chốc, rồi sẽ ướt ngoi trở lại. Tụi nhỏ vô hình đó vẫn chưa xong buổi tập, chúng chỉ nghỉ tay một chút. Trong lúc đó, bạn ngắm kỹ mình, nhìn vào những đốm đồi mồi, những mạch máu xanh ẩn hiện dưới da, những nếp nhăn li ti, nốt ruồi son, khen họ sơn mình sao mà sống động đến từng chi tiết nhỏ vậy.
     
    Thông tin về tác giả Nguyễn Ngọc Tư:
    Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có sức viết bền bỉ, sáng tạo, và được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc. Chị cũng đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị trong và ngoài nước. Gần đây nhất là giải thưởng LiBeraturpreis của Đức do Hội Văn hóa Litprom thành lập, với sự hỗ trợ của Hội sách Frankfurt. Nguyễn Ngọc Tư thắng giải (3.000 euro) với tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận (ấn bản tiếng Đức tên là Endlose Felder, Günter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch).
    Giải thưởng này ghi thêm một dấu ấn cho Cánh đồng bất tận kể từ khi tác phẩm này ra đời, gây xôn xao văn đàn thời gian dài. Ấn bản Việt Nam của tập truyện này do NXB Trẻ ấn hành nay đã bán được trên 150.000 bản.
    Trong năm 2021, NXB Trẻ đã giới thiệu phiên bản đặc biệt tác phẩm Cánh đồng bất tận ((gồm 2 truyện vừa là Cánh đồng bất tận và Đất), khổ lớn, bìa cứng, có các tranh minh họa màu được vẽ mới và tái ký tác quyền với tác giả Nguyễn Ngọc Tư 6 tựa sách: Cánh đồng bất tận, Gáy người thì lạnh, Giao thừa, Khói trời lộng lẫy, Sông, Yêu người ngóng núi.
    Những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đã in tại Nhà xuất bản Trẻ:
    Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Đảo, Yêu người ngóng núi, Gió lẻ và những câu chuyện khác, Sông, Khói trời lộng lẫy, Gáy người thì lạnh, Hành lý hư vô, Giao thừa, Đong tấm lòng, Hong tay khói lạnh… 

Send your comment