Tủ sách Báo chí - truyền thông của NXB Trẻ hiện nay có hơn 30 tựa sách của các nhà báo trong và ngoài nước, vốn là tủ sách được Nhà xuất bản Trẻ chú ý đầu tư khai thác nhằm góp phần phục vụ bạn đọc hiểu thêm về nghề báo, hoặc muốn tham gia viết báo, làm truyền thông, đặc biệt giúp các bạn sinh viên học Báo chí – truyền thông có những cẩm nang phục vụ cho việc học tập. Tủ sách Báo chí - truyền thông có thể kể đến các tên tuổi báo chí trong nước của nhà báo Lê Văn Nuôi – Nhật ký một nhà báo; Đỗ Đình Tấn – Một nền báo chí phẳng; Đoàn Khắc Xuyên – Dựng lại người; Ngọc Trân - Viết tin bài đăng báo/Khám phá nghề biên tập. Bên cạnh là phong phú các tựa sách về phóng sự - ký sự, bút ký, tản văn, tiểu phẩm, tiểu thuyết của những nhà báo, đã tin tưởng gửi gắm những đứa con tinh thần của mình cho NXB Trẻ như: Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Đông Thức, Lưu Đình Triều, Dương Thành Truyền, Binh Nguyên, Thủy Cúc, Nguyễn Vạn Phú, Trần Ngọc Châu, Võ Đắc Danh, Huỳnh Dũng Nhân, Trần Nhật Vy, Lê Minh Quốc, Hà Đình Nguyên, Trung Nghĩa, Dương Thành Truyền, Tuấn Việt, Nguyễn Vĩnh Nguyên...
NXB Trẻ cũng
phối hợp với các tòa soạn báo thực hiện các tuyển tập về những phóng sự - ký sự
ghi dấu ấn và có tác động mạnh đến xã hội như: Tuyển tập PS-KS báo Thanh Niên: Cấp cứu thời kẹt xe; Tuyển tập của báo
Tuổi Trẻ: Những ngòi bút lửa – tuyển
những bài “ Thời sự suy nghĩ “ đã đăng trên Tuổi Trẻ; Tuyển tập với báo Thể
thao- Văn hóa: Chân ngắn thời hiện đại;
Tuyển tập với báo Phụ Nữ: Người ấy của
tôi ơi (truyện ngắn hay Báo Phụ Nữ 2010); Tuyển tập báo Pháp Luật: 20 năm những bài báo đổi mới.
Không chỉ viết
những quyển sách về nghề, các nhà báo còn là dịch giả dịch lại các quyển sách
hay về báo chí cho bạn đọc Việt Nam như quyển: Nhà báo hiện đại của dịch giả, nhà báo Trần Đức Tài; Làng báo Sài Gòn 1916-1930 của tác giả
Philippe M.F. Peycam – dịch giả nhà
báo Trần Đức Tài; Hơn cả tin tức – Tương
lai của báo chí - Mitchell
Stephens do nhóm dịch giả: Dương Hiếu – Kim Phượng – Hiếu
Trung chuyển dịch, hoặc Thế giới phẳng của Thomas L. Friedman…
Tháng 6/2016, NXB
Trẻ tiếp tục cho ra mắt các tựa sách mới nhất trong tủ sách Truyền thông - Báo
chí, làm càng dầy lên thêm kho tư liệu của tủ sách này.
-
Ở lưng chừng tương lai của Tom Plate –
nhà báo Mỹ từng được biết đến với bộ sách Đối thoại với những người khổng lồ Châu Á
(NXB Trẻ phát hành) Sau gần hai thập kỷ khởi xướng một chuyên mục viết
về châu Á trên một tờ báo lớn của Mỹ, ông đã đưa ra một tuyển tập tuyệt vời
bằng cách nhìn lại 100 bài báo của mình và đưa chúng ta đi từ năm 1995 đến ngày
hôm nay khi châu Á phát triển còn những châu lục khác vẫn đang chần chừ. Và
tuyển tập này là một chuỗi ngọc – một tuyển tập “top 100” nêu bật lên mọi thứ
từ việc chuyển giao Hong Kong cho Trung quốc cho đến sự vươn lên của xứ sở Vạn
lý trường thành, rồi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, cho tới sự phát triển
quan trọng ở những nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Ấn Độ,
Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và Australia
-
Nhanh, Đúng, Trúng, Hay của Hải Đường: những
tản mạn về nghề báo của một trong những cây bút chính luận, phóng sự xuất sắc.
