Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

THÔNG CÁO BÁO CHÍ - VÌ CHA CHÚNG TÔI NÓI DỐI
Cập nhật ngày: 05/06/2025

Hồi ký về sự thật và gia đình, từ cuộc chiến Việt Nam đến hôm nay (Because our fathers lied)

Tác giả: Craig McNamara

Dịch giả: Trần Hà Nguyên và Vũ Thái Hà

Chính thức phát hành: tháng 5.2025

 

“Một cuốn hồi ký dũng cảm và mang tính hủy diệt, được viết từ sâu thẳm tâm can.” - Ken Burns 
“Một cuốn sách quan trọng mà mọi người Mỹ nên đọc” (Ron Kovic, cựu chiến binh Việt Nam và tác giả của cuốn Sinh vào ngày 4 tháng 7)

Hồi ký của con trai cựu Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara

Một góc nhìn chiến tranh từ phía bên kia - Không chỉ là câu chuyện về gia đình, mà còn là câu chuyện về nước Mỹ


Craig McNamara trưởng thành trong bối cảnh chính trị hỗn loạn và biến động tại Mỹ thời cuối những năm 1960. Cha ông, Robert McNamara là Bộ trưởng quốc phòng dưới thời John F. Kenedy và là “kiến trúc sư” của chiến tranh tại Việt Nam. Ông tham gia những hoạt động phản chiến, cả đời giằng xé giữa tình cảm gia đình và câu hỏi không bao giờ dứt: Tại sao cha mình làm như vậy? Bất kể ông đã làm gì, khi học tại trường, khi đến sống tại một nơi xa nước Mỹ, khi theo đuổi ngành nông nghiệp…thì những ám ảnh đó vẫn không rời xa ông. Những gì xảy ra tại Việt Nam cũng làm nước Mỹ phân rẽ

Năm 2025, Craig McNamara sang Việt Nam với mong muốn tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình, tìm cách thấu hiểu những người đã trải qua cuộc chiến, và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Ông đã nhận lời xuất hiện trong bộ phim đặc biệt do VTV thực hiện mang tên “Cuộc đọ sức của ý chí”.

Cuốn hồi ký Vì cha chúng tôi nói dối là lời kể sâu sắc và chứa đựng nhiều tình tiết ít người biết, khắc họa bức chân dung vừa thân mật vừa chứa đựng xung đột giữa cha và con trai tại thời điểm then chốt trong lịch sử Hoa Kỳ. Craig McNamara phản ánh những gì xảy ra xung quanh ông từ góc nhìn không ai khác có được, vì vậy đây không chỉ là câu chuyện gia đình, nó là một câu chuyện về nước Mỹ.

Craig McNamara là doanh nhân và nông dân người Mỹ, ông hiện là chủ tịch và chủ sở hữu của Sierra Orchards, trang trại trồng quả óc chó. Ông cũng là người sáng lập Trung tâm học tập dựa trên đất đai (Center for Land-Based learning). Ông sinh ra ở Ann Arbor, Michigan, và là con trai của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ Robert McNamara.

 

Tựa sách Because our fathers lied lấy tứ từ câu thơ của Kipling:

Nếu có ai hỏi tại sao chúng ta chết

Hãy bảo họ, vì cha chúng ta nói dối

Rudyard Kipling

 

Craig McNamara đã ấp ủ viết cuốn hồi ký này từ lâu: “Tôi ước gì có thể viết hồi ký trước khi cha tôi qua đời vào năm 2009. Mười năm sau đó, cơ hội mới đến, khi tôi dự khóa học nâng cao tại học viện DCI của đại học Stanford. Tôi học một khóa sáng tác với hy vọng cuối cùng sẽ viết được một cuốn hồi ký…

…Trong hình dung ban đầu về cuốn sách này, tôi tin rằng quá trình viết sẽ đưa đến một sự an ủi nào đó. Tôi mường tượng rằng cuốn sách có thể góp phần khép lại - thậm chí có thể chữa lành. Tôi hy vọng gia đình tôi, đặc biệt là ba đứa con đã trưởng thành của tôi, có thể thu được điều gì đó từ lời kể trung thực của tôi. Và tôi hy vọng công chúng, đặc biệt là hàng triệu người xa lạ đã phải chịu đau khổ vì những quyết định chiến tranh của cha tôi, có thể nhận cuốn sách này như một món quà tạ lỗi, là nỗ lực của gia đình chúng tôi trong việc nhìn lại quá khứ, dù sự đền đáp này có không thỏa đáng đến thế nào đi nữa. 

