Với cuốn 2 trong series truyện trinh thám xoay quanh chàng thám tử Cormoran Strike, đại phù thủy ngôn từ có vẻ quyết không trở về thế giới huyễn ảo mà dấn hẳn vào giới Muggles – Người thực (Bộ Harry Potter phiên bản có tranh minh họa đã ra tập 1 và hứa hẹn là một dự án dài hơi thành công, nhưng dù sao cũng chỉ là một sản phẩm giá-trị-gia-tăng)
Nếu như The Casual Vacancy (Bản Việt: Khoảng trống) xuất bản năm 2012 có thể xem là lời chấp nhận thách thức công khai và và quyết liệt của J.K.Rowling khi lao từ đỉnh cao chót vót sang một lãnh địa hoàn toàn mới; thì tập đầu của series trinh thám - The Cuckoo’s calling (Bản Việt: Con chim khát tổ) – ra mắt lặng lẽ hơn nhiều vì Rowling dùng bút danh khác và kiểm soát ngặt nghèo mọi khả năng tiết lộ thông tin Robert Galbraith chính là mình. Ngay cả khi Con Tằm xuất bản và ai cũng rõ tác giả là người-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, thì trong các bản quy định về truyền thông sách ở các nước cũng ghi rõ phải marketing bộ trinh thám này riêng biệt, càng ít dính dáng tới bút danh cũ và Harry Potter càng tốt.
Có thể thực sự bà ẩn danh để “viết cho thoải mái, không đặt nặng doanh số” (theo trả lời phỏng vấn The Guardian). Có thể sau nhiều vinh quang không thiếu phần hư ảo, bà muốn lắng nghe những nhận xét thật lòng không thành kiến. Mà cũng có thể, theo nhận xét riêng của người viết, Rowling cẩn thận vì thể loại trinh thám – tội phạm bà đang nhảy vào là một vùng biển tiềm năng nhưng đồng thời số cá lớn cũng “quá đông, quá nguy hiểm”.
Các fan dòng trinh thám – tội phạm hẳn đã quá quen thuộc với chàng điệp viên James Bond, con đẻ của nhà văn Anh Ian Flaming. Một cái tên nữa không xa lạ: nữ hoàng trinh thám Agatha Christie, người giữ kỷ lục Guiness về sách trinh thám bán chạy nhất mọi thời đại, cũng là người Anh. Các báo lớn của Anh không thiếu những bài review, thống kê sách thể loại này; các kênh truyền hình đầy thể loại phim phá án dài tập làm mê mẩn bà con xứ sương mù, nhất là series Sherlock Homes, nhân vật huyền thoại của Sir Conan Doyle (dân Scotland, mất ở Anh!). Vai chính thôi thì đủ cả: thám tử của cảnh sát, thám tử tư, cặp đôi phá án hoàn hảo, nhóm thám tử đủ loại tính cách và tài năng, luật sư, nhà tâm lý đại tài....khai thác đủ mọi khía cạnh của quá trình phá án, từ tìm thủ phạm cho tới xét xử.
5 LÝ DO ĐỂ KHÔNG THỂ BỎ QUA "CON TẰM"
Trong một cái “biển” quá nhiều cao thủ và cạnh tranh như vậy, danh tiếng lẫy lừng trong dòng văn học thiếu niên – huyền ảo rất có thể gây thành kiến ngược: khiến cánh phê bình lẫn dân nghiện trinh thám đích thực phải nhướng mày dè dặt, thay vì đổ xô đi mua. Một lưu ý nữa về bút danh: Cái tên J.K. Rowling là một tên “trung tính”, không chỉ rõ tác giả là nam hay nữ, nhằm thu hút cả độc giả là thiếu niên nam. Nhưng Robert Galbraith là một cái tên lồ lộ nam tính. Một tuyên ngôn của Rowling về “cá tính bên trong” hay để tránh thành kiến về giới khi gia nhập làng trinh thám?
Trước khi bị lộ danh tính thật của tác giả, Con chim khát tổ đã bán được hơn 17 ngàn bản (bao gồm cả sách điện tử, sách nói), không thua gì so với thời một Rowling vô danh tiếng ra tập đầu trong bộ Harry Potter. Sách còn được BBC chuyển thể thành phim truyền hình dài tập, đủ để series “sống khỏe” trong mảng sách đầy cạnh tranh này.Vậy cuốn thứ 2 Con Tằm, nếu gạt sang một bên những ưu ái khi đã biết tên tác giả thì có gì đáng chú ý?
