NXB Trẻ trân trọng giới thiệu loạt sách dành cho doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân 13-10 với những thông tin và dữ liệu sâu rộng về sự phát triển của nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, hoạt động Marketing thời kỳ mới với bước chuyển mình mạnh mẽ cho tương lai.

CHẠM ĐỂ "MỞ" NỀN KINH TẾ DI ĐỘNG
Người tiêu dùng tạo ra kho dữ liệu bằng cách chạm vào chiếc điện thoại của mình; còn các doanh nghiệp có thể khai thác những kho dữ liệu này để làm chủ sức mạnh của nền kinh tế di động trị giá hơn 3.000 tỉ đô-la. Theo Anindya Ghose, chuyên gia toàn cầu về kinh tế di động, sự trao đổi hai chiều này có thể có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Trong CHẠM, Ghose chào đón chúng ta bước vào nền kinh tế di động, ở đó có điện thoại thông minh, các công ty thông minh, và những người tiêu dùng đang tìm kiếm giá trị.
Dựa trên nghiên cứu chuyên sâu của mình được thực hiện ở Mỹ, châu Âu, và châu Á, và dựa trên nhiều ví dụ thực tiễn từ những công ty như Alibaba, China Mobile, Coke, Facebook, SK Telecom, Telefónica, và Travelocity, Ghose trình bày những nghịch lý đáng tò mò trong hành vi của người tiêu dùng: con người tìm kiếm sự ngẫu hứng, nhưng lại dễ đoán; họ thấy quảng cáo phiền phức, nhưng lại sợ bỏ qua; con người muốn có sự lựa chọn và tự do, nhưng lại dễ bị choáng ngợp; họ coi trọng quyền riêng tư, nhưng lại không ngừng sử dụng dữ liệu cá nhân như một thứ tiền tệ. Ghose biện luận rằng khi làm tốt quảng cáo di động, điện thoại di động sẽ đóng vai trò là người gác cổng riêng – một quản gia, chứ không phải kẻ rình rập.
Ghose chỉ ra chín động lực hình thành nên hành vi của người tiêu dùng, bao gồm bối cảnh, địa điểm, thời gian, sự nổi bật, đám đông, thời tiết, lịch sử chu trình mua sắm, tương tác xã hội, và hỗn hợp công nghệ. Đồng thời Ghose cũng xem xét cách các động lực này vận hành, khi đứng riêng rẻ và khi kết hợp với nhau. Với CHẠM, Ghose nêu bật tầm ảnh hưởng thật sự của điện thoại di động đối với người mua sắm, những động lực về kinh tế và hành vi đằng sau ảnh hưởng đó, và những cơ hội béo bở mà nó mang lại. Trong thế giới của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, công nghệ đeo trên người, nhà thông minh, và Internet Kết nối Vạn vật, tương lai của nền kinh tế di động dường như vô hạn.
CÔNG NGHIỆP TƯƠNG LAI
Đây là một cuốn sách quan trọng mà thiết nghĩ không ai nên bỏ qua, đặc biệt là những bạn trẻ đang trên đường tìm kiếm những con đường hứa hẹn nhất để xây dựng sự nghiệp.
Được viết bởi một chuyên gia lão luyện trong xây dựng chính sách công nghiệp của Hoa Kỳ, cuốn sách khởi đầu bằng việc nêu lên với những mũi nhọn của công nghiệp tương lai (robot, máy người, dữ liệu lớn, nông nghiệp chuẩn xác, kinh tế chia sẻ, bitcoin…), với tất cả những mặt trái và mặt phải của chúng, những nỗi lo lắng (tấn công mạng, robot thống trị con người…), những tia hy vọng (giảm đói nghèo, cơ hội nghề nghiệp mới...).
Cuốn sách đặc biệt thú vị ở phần bàn về địa lý của các thị trường tương lai. Phần này cho thấy việc nắm bắt các xu hướng công nghiệp và dựa vào đó để định hướng chính sách là yếu tố tiên quyết cho sự thành công ở từng quốc gia. Nó cũng cho thấy sự cởi mở xã hội, dân chủ, bình quyền nam nữ, tôn trọng quyền tác giả đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc giữ các quốc gia ở tuyến đầu của sự phát triển. Một cuốn sách đầy hấp lực.