… Việc viết cuốn sách này mang lại câu trả lời cho một số nghi vấn… Với tôi, câu hỏi quan trọng nhất là có nên coi Robert McNamara là tội phạm chiến tranh hay không. Sau nhiều lần trò chuyện với Daniel Ellsberg, Phillip Taubman, Errol Morris và các sử gia, người viết hồi ký và nhà báo viết về cuộc chiến, tôi tin rằng cha tôi là tội phạm chiến tranh.” (Trích)

Trong lời bạt cuối cuốn sách này, Craig Mcnamara chọn “đóng khung” cuộc đời mình dưới dạng những câu hỏi.

  • Trách nhiệm của tôi là gì trong một thế giới mà bất công cứ liên tục xảy ra

  • Tôi có thể đóng góp bằng cách nào cho sự công bằng với vai trò thành viên cộng đồng

  • Tôi làm sao để ngăn không cho tham vọng cá nhân lấn át quyết tâm làm điều thiện?

  • Tôi đã hành động đủ chưa?

Cuốn sách này được cho là ghi lại hành trình nỗ lực của ông để đối diện sự thật về cuộc chiến Việt Nam từ những năm 1960 đến nay, và tiếp tục hành trình trong phần đời còn lại.


* Điều chưa từng nói giữa cha và con

Trong ký ức của Craig McNamara, cha ông chưa từng thẳng thắn nói về sự thật điều gì đã diễn ra tại Việt Nam, cũng chưa từng trực tiếp nói lời xin lỗi về những sai lầm của mình, không chỉ trong tính toán.

“...suốt đời, tôi cứ chật vật mãi khi tìm sự thật từ cha tôi. Ông không bao giờ nói với tôi rằng ông biết Việt Nam là một cuộc chiến không thể thắng. Ông biết rõ như vậy, nhưng không bao giờ thú nhận điều đó với tôi. Hơn một thập kỷ sau khi ông mất, tôi vẫn tự hỏi tại sao ông không thành thật với tôi hơn với công chúng Mỹ.”

Trong suốt cuốn hồi ký, Craig McNamara đã luôn muốn tâm sự cùng cha mình về những quyết định trong chiến tranh. trong ấn tượng của ông, Robert McNamara luôn né tránh câu trả lời cụ thể: “Có nhiều câu hỏi tôi chưa bao giờ hỏi cha, hoặc có hỏi nhưng cha đã né tránh khéo léo y như ông từng né tránh những chất vấn trước các ủy ban quốc hội hoặc của báo giới”; dù sau này Robert McNamara từng đến Hà Nội năm 1995 và trước đó ông cũng xuất bản hồi ký riêng. 

Thời thơ ấu và thiếu niên của Craig McNamara trôi qua mà không biết gì nhiều đến công việc cụ thể của cha mình, cho đến khi tin tức và những biến động xã hội không thể che giấu.  Trong cuốn sách, ông chia sẻ về một số lần gặng hỏi như vậy:

“Sau khi ông (McNamara cha) xuất bản cuốn hồi ký In Retrospect năm 1995, tôi đến thăm ông ở Washington… Chúng tôi nói về những phản ứng dữ dội mà cuốn hồi ký gây ra… đây là cuốn đầu tiên ông thực sự đề cập đến vai trò gây tranh cãi của mình ở Việt Nam - nhưng đã không được đón nhận như ông hy vọng…” Craig thì không hiểu vì sao cha mình không có những cuộc trò chuyện và gặp gỡ với những cựu chiến binh.

“     -     Con đoán họ giận dữ vì cha đã để tận 30 năm, cha ạ.

Ông vẫn giữ thái độ xưa nay.

  • Con phải nhớ là cha hành động theo kinh nghiệm lịch sử của mình.

  • Và cha vẫn hành động sai.

Đó là những lời dồn ép nhất mà tôi từng nói với ông…”

“Có lúc tôi từng hỏi ông: ‘Cha, sao lại để lâu như thế’

Lời nói của ông vẫn làm tôi phải chựng lại: ‘Vì lòng trung thành’.
 

