Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Vương Hồng Sển vẫn quyến rũ về chuyện địa danh và lịch sử Nam Kỳ
Cập nhật ngày: 12/03/2020

Tháng 3 năm nay, tên tuổi Vương Hồng Sển trở lại với bạn đọc qua quyển di cảo Chuyện cũ ở Sốc Trăng.Lại bắt gặp giọng kể chuyện nhẩn nha dây cà ra dây muống mà vẫn rất duyên của ông già gốc lục tỉnh. Qua từng trang sách, người đọc cảm như mình đang đối diện với một ông già vừa "lợi hại" vừa xuề xòa, thế nên sẵn sàng lót dép ngồi hóng chuyện. Mà toàn chuyện hay, chuyện có ích cho sự học.

Cụ Vương Hồng Sển viết quyển này từ năm 1986, đến nay đã ngót 34 năm sách mới xuất bản, đây cũng là một câu chuyện.

Duyên cớ để tác giả khởi thảo quyển sách này - viết về nơi nhau rún của ông - là lời đề nghị của những bạn đồng hương, muốn có một công trình khảo cứu về Sốc Trăng (Sóc Trăng - theo cách viết của tác giả).

Thế nhưng không như cái nhan đề gói hẹp ấy, có đọc cụ Vương mới biết chính cái sự dông dài trong trang viết của cụ hóa ra không thừa thãi chút nào.

Chẳng hạn, cụ Vương không chỉ viết chuyện Sốc Trăng, mà nhân đó cụ thuật lại hành trình Nam tiến của nước Việt.

Thuật chuyện xa mà vẫn thấy gần, bởi chính mảnh đất Nam Kỳ mà cụ thể là miệt Srok Khléang, Srok Bassac (tức vùng từ Cần Thơ, Sốc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) khi chính thức nhập thành đất nước Việt Nam, quá trình Nam tiến mới hoàn tất, và hình hài Tổ quốc mới có "hình chữ S" như cách ví lâu nay.

Câu chuyện của Sốc Trăng vì thế hóa thành câu chuyện của cả Nam Kỳ lục tỉnh. Từ thuở xưa, đất này thuộc người Chăm, rồi người Khmer đến ở, sau đó lịch sử biến động đến chừng họ Mạc làm chủ, rồi chúa Nguyễn sở hữu và sáp nhập để thành phần lãnh thổ cuối cùng của Tổ quốc...

Bao nhiêu sắc dân từng hiện diện nơi đây, bao nhiêu câu chuyện về quan hệ giữa người Khmer, Chăm, Việt còn ghi dấu tại đất này...

Nhưng thú vị nhất phải kể đến các đoạn cụ Vương Hồng Sển lý giải các địa danh Nam Kỳ. Những cách cắt nghĩa đôi khi sẽ trở thành đề tài cho học giới bàn tiếp, nhưng có hề gì, trong mạch chuyện của cụ ở đây, người đọc tưởng mình như đang đối diện với một pho từ điển sống.

Như Rạch Giá tên Khmer là Kra Muon Sor, nghĩa là sáp ong trắng, từ đây mới biết chữ Giá chỉ cây giá - một loại cây cùng họ với tràm tiêu biểu của xứ này mà ong làm tổ cho ra loại mật, sáp màu trắng...

Hay như cái cà ràng người miền Tây lâu nay vẫn hiểu là cái bếp củi, nó vốn mang tên Khmer là châng-kran - là cái lò lửa dời đi được.

Càng đọc càng thấy cái biết của mình về đất Nam Kỳ được mở ra...

-Theo Lam Điền - Báo Tuổi Trẻ

Các Tin Tức Khác