LÀN SÓNG THỨ BA: TẦM NHÌN CỦA MỘT DOANH NHÂN VỀ TƯƠNG LAI
Làn sóng Thứ ba là kỷ nguyên mà Internet sẽ không còn thuộc về các công ty Internet nữa. Đó là kỷ nguyên mà trong đó các sản phẩm sẽ yêu cầu sự có mặt của mạng Internet, kể cả khi Internet không nằm trong định nghĩa của những sản phẩm đó. Đó là kỷ nguyên mà thuật ngữ “Internet hóa” sẽ trở nên bình thường như thuật ngữ “điện khí hóa” trước đây, như thể chẳng có sự khác biệt nổi bật nào giữa hai thuật ngữ trên. Đó là kỷ nguyên của Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT).
Steve Case – đồng sáng lập của AOL – trình bày một “lộ trình thuyết phục dành cho tương lai… giúp chúng ta có thể hiểu được những thay đổi về công nghệ đang định hình nền kinh tế của chúng ta và thế giới của chúng ta như thế nào”.
Trong quyển sách này, Case dùng hiểu biết sâu sắc của mình tích lũy được qua hàng thập kỷ làm việc như một nhà đổi mới, nhà đầu tư, doanh nhân để nêu bật tầm quan trọng của khởi nghiệp và vạch ra lộ trình cho những nhà đổi mới tương lai.
Vừa như một hồi ký, vừa như một tuyên bố, vừa như một hướng dẫn về tương lai, quyển sách này giải thích nguyên do các công ty công nghệ mới nổi sẽ phải tư duy lại mối quan hệ của họ với khách hàng, với đối thủ, và với chính quyền; và đưa ra lời khuyên để các doanh nhân có thể ra những quyết định và chiến lược kinh doanh thành công – và chỉ cách để tất cả chúng ta có thể hiểu được kỷ nguyên số không ngừng thay đổi này.
NỀN KINH TẾ CHIA SẺ: SỰ KẾT THÚC CỦA VIỆC LÀM, VÀ SỰ TRỖI DẬY CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN DỰA-TRÊN-ĐÁM-ĐÔNG
Arun Sundarajan giải thích sự chuyển biến đến trạng thái mà ông mô tả là "chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông" - một phương cách tổ chức hoạt động kinh tế mới mẻ có thể thế chỗ cho mô hình truyền thống lấy công ti làm trọng tâm.
Dựa vào những nghiên cứu có chiều sâu và nhiều ví dụ từ thế giới thực - bao gồm Airbnb, Lyft, Uber, Etsy, TaskRabbit, BlaBlaCar của Pháp, Didi Kuaidi của Trung Quốc, Ola của Ấn Độ, Sundararajan giải thích được những căn bản của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông. Ông mô tả sự pha trộn lý thú giữa “quà tặng” và “thị trường” trong quá trình chuyển hóa của chúng, làm sáng tỏ những công nghệ chuỗi khối đang xuất hiện, và phân loại những nền tảng theo-yêu-cầu đang gia tăng chóng mặt. Ông bàn luận về việc hình thái mới này sẽ làm thay đổi sự tăng trưởng kinh tế và tương lai của việc làm ra sao. Liệu chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà chúng ta là những doanh nhân được trao quyền và được thụ hưởng sự linh hoạt và độc lập trong chuyên môn? Hay chúng ta sẽ trở nên những người lao động bị tước quyền, chạy nhốn nháo giữa các nền tảng tìm công việc kế tiếp để chèn vào? Sundararajan nhấn mạnh tầm quan trọng của các lựa chọn chính sách. Ông gợi ý những hướng đi mới dẫn đến hình thành những tổ chức tự điều tiết, đến luật lệ lao động, và việc cấp vốn cho mạng lưới an sinh.
