Việc đọc những câu chuyện "rợn sống lưng" với trẻ con có thể dạy chúng một số bài học quan trọng.
Nếu bạn muốn con mình trở nên thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho chúng nghe. Nếu bạn muốn con mình trở nên cực kỳ thông minh, hãy đọc cho chúng nghe thêm nhiều truyện cổ tích- A.Einstein -
Những nỗi sợ ở trẻ con
Đã là sinh vật là biết thích và biết sợ. Mèo thích chuột và sợ chó. Chuột thích thóc và sợ mèo... Cho đến nay khoa học vẫn chưa đọc được tâm trí các động vật khác để biết khi lớn chúng sợ gì, khi bé chúng sợ gì. Ta chỉ mới biết sơ lược ở người, rằng:
- Trẻ bé tí sợ cái bất an, lạ lẫm. Khi được 8-9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu "biết lạ", không cho người lạ bế, thấy người lạ thì khóc, cho dù đó là cô giữ trẻ hay là bà bác phúc hậu. Trẻ sẽ mếu máo hay khóc ầm lên, đu bám chặt vào người mẹ để có được cảm giác an toàn.
- Trẻ chập chững sợ phải chia ly. Khoảng từ 10 tháng đến 2 tuổi, nhiều trẻ bắt đầu thấy sợ phải tách khỏi cha mẹ: không muốn mẹ thả mình ở trường mẫu giáo, không chịu ngủ giường riêng, đi đâu cũng nhằng nhẵng bám mẹ, đôi lúc khiến cha mẹ "phát điên" vì sự đeo bám dai dẳng ấy.
- Đám nhi đồng 4-6 tuổi sợ những thứ "giả vờ". Tuy bản thân chúng rất giàu tưởng tượng và cũng hay giả vờ làm con này con nọ nhưng lại không biết phân biệt được thật - giả khi có người khác giả vờ. Thậm chí, sau một hồi tưởng tượng quá đà, các bạn nhỏ ấy lại sợ hãi những thứ do chính mình nghĩ ra, thí dụ ông Kẹ đang núp dưới giường, hoặc con ngáo ộp đang nằm trong tủ... Một số trẻ sợ bóng tối. Số khác sợ ác mộng. Số khác nữa sợ sấm sét, tiếng ồn từ máy xay đá, máy khoan...
- Lớn hơn 7 tuổi, trẻ bắt đầu sợ những thứ nguy hiểm của đời thực. Những ông Kẹ, ngáo ộp, khủng long không dọa chúng được nữa vì trẻ biết là không có thực. Cái sợ bây giờ là những thứ có thể xảy ra trong cuộc sống: sợ con gà con sẽ chết, sợ có đứa bắt nạt mình, sợ bị đau...
- Từ khoảng 10 tuổi, trẻ bắt đầu sợ... xã hội. Sợ người ngoài nhìn vào mình không ra gì. Sợ không biết mình có phù hợp với đám bạn kia không. Sợ khi phải lên trình diễn trước lớp. Sợ khi đổi sang trường mới, lớp mới, hay khi tham gia một cuộc thi...
Minh họa truyện cổ Hansel và Gretel của nghệ sĩ vĩ đại người Anh Arthur Rackham, 1909
Nỗi sợ của phụ huynh
Trẻ con non nớt và dễ bị hù dọa, nhưng có một "thú vui" hơi quái quỷ là thích nghe những chuyện đáng sợ. Ai đã sống ở nông thôn hẳn còn nhớ, có những đêm tắt đèn tối kin kít, chỉ lập lòe đom đóm ngoài vườn, một lũ trẻ con gần như ôm chặt lấy nhau để nghe một đứa thì thào kể chuyện ma.
Ở thành phố thì không gì thú bằng chui vào trong chăn bịt kín đầu đuôi, bên cạnh là tiếng ai đó giả giọng một gã khổng lồ hoặc một con sói đang chầm chậm đến gần đòi ăn thịt.
Một số phụ huynh sợ rằng những câu chuyện đáng sợ, nhiều chi tiết ác sẽ làm méo mó tâm hồn trẻ.
Họ ngại ngần khi phải đọc truyện cổ tích Hansel và Gretel cho con, băn khoăn có nên sửa lại chi tiết bà mẹ vứt hai con vào rừng không, và nên chăng đổi lại kết cục là mụ phù thủy tự nhiên không thích ăn thịt trẻ con nữa, chuyển sang thích ăn chay?
Họ lý luận: tuổi thơ là rất ngắn, giai đoạn đeo kính màu hồng rồi cũng chỉ có hơn chục năm, đến khi vào đời thì tự khắc đời dạy cho những bài học đen tối, con còn trong vòng tay bảo bọc thì ta cứ cho chúng đeo kính hồng.
