NXBTRE - Để giúp nhiều người hiểu được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của khu vực châu Á, tác giả Parag Khanna đã viết Tương lai thuộc về châu Á như một nghiên cứu cặn kẽ và đa lĩnh vực về châu Á trong mối quan hệ với thế giới, về lịch sử, kinh tế, năng lượng, môi trường, về di dân, quan hệ quốc tế, về các mô hình kỹ trị của châu Á… để chứng minh rằng trung tâm của thế giới đang chuyển về châu Á.

Bạn có ngạc nhiên khi đọc những điều này: châu Á kéo dài từ bán đảo Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây đến Nhật Bản và New Zealand ở phía đông, và từ Nga ở phía bắc xuống Australia ở phía nam? Về kinh tế, châu Á hiện chiếm 50% GDP toàn cầu và 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu? Châu Á cũng chiếm 60% dân số thế giới, có dân số nhiều gấp 10 lần châu Âu và gấp 12 lần Bắc Mỹ?
Một khu vực với quy mô và sức sống như vậy đang khiến cho nền kinh tế thế giới ngày càng tập trung vào mình, lèo lái nền kinh tế đó đi theo hướng của mình và có thể tạo ra một sự thay đổi trong sức mạnh toàn cầu.
Tác giả khéo léo dẫn dắt chúng ta về lại quá khứ châu Á để làm mới những ký ức của mình về khu vực này, giúp ta khám phá lại địa lý châu Á của mình, và từ quá khứ đó là những bài học mà cả người châu Á lẫn phần còn lại của thế giới cần rút ra cho hiện tại và tương lai. Đã đến lúc chúng ta cần phải hiểu rõ các đặc trưng châu Á từ trong ra ngoài, hiểu rằng trong hầu hết lịch sử được ghi lại, châu Á đã và đang là khu vực quan trọng nhất trên thế giới. Để ta hiểu rằng sở dĩ châu Á ngày nay có thể hồi sinh các đặc tính giúp tạo ra sự vĩ đại trước kia chính là nhờ hai điểm: sự tự tin vào các giá trị của mình và tinh thần sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới. Người châu Á không nên cứ phải làm nhẹ bớt và xin lỗi vì lịch sử và thực tế của mình nữa. Người phương Tây phải được đặt vào tư thế không thoải mái của việc tưởng tượng sẽ ra sao nếu khoảng 5 tỷ người châu Á không quan tâm đến những gì họ nghĩ và họ phải chứng minh sự phù hợp của họ với người châu Á chứ không phải ngược lại nữa.
Tác giả Parag Khanna đã rất tự tin mà nói rằng: “Châu Á đã tính toán xong tác động mà lịch sử phương Tây gây ra cho hiện tại của mình. Giờ đây đã đến lúc phương Tây phải tính toán tác động mà sự trỗi dậy của châu Á sẽ gây ra cho tương lai của mình…”
Tác giả cũng đưa ra nhiều góc nhìn độc đáo, chẳng hạn qua lăng kính sắc tộc, người Nga và người Australia cũng nên được nhìn nhận – và nên tự nhìn nhận mình là người châu Á da trắng”, hay “ngày càng có nhiều người phương Tây đang thử vận may ở châu Á mà không có kế hoạch trở về nhà.. Người châu Á định cư ở Mỹ được gọi là người Mỹ gốc Á. Vậy Vậy chúng ta có nên gọi tầng lớp người Mỹ định cư ở châu Á mới này là ‘người châu Á gốc Mỹ chăng’?” Cuốn sách cũng nhắc khá nhiều đến Việt Nam với những câu chuyện và chi tiết thú vị từ góc nhìn của một nhà quan sát khách quan. Chẳng hạn, “cái tên ketchup [nước xốt cà chua].. có nguồn gốc là một loại nước mắm lên men của Việt Nam mà các thương nhân người Anh đã mang về Anh từ đầu thế kỷ 18 [nơi họ đã thay thế nguyên liệu gốc bằng cà chua để làm nền cho món nước xốt này]”.
Đây là một quyển sách dài với khá nhiều dữ kiện, đòi hỏi độc giả một khoảng thời gian nhất định để nghiền ngẫm, để tiêu hóa, nhưng nếu bạn đã đầu tư thời gian cho quyển sách này, bạn sẽ tự tin với hiểu biết của mình về châu Á, tự tin về tiềm năng phát triển của đất nước Á châu bạn đang sống, và tự hào về gốc gác châu Á của mình.
Cho dù đôi khi tác giả Parag Khanna có hơi lạc quan quá mức về châu Á trong những phân tích của mình nhưng một điều đáng lưu tâm là nếu thế kỷ 19 thuộc về châu Âu và thế kỷ 20 thuộc về Hoa Kỳ, thì thế kỷ 21 bây giờ thuộc về châu Á.
Các quan điểm, ý kiến, và số liệu dẫn trong sách là của tác giả. Trên tinh thần tôn trọng nguyên tác và xét đến giá trị nghiên cứu của tác giả, Nhà xuất bản Trẻ cân nhắc và giới thiệu cuốn sách này, để độc giả có thể thận trọng tham khảo vấn đề dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.
Thùy Giang