MARKETING TRÊN MẠNG XÃ HỘI - 10 BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ TIẾP THỊ THÀNH CÔNG BẢN THÂN VÀ DOANH NGHIỆP
Sách hướng dẫn thiết thực để quảng bá bản thân lẫn doanh nghiệp thông qua mạng xã hội
Hầu hết mọi người đều có tài khoản ở ít nhất một trong những nền tảng kết nối xã hội trực tuyến phổ biến như Facebook, Twitter hay YouTube. Tuy nhiên, rất ít người biết cách làm thế nào để “tiếp thị” bản thân hay doanh nghiệp của họ một cách hiệu quả trên các nền tảng này. Trong quyển sách này, chuyên gia truyền thông mạng xã hội hàng đầu Linda Coles sẽ hướng dẫn bạn thực hành cụ thể từng bước để bạn có thể quảng bá thành công doanh nghiệp hoặc kỹ năng của mình đến mọi người thông qua mạng xã hội.
Đầu tiên, sách sẽ giúp bạn lựa chọn đâu là trang mạng xã hội phù hợp nhất với mục tiêu kinh doanh mà bạn hướng đến, sau đó bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu những ưu và nhược điểm của từng trang mạng xã hội lớn. Với những kỹ thuật đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, đây thực sự là một quyển sách hướng dẫn thiết thực cho các nhà tiếp thị, những người khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm cách tận dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu và tăng độ phủ sóng thương hiệu của mình.
Linda Coles là một chuyên gia về truyền thông mạng xã hội. Bà hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các công cụ trực tuyến để gia tăng khách hàng và mở rộng mạng lưới làm ăn. Không những đi diễn thuyết tại các hội thảo, viết sách về xây dựng mối quan hệ, bà còn tư vấn cách tận dụng những mối quan hệ, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến, để phát triển mạng lưới làm ăn kinh doanh và kết nối trực tuyến hiệu quả.
MARKETING ĐỂ CẠNH TRANH: TỪ CHÂU Á VƯƠN RA THẾ GIỚI TRONG KỶ NGUYÊN TIÊU DÙNG SỐ
Châu Á là khu vực có dân cư đông nhất, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng khắp các quốc gia khiến cho nơi đây trở thành một thị trường sinh lời lớn. Ngoài ra, châu Á còn là một thị trường năng động, phát triển nhanh về mặt công nghệ và kỹ thuật số. Nghiên cứu của Google và Temasek cho thấy Đông Nam Á là khu vực phát triển internet nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế internet ở Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng 6,5 lần từ 31 tỷ đô la năm 2015 lên đến 197 tỷ đô la năm 2025. Như thế, dưới góc độ marketing, các nhà tiếp thị nếu muốn làm ăn thành công bất kể là trong nước, khu vực hay toàn cầu, đều cần phải hiểu được những gì đang diễn ra tại châu Á và những cơ hội mà châu Á có thể mang lại cho thế giới. Một hiện tượng đang diễn ra ở thị trường châu Á mà các nhà tiếp thị cần hết sức chú ý đó là cuộc cách mạng công nghệ số diễn ra nhanh chóng không chỉ thay đổi triệt để phạm vi mà còn cả bản chất của môi trường cạnh tranh nơi đây. Bối cảnh cạnh tranh ở châu Á ngày càng khó khăn và phức tạp vì cuộc cách mạng công nghệ số đang tác động lên hành vi mua sắm của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đem đến những công nghệ mang tính xáo trộn, những đối thủ cạnh tranh mới, đồng thời giúp những đối thủ cạnh tranh hiện có vượt ra khỏi những ranh giới cạnh tranh quen thuộc. Người tiêu dùng châu Á thì ngày càng thông thái hơn, kết nối nhiều hơn và có nhiều phương cách mới mẻ hơn trong lựa chọn, mua sắm và sử dụng sản phẩm lẫn dịch vụ. Trong quyển sách này, cha đẻ của ngành marketing hiện đại Philip Koter đã cộng tác với hai chuyên gia marketing đến từ châu Á là Hermawan Kartajaya từ Indonesia và Hooi Den Huan từ Singapore để cho ra đời tác phẩm Marketing để cạnh tranh - từ châu Á vươn ra thế giới trong kỷ nguyên người tiêu dùng số. Quyển sách này cho thấy mối quan hệ trong hoạt động marketing không còn chỉ mang tính hàng dọc một chiều nữa mà đã trở nên ngang hàng hơn giữa các bên. Ngoài việc đưa ra những khái niệm và khung lý thuyết mới, quyển sách còn nêu lên vô số ví dụ thực tế về doanh nghiệp tại những quốc gia châu Á, từ đó làm sáng tỏ cách thức các công ty, tầm cỡ châu Á lẫn toàn cầu, cạnh tranh ra sao tại châu Á. Từ đó, mọi doanh nghiệp trên thế giới có thể rút ra bài học cho họ để làm thế nào có thể chinh phục được lý trí lẫn con tim của khách hàng châu Á, cả về mặt kỹ thuật số lẫn phi kỹ thuật số.