Minh họa truyện Mèo đi hia của nghệ sĩ Ron Embleton, vẽ năm 1972
Tác dụng của những truyện "đáng sợ"
Tuy nhiên như đã nói, nhu cầu nghe những thứ đáng sợ ở trẻ con là có thật. Và theo các chuyên gia về văn học cho thiếu nhi, những truyện đau lòng như Hansel và Gretel là có mục đích quan trọng của nó cả.
Nhà tâm lý học Bruno Bettelheim từng cho rằng các câu chuyện khiến trẻ con sợ không những vô cùng lý thú mà còn giúp trẻ đi qua những giai đoạn phát triển then chốt. Bằng cách nào?
Ta hãy lấy thí dụ từ truyện Hansel và Gretel:
Hansel và Gretel là hai anh em con nhà nghèo. Nghèo tới mức vì thiếu bánh mì mà bà mẹ quyết ép ông bố bỏ hai con vào rừng. Bằng cách rắc sỏi đánh dấu đường, hai anh em lần về lại được nhà nhưng lại bị mẹ bỏ vào rừng tiếp.
Lần này Hansel rắc bánh mì đánh dấu đường về thì bị chim ăn hết. Hai anh em lạc vào rừng sâu, gặp một ngôi nhà làm bằng bánh mì, ngói lợp bằng bánh ngọt... của mụ phù thủy chuyên ăn thịt trẻ con.
Mụ nhốt Hansel lại trong cũi, sai bé Gretel hằng ngày nấu nướng vỗ béo ông anh để mụ còn làm thịt. Bằng mưu trí, bé Gretel đẩy được mụ phù thủy vào lò nướng bánh. Hai anh em thoát ra và còn lấy được bao nhiêu là ngọc. Quay về nhà thì bà mẹ ác độc đã chết, chỉ còn ông bố nhu nhược nhưng yêu con. Ba bố con sống hạnh phúc từ đấy.
Theo tiến sĩ giáo dục Lawrence Sipe, ở tuổi nào cũng thế, trẻ con đều sợ rằng mình không được yêu bằng anh chị em mình, và sợ nhất là bị lạc, hoặc bị bỏ rơi. Và đây chính là chỗ để các truyện cổ tích dụng võ: chúng cho trẻ đối mặt với những nỗi sợ ấy, và chiến thắng chúng.
Khi đọc Hansel và Gretel chẳng hạn, trẻ con khám phá cảm xúc buồn bã của mình khi tưởng tượng chính mình bị bỏ rơi, đồng thời trải qua cảm giác sung sướng đến run rẩy khi tưởng tượng chính mình mưu trí mà chiến thắng được cái ác.
Theo nhà tâm lý học Bettelheim, câu chuyện này đặc biệt có ý nghĩa với trẻ con khoảng 5 tuổi, bởi đó là cái tuổi mà chúng thực hiện những bước đi đầu tiên vào thế giới thực, và chúng cần một sự đảm bảo rằng rồi thì mọi việc cũng ổn.
Hay với những truyện cổ tích có môtip mẹ kế bắt nạt con chồng và thiên vị con mình, như trong Cinderella, trẻ con sẽ trải nghiệm cảm xúc khi đối đầu với sự ganh tị ngay trong nhà; câu chuyện trở thành sàn đấu cho một cuộc vật lộn nội tâm chống lại sự ganh ghét.
Tiến sĩ tâm lý học Sheldon Cashdan, tác giả của cuốn Mụ phù thủy phải chết: Ý nghĩa ẩn giấu của truyện cổ tích, nói:
"Khi đọc hay nghe truyện cổ tích, trẻ con sẽ tự động gán phần tốt đẹp trong chúng cho các nhân vật chính diện, và phần xấu ở chúng cho nhân vật phù thủy hoặc phản diện. Thế nên mỗi lần mụ phù thủy chết là một lần niềm tin của trẻ con vào khả năng chiến thắng những cảm xúc bất ổn được phục hồi một cách thần kỳ".
Minh họa truyện Cô bé quàng khăn đỏ của A.E. Jackson
Nhưng đáng sợ là đáng sợ cỡ nào?
Tuy nhiên, không phải chuyện dữ dội và đáng sợ nào trong sách cũng là điều tốt. Theo một chuyên gia tâm lý, với trẻ từ 8 tuổi trở lên, bộ Harry Potter là rất nên đọc. "Câu chuyện diễn ra trong một vũ trụ có đạo đức, nơi cái xấu bị trừng trị hoặc ít nhất là có người chống lại".
Có những tình tiết tưởng chừng đen tối, hoang mang, thậm chí đau buồn, nhưng truyện giúp trẻ con bộc lộ những cảm xúc ấy; và sau rốt chiến thắng bao giờ cũng đến, không dễ dàng nhưng sung sướng vô cùng. Trẻ con đọc Harry Potter học được nhiều bài học quý giá, đồng thời niềm tin vào cái tốt càng được củng cố.
