Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

“Sách và Tôi”: Hãy đọc sách dù tình yêu đi mất!
Cập nhật ngày: 20/04/2021

Nằm trong khuôn khổ hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 (21/4), Ngày Sách và Bản Quyền Thế giới (23/4), talkshow “Sách và Tôi” do NXB Trẻ tổ chức đã thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và chia sẻ về văn hóa đọc sách.

Sáng 20/4, talkshow “Sách và Tôi” diễn ra tại sân khấu A, đường sách Nguyễn Văn Bình (Q1, TP.HCM) với sự tham gia của các diễn giả là những người có thâm niên gắn bó lâu năm với ngành xuất bản sách: ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM, Giáo sư Phan Văn Trường, và Doanh nhân Nguyễn Phi Vân.

Đánh giá thị trường sách hiện nay, ông Lê Hoàng nhận xét đó là “một sự phát triển thần kỳ” cả về số lượng đầu sách, chủng loại đề tài và nội dung phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Với trung bình hơn 37.000 đầu sách mới được xuất bản mỗi năm, thị trường sách đang hướng đến tính cá thể hóa ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu vô cùng đa dạng đến từ bạn đọc.

Cả 3 khách mời đều khẳng định tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong quá trình hình thành triết lý sống, nhân sinh quan và những thành công trong sự nghiệp. “Nếu không có những cuốn sách đồng hành trên các chuyến bay công tác khắp nơi trên thế giới thì có lẽ sẽ không có tôi ngồi đây hôm nay”, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, đứng trước một biển sách “khổng lồ” như vậy, làm thế nào để chúng ta có thể dung nạp hết những tri thức quý báu và bổ ích ấy?

GS Phan Văn Trường nhấn mạnh đến “nội lực” bên trong mỗi người. “Đó chính là cái thúc giục chúng ta có làm việc này hay việc kia không. Với đọc sách, ở mỗi thời điểm chúng ta sẽ có những nhu cầu khác nhau. Chính vì vậy nội lực, mong muốn được đọc tựa sách nào sẽ tùy thuộc vào nhu cầu ngay lúc đó.” Ông còn dí dỏm: “Hãy có trong tủ sách những cuốn về tình yêu, vì biết đâu lỡ một ngày tình yêu đi mất, bạn sẽ cần đọc nó đấy.” 

Tương tự, “chúng ta cần phải có phải có lý do vì sao bản thân muốn đọc sách” là quan điểm bà Nguyễn Phi Vân luôn khẳng định xuyên suốt buổi trò chuyện. “Chúng ta cần nhìn vào bên trong bản thân mình chứ không nên phụ thuộc vào ngoại cảnh, chúng ta đọc vì có nhu cầu chứ không vì mọi người xung quanh có đọc sách hay không.”

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hoàng nói thêm: “Chúng ta chỉ nên đọc sách theo nhu cầu của bản thân để không bị lạc lối. Tuy nhiên, bên cạnh việc quan tâm đến những nội dung đáp ứng được nhu cầu đọc, chúng ta cũng cần tìm hiểu và lựa chọn các tác giả và nhà xuất bản uy tín để đảm bảo độ tin cậy về chất lượng cao.

Khi đã có động lực và lựa chọn được những cuốn sách phù hợp với nhu cầu đọc và phát triển bản thân, chúng ta có cần tiếp thu toàn bộ những vốn quý trong từng cuốn sách đó không? Về vấn đề này, các diễn giả đều cho rằng người đọc không nhất thiết phải hoàn toàn nghe theo ý kiến, quan điểm của tác giả. “Những cuốn sách khác nhau có thể đem đến cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng cuối cùng chúng ta mới là người đưa ra quyết định trong cuộc sống của mình”, bà Nguyễn Phi Vân nói. 

Ông Lê Hoàng bổ sung: “Muốn phản biện tốt chúng ta phải có nội lực tốt. Nội lực đó được hình thành từ chính những trải nghiệm sống, vốn sống càng dày thì trải nghiệm đọc sách càng được nâng tầm. Giống như khi ta đọc một cuốn sách đến lần thứ hai, thứ ba, chúng ta càng vỡ lẽ nhiều hơn về những gì cuốn sách mang lại.”

Talkshow kết thúc sau khoảng 2 giờ bàn luận sôi nổi giữa các diễn giả và bạn đọc quan tâm đến chủ đề “Sách và Tôi”. Thu Hương, sinh viên Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ: “Những câu chuyện và chia sẻ tâm huyết của các diễn giả đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều. Mình cũng đã hiểu hơn về việc lựa chọn sách và nên đọc sách thế nào cho hiệu quả.”

Trần Phương

Các Tin Tức Khác