THẾ GIỚI ALIBABA CỦA JACK MA
Tháng 9 năm 2014, một công ty Trung Quốc mà hầu hết người Mỹ chưa từng nghe nói tới đã tổ chức cuộc lên sàn niêm yết lần đầu (IPO) lớn nhất trong lịch sử – lớn hơn Google, Facebook và Twitter cộng lại. Alibaba, giờ đây là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, gần như thoát khỏi nhận biết của phương Tây suốt cả chục năm, trong khi đó xây dựng một cơ sở khách hàng lớn hơn gấp đôi quy mô cơ sở khách hàng của Amazon, và xử lý một lượng giao dịch thương mại điện tử khổng lồ ở Trung Quốc. Chuyện này đã xảy ra như thế nào? Và nó theo cùng với công cuộc cải cách như thế nào?
Trong Thế giới Alibaba của Jack Ma, tác giả Porter Erisman, một trong những nhân sự người phương Tây đầu tiên làm việc cho Alibaba và là người dẫn dắt chiến lược marketing quốc tế của công ty này từ năm 2000 đến 2008, cho thấy Jack Ma một thầy giáo dạy tiếng Anh người Trung Quốc hai lần trượt đại học, từ vô danh nổi lên thành nhà sáng lập Alibaba và dẫn dắt công ty này từ giai đoạn khởi nghiệp chật vật gian khổ trở thành đấu thủ áp đảo lĩnh vực thương mại điện tử của thế giới. Ông chia sẻ những câu chuyện tan nát trong sự sụp đổ dotcom, đối mặt và đánh bại eBay và Google, thương lượng với các quan chức chính phủ khó lường, và chịu đựng những tư vấn sai lầm của chuyên gia nước ngoài, tất cả để xây dựng nên đế chế thống trị thương mại điện tử toàn cầu ngày nay. Và ông phân tích vai trò tiên phong của Alibaba trong cảnh quan kinh doanh toàn cầu mới ― tập trung vào phương Đông thay vì phương Tây, những thị trường mới nổi thay vì những thị trường đã phát triển, và doanh nhân nhanh nhạy chứ không phải khổng lồ công nghiệp. Khi chúng ta đối mặt với tương lai gần này, câu chuyện về Alibaba ― và những hậu duệ tất yếu phải có của nó ― vừa có tính xây dựng lẫn những tinh hoa cốt lõi.
Tác giả viết sách còn làm một bộ phim tài liệu có tựa đề Cá sấu sông Dương Tử nói về quá trình khởi nghiệp của Jack Ma mà ông chứng kiến và đã đồng hành trong công việc. Vì thế cuốn sách này được viết hấp dẫn như một cuốn phim, giàu tình tiết, ngắt chương đầy kịch tính, lôi cuốn đọc không dừng được. Tác giả đã đem cuốn phim tài liệu của mình trình chiếu ở nhiều liên hoan phim và cho sinh viên ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nếu như có thể mời ông đến Việt Nam chiếu bộ phim đó cùng với việc ra mắt cuốn sách này ở Việt Nam, đó có thể là một sự kiện "đỉnh" cho hội chợ sách tháng 3 chẳng hạn!