22 bài trong tập tiểu luận này đề cập khá toàn diện các lĩnh vực trong đời sống
báo chí nước nhà và những công việc cụ thể của người quản lý, phóng viên. Phần
lớn các bài viết ngiêng về phía kinh nghiệm thực tế: từ những kinh nghiệm qua
một cuộc giao ban báo chí, từ việc xử lý các vấn đề nhạy cảm, việc rút “tít”
cho bài báo… Tất cả đều được thể hiện bằng những câu chuyện cụ thể, lối viết
giản dị, trang bị những bài học cần
thiết cho các nhà báo trẻ, là
tài liệu tham khảo tốt cho những người quan tâm tới kỹ năng viết báo.
-
Báo chí lương tâm của Đỗ Đình Tấn: Cuốn sách này được dành cho tất cả những ai quan tâm
đến vấn đề đạo đức của các phương tiện truyền thông và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội, các nhà báo, nhà
nghiên cứu, sinh viên ngành truyền thông cũng như các nhà quản lý báo chí, giới
PR (giao tế công cộng) đang hoạt động trong các doanh nghiệp, giới hoạt động xã
hội và tất cả các cư dân mạng, những người giờ đây đang cùng các nhà báo tạo ra
thông tin và truyền tải thông tin. Ở sách này, tác giả chọn cách trình
bày đạo đức truyền thông dưới dạng những câu chuyện từ thực tế báo chí Việt Nam
và thế giới nhằm minh họa cho những quan
hệ xung đột nảy sinh giữa thông tin và đạo đức.
Một nền báo chí có lương tâm được hiểu là một nền báo chí có trách nhiệm
xã hội, tôn trọng con người, dũng cảm tìm kiếm và công bố sự thật.
-
Thông tin đa chiều – tiểu thuyết của
Trần Văn Tuấn: Là
câu chuyện về sự chuyển mình của một tòa soạn nhật báo ở thành phố lớn, với bao
nhiêu thay đổi, dằn vặt đấu tranh để chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị
trường. Những thay đổi của từng con người trong tòa soạn từ nhiều nguồn đào tạo
khác nhau, cả những người tay ngang nữa, bằng nhận thức, bằng lý thuyết và cả bằng
thực tế sinh động của đời sống ở một thành phố năng động, với những đòi hỏi cấp
thiết của cuộc sống, của nghề báo đã tạo nên một không khí sinh động, quyết liệt
và không kém phần thách thức.
-
Tạp bút Sài Gòn – Dòng sông tuổi thơ
của nhà văn Lê Văn Nghĩa: Dòng sông tuổi thơ là tập tạp văn của Lê Văn Nghĩa viết về hình ảnh Sài
Gòn trong quá khứ và hiện tại với cái nhìn của một người đã thấm đẫm tuổi thơ bởi
một Sài Gòn dày trong ký ức và trong nỗi lo - nỗi đau về những hình ảnh sẽ mất
đi cùng năm tháng.
- “Những đứa trẻ mắc zịch” của nhà văn Trần Nhã Thụy: Những đứa trẻ mắc zịch là câu chuyện về những đứa trẻ ham mê ảo thuật – magic. Là con em trong xóm lao động nghèo, có niềm ham thích những trò ảo thuật, đặc biệt là ảo thuật đường phố. Bằng tấm lòng thơ trẻ của mình các em đã giúp bạn vượt qua khó khăn, mặc cảm khuyết tật để trở nên những cậu bé dạn dĩ và thông minh.
Hy vọng, những quyển sách về Nghề báo – Nghề viết mới này lại tiếp tục là những quyển sách đầy thú vị cho bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