Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Tác giả chỉ được bảo vệ nếu Việt Nam sửa luật theo công ước Berne
Cập nhật ngày: 08/12/2017

Những khoảng chênh trong luật về quyền tác giả của Việt Nam so với quốc tế dẫn đến tình trạng các tác giả Việt Nam chưa được bảo vệ bằng luật, và nhiều vụ kiện quyền tác giả chưa được tòa án giải quyết.

Đây là một nội dung "gây hoang mang" cho nhiều bạn đọc trong buổi trò chuyện với giáo sư, luật sư Nguyễn Vân Nam tại TP.HCM sáng 7-12 về chủ đề quyền tác giả trong thời kỳ hội nhập. 

Buổi tọa đàm có sự tham gia của tác giả Nguyễn Phi Vân trong vai trò dẫn chuyện. 

Và mặc dù thực sự có quan tâm đến đề tài hội nhập cũng như bản thân đã xuất bản một số sách về đề tài Việt Nam hội nhập với cộng đồng quốc tế, Phi Vân chính là người thốt lên hai chữ "hoang mang" khi nghe luật sư Nguyễn Vân Nam phân tích các bất cập tồn tại "một cách đáng ngạc nhiên" trong đời sống pháp luật về quyền tác giả tại Việt Nam.

Tác giả bị... quên

 

Mọi người thực sự ngỡ ngàng khi nghe ông Vân Nam chỉ ra rằng: luật về quyền tác giả ở Việt Nam không có điều khoản nào công nhận tác giả có "quyền được công nhận là tác giả". 

Đây là một điều hết sức thiếu sót, bởi chính nội dung "quyền được công nhận là tác giả" này là cơ sở quan trọng để xác định các hành vi "đạo" tác phẩm.

"Đạo tác phẩm hiểu theo nghĩa thông thường là lấy tác phẩm người khác làm của mình, nhưng nói theo ngôn ngữ luật thì đạo là hành vi chiếm đoạt của người khác cái quyền được công nhận là tác phẩm ấy", luật sư Vân Nam dẫn chiếu.

Ông Nam cũng liệt kê rằng hầu hết các điều luật về quyền tác giả của Việt Nam đều hoặc thiếu sót, hoặc sơ suất, hoặc sai hoàn toàn.

"Trong đó có những sơ suất về dùng từ ngữ. Trong khi ở Đức, ngày đầu tiên tôi vào lớp học luật, giáo sư đứng lớp nói rằng: Luật học là khoa học về sử dụng ngôn ngữ. Cho nên, với luật là phải dùng ngôn ngữ chính xác".

Giáo sư luật học Nguyễn Vân Nam

Định nghĩa tác phẩm của luật Việt Nam, yếu tố tác giả cũng bị quên. Việt Nam định nghĩa tác phẩm chỉ đơn giả là "sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào". 

Trong khi đó, công ước Berne mà Việt Nam cũng đã tham gia lại định nghĩa tác phẩm là "sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân". 

Yếu tố "sáng tạo tinh thần" và "mang dấu ấn cá nhân" ấy là gắn liền với tác giả, là cơ sở để xác định tác giả của tác phẩm. Ấy vậy mà những nhà làm luật Việt Nam khi soạn quyền tác giả lại... quên. 

Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển tốc độ nhanh như hiện nay, cách hiểu về tác giả cực kỳ quan trọng trong vấn đề giao dịch bản quyền. 

"Dấu ấn cá nhân" gắn liền với thể nhân, tức là con người - đây dự kiến sẽ là một nội dung không thể thiếu trong tương lai khi máy móc cũng tham gia làm ra nhiều tác phẩm, và chắc chắn con người sẽ rơi vào tranh cãi liệu máy móc có trở thành tác giả hay không?

 

Tác giả chỉ được bảo vệ nếu sửa luật...

Giáo sư Vân Nam ghi nhận rằng chúng ta đang nôn nóng bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ở đó, hầu hết việc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin được thực hiện qua các mạng tương tác. 

Hiện nay tòa án của Liên minh châu Âu có nói rằng: Bất kỳ hoạt động nào trên mạng cũng đều liên quan đến quyền nhân bản tác phẩm. Trong khi đó, Việt Nam còn rất thiếu các nội dung luật ở lĩnh vực này.

Ông Nam lưu ý thêm: Có thể hiện nay các tập đoàn đa quốc gia chưa lên tiếng về việc Việt Nam vi phạm bản quyền ở lĩnh vực số và nhân bản tác phẩm, nhưng đến một lúc nào đó họ lên tiếng thì sẽ thật nguy hiểm.

Theo đó, các dấu hiệu để suy đoán là tác giả được công nhận và sử dụng cho đến khi có chứng minh ngược lại. Luật Việt Nam lại chưa có quy định như thế này. 

Cho nên, trả lời câu hỏi một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ tại buổi trò chuyện rằng liệu Nhà xuất bản có thể làm gì để bảo vệ tác giả của mình, luật sư Vân Nam cho rằng: thực ra các nhà xuất bản cũng không làm được gì nhiều, chủ yếu là tuân thủ các quy định thôi. 

Và "tác giả Việt Nam chỉ được bảo vệ hiệu quả nhất khi luật Việt Nam được sửa đổi cho phù hợp với Công ước Berne. Tác giả phải được bảo vệ bằng luật", ông nhấn mạnh.

Luật về quyền tác giả còn nhiều vấn đề tiến bộ và cần thiết cho hội nhập, bởi nó thể hiện trình độ văn minh của nhân loại. 

Chẳng hạn ông Vân Nam cho biết trong âm nhạc có trường hợp "tiếp thu vô thức", các nước có quy định, và trong trường hợp tiếp thu vô thức thì không thể kết luận người ta "đạo nhạc". Thế nhưng với luật Việt Nam hiện nay thì còn lâu lắm ta mới "với tới" chỗ ấy trong quyền tác giả.

Chúng ta dễ kết án ai đó dựa trên những cơ sở chung chung, một ý tưởng rất chủ quan. Vừa thấy cậu bé quay 30 phút đã nói cậu ta livestream một bộ phim, đã nói rằng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng vi phạm quyền gì? Thì không nói được.

Một tranh chấp dân sự có thể bị quy chụp thành tranh chấp hình sự. Đây là điều nghiêm trọng. Vì vậy, tôi mới viết sách, để mọi người thấy rằng muốn kết án ai đó thì phải dựa vào những điều luật này điều luật này này. Nếu như ta chưa có điều luật ấy thì không thể kết tội được, mà ta phải sửa luật đi. Một nhà nước pháp quyền thì phải là như vậy.

Nguyễn Vân Nam

Theo Báo Tuổi Trẻ - LAM ĐIỀN
QUYỀN TÁC GIẢ: ĐƯỜNG HỘI NHẬP KHÔNG TRẢI HOA HỒNG
Các Tin Tức Khác