Lắng nghe giai điệu boléro được thực hiện như một công trình khảo cứu về lịch sử ra đời của dòng nhạc này và các bước định hình, lan tỏa xuyên biên giới.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mặc dù tuổi cao và đang lâm trọng bệnh, vẫn kịp ra mắt một tập sách vừa như gói ghém nhiều tâm sự của ông, vừa chính là mối quan tâm của công chúng yêu âm nhạc: dòng nhạc boléro từng thịnh hành tại miền Nam trước kia và đang được công chúng mến mộ trở lại mấy năm gần đây.
Theo đó, boléro khởi nguyên là một điệu nhảy tại đất nước Tây Ban Nha do nhạc sư Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, mà việc sáng tác ra điệu nhảy này lúc đầu chỉ với ý định "muốn có một điệu nhảy mới khoan thai hơn, êm đềm hơn".
Từ một điệu nhạc nhảy, khái niệm ca khúc boléro được phổ biến rộng rãi từ khi boléro được dùng để viết ca khúc tại châu Mỹ Latin vào thế kỷ 19.
Và theo bước chân của người châu Âu sang châu Á, nhạc boléro được truyền vào Việt Nam.
Nhạc boléro được người Việt Nam biết đến đầu tiên là qua các đĩa nhạc 33 tour do Pháp, Cuba và Mexico sản xuất.
Từ đó, các nhạc sĩ Việt Nam đã Việt hóa điệu nhạc boléro, tạo thành dòng nhạc mà Vũ Đức Sao Biển chọn cách gọi là "boléro Sài Gòn" đầy tính dân tộc và đại chúng.
Thế rồi, thao tác khảo cứu của Vũ Đức Sao Biển khéo léo đưa người đọc về với bối cảnh Việt Nam, hiểu thêm rất nhiều tâm sự của những nhạc sĩ từng lấy giai điệu boléro làm phương tiện giãi bày cảm xúc và gửi đi thông điệp tình yêu gắn với quê hương đất nước.
Đọc những trải lòng của tác giả về boléro, mới hiểu được tại sao trong thời chiến tranh mà miền Nam Việt Nam lại có một dòng nhạc đồng quê thanh bình đến lạ; hay tình ca trong nhạc boléro sinh động, đa dạng và nhiều cung bậc, nhiều sáng tạo đến thế nào.
Và rằng, cuộc định hình để trưởng thành của boléro ở Việt Nam gắn liền với một chặng đường chiến tranh.
Lại nữa, riêng ở mảnh đất phương Nam, máu thịt người dân gắn liền với ca cổ, nên boléro cũng có mối tương quan nhân quả với nhạc cổ miền Nam...
Cứ như vậy, độc giả theo lời Vũ Đức Sao Biển lắng nghe giai điệu boléro, mà thiệt ra chính là lắng nghe lòng mình bắt đầu “hiểu và thương” boléro hơn...
Lam Điền - báo Tuổi Trẻ