Tiểu thuyết Demian (tựa tiếng Việt: Demian - Tuổi trẻ băn khoăn) của Hermann Hesse được xuất bản lần đầu vào năm 1919, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quyển sách vừa được NXB Trẻ cho ra ấn bản mới nhất qua bản dịch của Cao Vân Anh.
Cũng ở vào khoảng giữa hai cuộc thế chiến, trên nước Đức đổ nát, Hermann Hesse triển khai những giải pháp tinh thần cho vấn đề kiếm tìm bản ngã, giá trị cá nhân và tâm thức con người. Rõ nhất là khi đặt Demian - Tuổi trẻ băn khoăn bên cạnh Siddhartha - Câu chuyện dòng sông (xuất bản năm 1922, có hai bản dịch tiếng Việt: của Phùng Khánh, Phùng Thăng và của Lê Chu Cầu) ta sẽ có một đối chiếu thú vị về hai chiều kích trong một cuộc hành trình.
Nếu Siddhartha - Câu chuyện dòng sông là sự khích lệ con đường tự chiêm nghiệm bản thể để tìm ra chân lý theo chiếc chìa khóa của tư tưởng phương Đông, đậm sắc thái Ấn, thì Demian - Tuổi trẻ băn khoăn lại mở ra khả năng truy vấn với nội tâm trong cuộc tìm kiếm, nhận diện cái tôi theo tư duy phương Tây, thuần lý kiểu Đức.
Cậu học sinh Emil Sinclair rời cảnh sống sung túc, êm đềm và chỉn chu đức hạnh của gia đình thượng lưu để đến với khu nội trú và thấy ngỡ ngàng, choáng ngợp trước một cuộc sống đời thực trần trụi, phũ phàng, thậm chí bệ rạc. Nhưng thích ứng ở phương diện con người xã hội với bối cảnh sống mới không phải là điều lớn lao nhất. Điều đáng nói là sự sụp đổ của những mặc định đạo đức, niềm tin truyền thống, sự hoài nghi về giá trị sống và những thao thức tìm kiếm thế sống cá nhân mới trong cuộc đời.
Hoài nghi với chính truyền thống Kitô giáo (ở đây là đạo đức Tin lành), Sinclair đi truy vấn những điển tích trong Kinh thánh. Hoài nghi những chuẩn mực và khế ước, Sinclair đặt lại các vấn đề bản chất của đạo đức, cái thiện, tình yêu, tình thân trong đời sống... Hermann Hesse đặt bên cạnh cuộc kiếm tìm bản ngã và suy tư của Sinclair một Max Demian như một phân thân để đối thoại và hướng dẫn.
Từ đó, những cuộc kiếm tìm, gặp gỡ, luận thoại và khai mở liên tục diễn ra, nơi con đại bàng của đời sống tinh thần thoát khỏi vỏ trứng và bay lên trời xanh, nơi vị Chúa Abraxas hợp nhất giữa thiện và ác, giữa điều tốt lành và xấu xa, giữa ánh sáng và tối tăm cùng ngự trị.
Những cuộc truy vấn bản ngã và giá trị của Sinclair làm cho ta dễ liên tưởng đến các tác phẩm văn chương cùng thời của André Gide, Nikos Kazantzakis, và đặc biệt, trong triết học của Friedrich Nietzsche.
Hiếm có một cuốn sách nào cuốn hút chúng ta đi sâu vào vùng nội tâm đầy nhiễu động như cuốn sách này. Ta thấy một Sinclair cô độc và có vẻ u uất. Nhưng tuổi trẻ và sự băn khoăn của cậu lại là thông điệp đầy ân cần, nhắc ta đừng bao giờ bỏ quên một cuộc đối thoại làm nên giá trị cá nhân: cuộc đối thoại với nội tâm sâu thẳm. Và ở đây, như cách đặt tựa sách, không phải Sinclair, chính Demian - tiếng nói nội tâm - mới là nhân vật chính của cuốn sách.
"Lẽ sống đích thực cho mọi người là tìm ra chính mình. Có thể trên con đường đó ta sẽ trở thành nhà thơ hay gã tâm thần, một nhà tiên tri hay một tên tội phạm, nhưng những cái đó không liên quan đến việc ta phải làm. Việc của con người là phải tìm ra định mệnh dành riêng cho mình, không phải sao cũng được, rồi kiên định sống hết mình theo con đường riêng ấy. Những cách sống khác chỉ là sự tồn tại tạm bợ chờ thời, là sự trốn tránh số mệnh, là chạy theo những tiêu chuẩn của đám đông, là sự cúi đầu tuân phục và sợ hãi trước chính cái tôi bên trong" (trang 208).
Văn chương nghệ thuật sẽ chẳng để làm gì nếu không mời gọi, thuyết phục người đọc lắng nghe tiếng nói bên trong mỗi người.
NGUYỄN AN NAM/ TUỔI TRẺ