* Nỗi giằng xé suốt đời

“Tôi đã sống cả đời mình dưới lăng kính cuộc chiến Việt Nam” (trích)

Cuộc đời của Craig McNamara là sự giằng xé thường trực, giữa một bên là tình yêu với người cha ruột, tuy bận rộn nhưng không thiếu những khoảnh khắc, cùng ông đi leo núi, đi cắm trại, nhưng đồng thời cũng là người mà ông hiểu là phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh gây nhiều đau thương. 

Một mặt ông phải gánh di sản của cha mình; mặt khác muốn hay không, nhờ người cha và gia đình, ông đã được những ưu ái trong cuộc sống, miễn quân dịch, được giúp đỡ khi chọn khởi nghiệp nông nghiệp. Ông không thực sự biết về công việc của cha mình, vì người cha ít chia sẻ về điều đó trong gia đình, vì vậy ông có sự kiếm tìm không ngừng nghỉ những thông tin về chiến tranh, ý kiến các bên, những cựu chiến binh, những nhà báo, nhà làm phim, những người ủng hộ phản chiến, những người có hoàn cảnh tương đồng… và ông cũng đã tự đến Việt Nam để gặp gỡ những người từng trải qua cuộc chiến hoặc là chịu hậu quả từ đó. 

“Tên ông gắn liền với cuộc chiến Việt Nam. Có lúc tôi nghĩ như vậy là không công bằng. Với mong muốn bảo vệ cha, đôi khi tôi tìm cách biện hộ. Ông chỉ là một trong nhiều người chịu trách nhiệm; công việc đó quá sức ông; kinh nghiệm làm kinh doanh và giỏi thống kê đã biến ông thành biểu tượng hoàn hảo cho cỗ máy khổng lồ - tổ hợp công nghiệp chiến tranh. Đâu phải chỉ mình ông có lỗi.

Nhưng ông không lên tiếng nhận lỗi.”

Trong phim The Fog of War, Robert McNamara nói rằng ông muốn che chắn gia đình khỏi những giai đoạn đau đớn trong sự nghiệp của ông. Với người con, đó là sự che chắn tạo ra bóng tối thiếu minh bạch và ám ảnh cả đời.

Quá trình trưởng thành của Craig McNamara gồm những “nổi loạn” ở tuổi thiếu niên qua những phản kháng đầu tiên: Treo ngược cờ Mỹ trên bức tường đầu giường, lén lấy những hiện vật từ Việt Nam của cha mình và giấu trong phòng ngủ. Ông cũng treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên tường phòng, mấy lưỡi chông, và súng đạn bị tịch thu.

Những phản ứng này thể hiện đến tuổi 16, 17 cảm nhận của ông về chiến tranh ngày càng mạnh mẽ hơn, và từ đó cũng mở dần ra chặng đường ông liên tục tìm hiểu thông tin, tìm hiểu về cha mình, gia đình mình, và chính bản thân mình.


* Những khoảnh khắc nước Mỹ

Cuốn hồi ký này cho thấy một nước Mỹ bị chia rẽ và chịu ảnh hưởng vì chiến tranh tại Việt Nam từ những năm 1960: “Hồi năm 1969, khi tôi đến Stanford, sự bất ổn của đất nước đang ở đỉnh điểm, có cảm giác rằng có thể xảy ra, thậm chí sắp xảy ra, một cuộc cách mạng tư tưởng thực sự rộng khắp. Nhưng đến giữa thập kỷ 70, đà tiến đó hụt hơi… Cách mạng thì chưa diễn ra nhưng sự đen tối của đất nước châm ngòi cho cuộc cách mạng ấy thì vẫn còn đó…. Điều này đặc biệt đúng với những người trở về từ chiến trường Việt NAm. Ngày nay, chúng ta hiểu những hậu quả kéo dài hàng thập kỷ, hàng nghìn cựu chiến binh sang chấn tâm lý và nhiều hệ quả khác…”

Sau khi bản tiếng Anh Because our fathers lied ra mắt, tác giả cho biết ông đã nhận hàng trăm thư từ và email của độc giả. Đó là những cựu chiến binh, thành viên phong trào phản chiến và những người gặp gỡ Robert McNamara. “Những thư từ và chia sẻ trong các buổi giới thiệu sách cho thấy nước Mỹ vẫn tiếp tục đau đớn vì những mạng sống đã mất đi, và vì sự chia rẽ trong nội bộ đất nước mà những lời nói dối của cha tôi ở lầu Năm góc gây ra. Nhưng thông điệp cảm động nhất tôi nhận được lại là từ những người con, trong đó có con của những nhân vật tai tiếng nhất. Họ viết cho tôi về những đau khổ mà người cha lạc lối, bỏ bê thậm chí là tàn ác để lại. Những nỗi đau đã không biến đi đâu cả, vẫn luôn tồn tại trong đời họ.”