Thứ nhất, dù chuyển sang thể loại nào, Rowling vẫn không hổ danh là một “bậc thầy kể chuyện”. Sách trinh thám, dày, nhưng “níu mắt” người đọc liên tục không chỉ ở những đoạn thắt mở cao trào mà còn ở từng chi tiết thú vị nho nhỏ trong bối cảnh hay các nhân vật phụ, dù xuất hiện ít mấy cũng có nét cá tính đặc trưng. The NewYork Times số ngày 23 tháng Sáu, 2014, trong bài bình The Silkworm, khen: “Reading Rowling on writing is delicious fun.”
Thứ hai, bối cảnh. Rowling đổ rất nhiều công sức để tìm hiểu và xây dựng bối cảnh sát thực, sinh động. Nếu như trong Con Chim Khát Tổ, cuộc điều tra len lỏi giữa giới showbiz phù hoa với đầy đủ danh tiếng, chiêu trò, thuốc, rượu, bi kịch cá nhân…thì Con Tằm lấy bối cảnh mà có lẽ hiếm ai rành rẽ hơn Rowling: Ngành xuất bản. Những thói tật đủ kiểu của các tác giả best-seller, giới biên tập, bản thảo và truyền thông…gây tò mò không kém đường dây chính truyện. Với nhân vật thám tử tư là lính cựu, bà lấy chất liệu từ nhân viên từng thực sự làm cho đơn vị Điều tra đặc biệt.
Thứ ba, Rowling tỏ ra là một tác giả chuyên nghiệp khi rất tiếp thu và chịu thay đổi để “chiều” độc giả. Ví dụ cái tên The Cuckoo’s calling bị cho là rối, khó hiểu, thì tập 2 tựa thẳng tuột là The Silkworm, khỏi thắc mắc, tất nhiên vẫn lồng ý ngầm, ví nhà văn như con tằm, phải chết để cho ra sợi tơ óng. Rồi tập 1 bị bình hơi lê thê, nhiều lý luận ít hành động, tập 2 liền có mấy pha đụng xe, hành động trên đường thót tim. Chưa kể nút thắt ban đầu của truyện cũng gây kích thích hơn nhiều so với tập 1, khi xác chết được bày biện rùng rợn như trong một nghi lễ hiến tế.
Thứ tư, không sa vào “sến súa, tình tứ”. Thám tử Cormoran Strike nam tính, xù xì từ ngoài vào trong. Lính cựu, giỏi nghề, sắc sảo, to lớn kềnh càng, dễ nổi nóng dù biết kiên nhẫn khi cần. Với óc quan sát tinh tế của một phụ nữ từng trải, Rowling khéo léo giữ cho hành động và suy nghĩ của Strike luôn thống nhất với cá tính đó; anh chàng nhiều ưu điểm mà cũng không ít nhược điểm. Đủ sức hấp dẫn nhất định với phái nữ, nhưng không “ra mặt” như kiểu James Bond đời đầu. Ngay cả nữ trợ lý Robin của Strike cũng không thuộc khuôn mẫu “đồng nghiệp kiêm người yêu đơn phương”: cô nàng thông minh, xinh đẹp, nhưng đã có chồng chưa cưới.
Thứ năm, tính nhân văn. Rowling không từ bỏ sở trường của mình là mô tả những mối quan hệ và con người. Trong Con tằm, bà dành đất nói về cách hành xử của các nhà văn có tiếng tăm với vợ con, đồng nghiệp; mối tình buồn của Strike và người yêu cũ giàu có, cả cuộc hôn nhân tương lai của Robin, tưởng chừng hoàn hảo mà đụng phải sự cố là rung chuyển, đặc biệt là tâm lý tội phạm. Strike giỏi võ và có nghề, nhưng anh phá án giỏi phần nhiều do biết lắng nghe, và phán đoán tốt tâm tính người khác. Và trên hết: đằng sau mỗi cá nhân luôn có một Câu Chuyện.
Con chim khát tổ bùng nổ doanh thu có thể vì cái tên Rowling. Con Tằm liên tục đứng top bán chạy tại Anh sau khi độc giả đã có thời gian “tiêu hóa” cuốn 1, vậy chắc hẳn nó ẩn chứa những yếu tố tự thân đáng khám phá ngoài lợi thế đó.
MAI LY