Ngược lại, những truyện chỉ cốt lấy nước mắt của trẻ con, bắt nhân vật phải chia cách và chết tức tưởi vô duyên cớ, hoặc những truyện mà cái thiện đành chịu thua cái ác... thì không nên cho trẻ con đọc.
Bởi vì khi đó đọng lại trong đầu trẻ sẽ là nỗi sợ hãi rằng cái xấu vẫn còn sống, vẫn còn tiếp tục. Thêm nữa, nói chung trẻ con khi đọc sách "đáng sợ" thì không thấy sợ như khi xem phim. Một lý do: sách ít hình hơn. Bản thân họa sĩ cũng không thích vẽ cảnh ghê rợn. Thí dụ trong truyện Cô bé quàng khăn đỏ, chẳng bao giờ ta phải thấy cảnh con sói ăn thịt bà ngoại.
Minh họa truyện Nàng tiên cá của nghệ sĩ người Czech Josef Palecek, 1981
Để trẻ thấy sợ mà không sợ hãi
Với cùng một truyện, có phụ huynh thấy thế là "thường" với con mình, có phụ huynh tức điên sao lại có người dám viết sách làm cho con mình sợ thế, buồn thế. Tâm lý trẻ con cũng thay đổi tùy lúc. Có những khi chúng chẳng sợ gì cả, lại có khi sợ những thứ rất "vô duyên".
Cách an toàn nhất cho trẻ đọc những truyện "đáng sợ" là để chúng ngồi vào lòng. Ngoài ra, theo tiến sĩ giáo dục Lawrence Sipe, sách là thứ có thể kiểm soát. "Trẻ biết rằng chúng có thể dừng ở bất kỳ trang nào chúng muốn dừng".
Ông kể lại chuyện một cậu bé ở trường mẫu giáo thuộc thành phố New York, khi đọc cổ tích đến đoạn sợ quá đã ngồi hẳn lên sách để quái vật khỏi chui ra. Theo ông: "Một khi trẻ con cảm thấy mình kiểm soát được tình hình, những gì chúng sợ sẽ không còn đáng sợ nữa".
Cuối cùng, hãy coi nỗi sợ, nỗi buồn trong truyện cho trẻ em là một thứ gia vị mạnh như ớt, như tiêu. Việc của người viết là gia giảm làm sao để hợp với vị giác non nớt nhưng tò mò và cần trưởng thành dần của trẻ.
Việc của cha mẹ là can đảm nhìn con mình sợ và buồn theo câu chuyện, khi biết rằng ở cuối những trang kia sẽ có một kết cục hồng hào.
"Trẻ con vừa thích vừa sợ truyện thần tiên. Chúng có một nhu cầu tự tại muốn trải nghiệm cảm xúc mạnh. Andersen làm bọn trẻ sợ nhưng tôi tin chắc không đứa nào vì thế mà ghét bỏ ông ngay cả sau này khi đã trưởng thành.
Những câu chuyện thần kỳ của ông có đầy những nhân vật siêu nhiên, chưa kể bọn thú biết nói và lũ xô chậu lắm lời. Không phải ai trong thế giới này đều vô hại và đàng hoàng. Kẻ xuất hiện thường xuyên nhất là tử thần, một nhân vật không ai có thể chặn đường, cứ bất chợt len lỏi vào chính giữa niềm hạnh phúc rồi mang đi người tốt nhất, được thương yêu nhất.
Andersen tôn trọng trẻ con. Ông trò chuyện với chúng không chỉ về các cuộc phiêu lưu đầy niềm vui của cuộc đời mà còn về nỗi đau, nỗi bất hạnh, về các thất bại thường là không đáng có.
Các câu chuyện thần tiên của ông tràn đầy các sinh vật tuyệt vời lại còn hiện thực hơn cả đống truyện cho trẻ con ngày nay, cứ than vãn về thực tế mà lảng tránh những điều kỳ tuyệt như dịch bệnh.
Andersen có đủ can đảm để viết các câu chuyện có hồi kết bất hạnh. Ông không tin rằng ta nên sống tốt vì sẽ có lợi (như cách các câu chuyện đạo lý ngày nay thường răn bảo mặc dù trong đời thật đâu phải lúc nào cũng như vậy) mà vì cái ác xuất phát từ sự cọc còi về trí tuệ và tình cảm và là một dạng đói nghèo phải tránh xa".
(Nhà văn Wisława Szymborska viết trong tiểu luận "Tầm quan trọng của biết sợ hãi")
T.L. tổng hợp và biên dịch/ Tuổi Trẻ