Để viết cuốn sách này, tác giả đã nghiên cứu nhiều tư liệu. Phần nghiên cứu lịch sử chủ yếu qua trò chuyện với những người liên quan, đặc biệt với Daniel Ellsberg và Phillip Taubman, Errol Morris và các sử gia, người viết hồi ký và nhà báo viết về cuộc chiến. Tác giả cũng nhắc về những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử: khi tổng thống Mỹ mời tân chủ tịch của tập đoàn Ford Motor, ông Robert McNamara giữ chức vụ mới; khi tổng thống Johnson tặng Huân chương Tự do cho Robert McNamara ở Nhà Trắng năm 1968; cựu bộ trưởng Quốc phòng trước những phiên điều trần và trả lời phỏng vấn; những cuộc biểu tình phản chiến; phản ứng và tổn thương của cựu chiến binh và công chúng Mỹ…

 

* Đến Việt Nam - Nỗ lực thấu hiểu và hàn gắn

Năm 1995, khi Robert McNamara sang Việt Nam, Craig McNamara đã đề nghị được đi cùng, nhưng cha ông từ chối. Sau đó gần 20 năm, ông tự sang Việt Nam, đến Hà Nội, gặp con trai của tướng Giáp và trải nghiệm nhịp sống ở thành phố này. Ông cũng từng đi Huế, thăm dấu tích còn lại của hàng rào điện tử McNamara. Ông cũng đến Sài Gòn và vào ngôi nhà từng là tư dinh của Henry Cabot Lodge Jr., đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam trong những năm đầu Mỹ can dự. Với người hướng dẫn tự thuê trong lần đến Việt Nam đầu tiên đó, ông đã ngồi xe máy, ăn ở vỉa hè, cảm nhận sức sống của một đất nước hòa bình.

Lần gần đây nhất, vào năm.2025, ông đến Việt Nam và cùng đoàn phim VTV đi 6 tỉnh thành, thăm lại các nơi gắn với Robert McNamara trong thời gian chiến tranh như bãi biển Đà Nẵng, hàng rào điện tử Mc.Namara, sân bay Tà Cơn, căn cứ B1 Hồng Phước… Ông cũng đã đi thăm nơi diễn ra cuộc thảm sát Mỹ Lai, Nghĩa trang Trường Sơn và trò chuyện cùng các cựu chiến binh, những nạn nhân chất độc da cam. Kết quả của hành trình này và những chia sẻ của ông thể hiện trong bộ phim 2 tập “Cuộc đọ sức của ý chí.”

Trong hồi ý của Robert McNamara, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đưa ra 11 bài học:

1/ Thấu hiểu kẻ thù

2/ Chỉ lý trí thôi sẽ không cứu được chúng ta

3/ Ngoài bản thân mình, còn nhiều thứ nữa

4/ Tối đa hóa hiệu quả

5/  Trong chiến tranh, phải tuân thủ tính tương xứng

6/ Dựa vào dữ liệu

7/ Cả niềm  tin và sự quan sát thường đều sai

8/ Sẵn sàng xem xét lại lý lẽ của bạn

9/ Để có điều thiện, có thể phải làm điều ác

10/ Không bao giờ nói không bao giờ

11/ Bản chất con người là không thể thay đổi

Cuộc chiến cứu nước tại Việt Nam đã cho thấy những đúc kết và tính toán dựa trên dữ liệu không tính tới một yếu tố quan trọng: cảm xúc con người, tình yêu nước và ý chí của nhân dân Việt Nam.

Đối với bạn đọc Việt Nam, cuốn sách này cung cấp nhiều thông tin về một giai đoạn lịch sử, những cảm xúc từ góc độ người dân Mỹ, từ góc độ của một gia đình người Mỹ đặc biệt.

 

Link thông tin và hình ảnh chi tiết:

https://drive.google.com/drive/u/0/folders/1QpiU1OhC3SwTqVQZhC-__3o8nG2AvXTZ

 

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

Các Tin Tức Khác