TIẾP THỊ 4.0: DỊCH CHUYỂN TỪ TRUYỀN THỐNG SANG CÔNG NGHỆ SỐ
Quyển cẩm nang vô cùng cần thiết cho những người làm tiếp thị trong thời đại số. Được viết bởi cha đẻ ngành tiếp thị hiện đại, cùng hai đồng tác giả là lãnh đạo của công ty MarkPlus, quyển sách sẽ giúp bạn lèo lái thế giới không ngừng kết nối và khách hàng không ngừng thay đổi để có được nhiều khách hàng hơn, xây dựng thương hiệu hiệu quả hơn, và cuối cùng kinh doanh thành công hơn. Ngày nay khách hàng không có nhiều thời gian và sự chú ý dành cho thương hiệu của bạn – và họ còn bị bao quanh bởi vô số các chọn lựa. Bạn phải tách khỏi đám đông, phải nổi trội, để gây sự chú ý và truyền đạt thông điệp mà khách hàng muốn nghe. “Tiếp thị 4.0” tận dụng tâm lý thay đổi của khách hàng để tiếp cận nhiều khách hàng hơn và khiến họ gắn bó với thương hiệu hơn bao giờ hết. Quyển sách cho bạn kiến thức sâu rộng để bạn thành công trong thế giới tiếp thị ngày nay: Khám phá những nguyên tắc mới trong tiếp thị; Nổi bật và tạo ra những khoảnh khắc WOW; Xây dựng nền tảng khách hàng trung thành và có tiếng nói; và Biết ai sẽ là người định hình tương lai của các chọn lựa của khách hàng…
Quyển sách gồm ba phần, với các nội dung:
“Phần đầu tiên của cuốn sách là kết quả quan sát của chúng tôi về thế giới chúng ta đang sinh sống. Chúng tôi bắt đầu bằng cách bám sát ba thay đổi lớn đang định hình thế giới chúng ta. Chúng tôi đi vào chi tiết hơn để khám phá xem khả năng kết nối đã thay đổi cơ bản cuộc sống của con người như thế nào. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi đi sâu hơn vào một số nhóm tiểu văn hóa chính trong kỷ nguyên số - đó là giới trẻ, phụ nữ và công dân mạng, hứa hẹn sẽ là nền tảng cho một thế hệ khách hàng mới.
Phần thứ hai cũng là phần trọng tâm của cuốn sách, sẽ thảo luận về cách người làm tiếp thị có thể gia tăng hiệu suất bằng cách tìm hiểu về hành trình khách hàng trong kỷ nguyên số. Phần này sẽ giới thiệu một hệ thống mới các chỉ số tiếp thị và cách nhìn hoàn toàn mới về cách đánh giá hoạt động tiếp thị của chúng ta. Chúng tôi cũng đào sâu hơn vào một số ngành quan trọng và cách áp dụng những ý tưởng từ “Tiếp thị 4.0” vào các ngành này.
Cuối cùng, phần thứ ba miêu tả chi tiết về các chiến thuật chủ đạo của “Tiếp thị 4.0”. Chúng tôi bắt đầu với hoạt động tiếp thị lấy con người làm trung tâm với mục tiêu nhân cách hóa thương hiệu với các giá trị của con người. Sau đó, chúng tôi tiếp tục thảo luận chuyên sâu về tiếp thị nội dung nhằm tạo ra thảo luận giữa các khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi còn mô tả những cách giúp người làm tiếp thị có thể áp dụng phương thức tiếp thị tích hợp đa kênh nhằm tăng doanh thu cao hơn. Sau cùng, chúng tôi đào sâu vào các khái niệm về sự gắn kết với khách hàng ở kỷ nguyên số.”
TRỞ THÀNH FACEBOOK - 10 THÁCH THỨC TRÊN CON ĐƯỜNG TÁI LẬP THẾ GIỚI
Trong năm 2009, cái tên Mark Zuckerberg đã đi vào huyền thoại trong cuốn sách Accidental Billionaires (“Những tỷ phú tình cờ”) của Ben Mezrick mở đầu với câu “Có lẽ đến ly thứ ba thì phép mầu mới xảy ra”, và là nguyên mẫu cho bộ phim The Social Network (“Mạng xã hội”) của Đạo diễn Aaron Sorkin với nhân vật chính là một anh kỹ sư lập trình nửa chính nửa tà, vụng về giao tiếp và hơi “mê gái”. Đầu năm 2009, Facebook chỉ mới có 150 triệu người dùng và kết sổ cuối năm với 270 triệu USD doanh thu, ai cũng nghĩ công ty này không sao bì được với phong độ của mạng xã hội lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ là MySpace.
