Cập nhật ngày: 08/09/2020
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ' của Nguyễn Nhật Ánh đến Nhật

Vậy là sau tiếng Thái Lan (năm 2011), Hàn Quốc (2013), Mỹ (2014), nay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ lại ra mắt trong tiếng Nhật, do hai dịch giả Kato Sakae và Itoh Hiromi chuyển ngữ, NXB Nikkei vừa phát hành. Bản tiếng Nhật này còn có thêm Đi qua hoa cúc của Nguyễn Nhật Ánh, 2 tác phẩm in chung 1 cuốn.

Riêng trong tiếng Nhật, Nguyễn Nhật Ánh còn có Mắt biếc (2004) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2017). Tại Việt Nam, Đi qua hoa cúc đã tái bản gần 30 lần, với hơn 100.000 bản in, còn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã tái bản gần 70 lần, hơn 420.000 bản in.

Từ tìm đường về tuổi thơ…

“Chỉ đọc 2 nhan đề của tác phẩm thôi, các bạn cũng có thể hình dung ra cảm xúc của tôi. Đó là nỗi ám ảnh tuổi thơ. Tôi nghĩ bất cứ ai trong chúng ta, các bạn và tôi, đều có những kỷ niệm đẹp về quãng đời tuổi nhỏ - là quãng đời mà thời gian đã lấy đi của chúng ta và sẽ không bao giờ trả lại” - trong Lời thưa cùng độc giả Nhật Bản, Nguyễn Nhật Ánh viết.

Tác giả tiếp tục: “Vì vậy, viết về tuổi thơ là cách duy nhất để tôi trục vớt những kỷ niệm đã chìm sâu dưới đáy thời gian, tái hiện lại những ngày tháng tươi đẹp đó và bày chúng trên trang sách như bày ra một thứ bánh ngon để hương vị quyến rũ của chúng mãi mãi ở lại với chúng ta. Cũng có thể chính tuổi thơ đã mượn tay tôi để làm tất cả những chuyện này”.

Với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đó là chuyện của Mùi, một cậu bé 8 tuổi, nhưng sớm nhận ra cuộc sống thật tẻ nhạt, nên muốn cùng nhóm bạn phá vỡ sự tẻ nhạt đó. Thế rồi cu Mùi đã thành ông Mùi, càng thấy cuộc sống tẻ nhạt hơn, nên muốn bước lên chuyến tàu về tuổi thơ để tìm lại những gì đã mất.

Với Đi qua hoa cúc, được xem là phần 2 của Mắt biếc, dành tặng Hà Lan, kể về mối tình đơn phương đẹp và dễ tàn úa như đóa hoa cúc của cậu bé Trường với chị Ngà. Nhiều năm sau, trên chuyến tàu trở về quê, Trường vô tình gặp lại chị Ngà, chợt nhận ra mối tình đơn phương say đắm đã biến mất tự bao giờ. Họ muốn có lại tình yêu đắm say và trong trắng ư, hãy tìm đường trở về tuổi ấu thời.

Có thể mượn lời nhà thơ Takatsuki Fumiko (Nhật Bản) khi đọc Mắt biếc để nói về phần lớn tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, trong đó có 2 cuốn vừa dịch. Đó là: “Giọng văn rất hay và nhẹ nhàng. Câu chuyện tình cảm trong sáng. Sau khi đọc truyện này, tôi bỗng muốn đi Việt Nam”.

... Đến rung chuông trước cửa sổ tâm hồn

Trong diễn từ đọc tại lễ nhận giải văn học ASEAN ở Thái Lan năm 2010, Nguyễn Nhật Ánh viết: “Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương”.

Chú thích ảnh
Đọc từ bìa 4 bản dịch là cuốn “Đi qua hoa cúc”

Còn với PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân thì: “Tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đông người đọc, tất phải chứa đựng một giá trị độc đáo nào? Tôi nghĩ trước hết là thái độ vào cuộc của anh, điều không phải nhà văn viết cho thiếu nhi nào cũng có được. Trong cuộc chơi mê mải tưởng như bất tận của tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh hòa vào, say mê, hào hứng. Một khi khoảng cách đã được khắc phục thì mọi sự dễ dàng hơn nhiều: Nguyễn Nhật Ánh chìa bàn tay ra, các em hân hoan và tin cậy nắm lấy, hăm hở đi vào sân-chơi-tiểu-thuyết Nguyễn Nhật Ánh, như là đi vào điểm hẹn quen thuộc của mình. Vào cuộc, nghĩa là Nguyễn Nhật Ánh nắm rõ luật chơi, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy ước tự nhiên giữa những người trẻ tuổi: Nồng nhiệt, vô tư, chân thành, bình đẳng. Anh đã nói cái ngôn ngữ họ nói, đã nghĩ những gì họ nghĩ và đã thấy những gì họ nhìn thấy”.

Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại làng Đo Đo (tỉnh Quảng Nam), mê đọc sách và thích viết thơ từ nhỏ. Đến năm 13 tuổi thì có thơ in báo, tác phẩm đầu tiên là một tập thơ, có tên Thành phố tháng Tư, xuất bản năm 1984, in chung với Lê Thị Kim. Hơn 35 năm cầm bút, Nguyễn Nhật Ánh gần như viết mỗi ngày, đã xuất bản hơn 100 đầu sách, phần lớn là truyện dài và tiểu thuyết. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn là một nhà báo có năng suất bài vở rất cao, giữ vài chuyên mục cố định trong rất nhiều năm.

Văn Bảy/ Thể Thao văn Hóa