Thế mà đến cuối năm 2015, Zuckerberg được vinh danh là một trong những CEO tài hoa và nhà từ thiện hào phóng nhất thời đại, còn Sheryl Sandberg được ca tụng rằng không chỉ là một COO (Giám đốc vận hành) mẫu mực mà còn là ánh đuốc soi đường, là tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ bình đẳng giới, và Facebook lúc này đã là một công ty ngang cơ với Google và Apple, có công làm thay đổi thế giới. Cùng nhau, họ đã đẩy số người dùng Facebook lên 15 lần, sở hữu trong tay bốn trong số sáu công cụ giao tiếp hàng đầu thế giới (chỉ riêng ba công cụ trong nhóm này thôi cũng đã thu hút hơn một tỷ người dùng hàng tháng), tăng thị giá công ty lên gấp 30 lần (tức hơn 300 triệu USD) và tăng doanh thu gấp 60 lần (tăng gần 18 tỷ USD hàng năm).
Cuốn sách này kể lại những thăng trầm của Facebook trong bảy năm ròng rã và tương lai mười năm tới của Facebook từ góc nhìn của người trong cuộc: chặng đường trưởng thành để trở thành một trong những công ty vĩ đại nhất thế giới của Facebook.
NHẤN NÚT TÁI TẠO
Nhấn nút tái tạo là câu chuyện kể về sự thay đổi rất riêng, cuộc chuyển mình xảy ra bên trong Microsoft, và làn sóng công nghệ đột phá và thú vị đang ập tới nhân loại – bao gồm Trí Tuệ Nhân Tạo, Thực Tại Kết Hợp và Vi Tính Lượng Tử. Cuốn sách mổ xẻ cách con người và các tổ chức, xã hội có thể, và phải thay đổi, phải “nhấn nút tái tạo” trong nỗ lực không ngừng tìm kiếm năng lượng mới, ý tưởng mới và tiếp tục làm mới mình để vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa. Tuy vậy, trọng tâm của nó vẫn là con người, và làm thế nào để một trong những giá trị cốt yếu của chúng ta – sự cảm thông – sẽ trở nên giá trị hơn trong một thế giới mà sự phát triển công nghệ sẽ làm thay đổi những giá trị hiện hữu hơn bao giờ hết.
Ngoài những tư tưởng về sự tiến bộ đáng kinh ngạc của khoa học, Satya Nadella chia sẻ tuổi thơ thú vị của mình trước khi di cư sang Mỹ và cách ông đã học hỏi để trở thành lãnh đạo theo thời gian. Ông kể về mình như một CEO thiền định – một người gần như chưa có tiếng tăm gì sau vị CEO thông thái Bill Gates và một CEO năng lượng tràn trề như Steve Ballmer. Ông giải thích quá trình công ty tìm lại linh hồn của mình – chuyển đổi mọi thứ, từ văn hóa đến quan hệ đối tác kinh doanh, cho đến bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong bản thân ngành công nghệ thông tin. Nadella đã giới thiệu phương trình khôi phục niềm tin số, những nguyên lý thiết kế đạo đức, và tăng trưởng kinh tế cho mọi người.
“Ý tưởng làm tôi phấn khích”, Nadella cắt nghĩa. “Còn sự cảm thông làm tôi vững chắc và tập trung”. Với những chuỗi khuyến nghị được diễn đạt như những thuật toán, Nhấn nút tái tạo chính là sự trầm tư sâu lắng về những gì đang ở phía trước của một nhà lãnh đạo tận tụy và cởi mở đang tìm sự hoàn thiện cho mình, cho một công ty huyền thoại và cho xã hội.